25/09/2019 07:06
Doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội
Tại sao các doanh nghiệp không "mặn mà" với nhà ở giá rẻ, thậm chí nhiều dự án xin chuyển sang đầu tư nhà ở thương mại?
Cần một cơ chế riêng
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty LêThành, thực tế hiện naynhà ở xã hội ra ít ra thị trường, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là thị trường bất động sản thương mại hiện nay rất tốt, lợi nhuận rất cao, làm bao nhiêu sẽ bán hết bấy nhiêu.
Với thời gian và số vốn đó nếu đầu tư vào nhà ở thương mại hiệu quả hơn. Thêm vào đó, những doanh nghiệp tâm huyết làm nhà ở xã hội cho công nhân, hay những người thu nhập thấp thì thực tế triển khai gặp rất nhiều vấn đề về luật.
Ông Lê Hữu Nghĩa. |
Nói về các nghị định luật và thông tư, theo ông Nghĩa có đầy đủ, nhưng trên thực tế khi triển khai tại địa phương thì phát sinh nhiều vấn đề ngay từ khâu xindự án, kế đến là cơ chế hỗ trợ. Luật có nhưng khi xin cơ chế phù trợ thì rất khó.
Doanh nghiệp bị kẹt ở chổ, xin dự án nhà ở thì phải có đất ở mới được xin dự án. Nếu doanh nghiệp đã có đất ở thì làm nhà ở thương mại luôn chứ tại sao phải làm nhà ở xã hội.
Thêm vào đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, nhưng chỉ cho người dân vay chứ không cho doanh nghiệp vay. Nếu doanh nghiệp muốn vay, thì vay theo cơ chế lãi suất thương mại. Doanh nghiệp không được hỗ trợ vay vốn thì lấy tiền đâu xây nhà ở xã hội.
Nói thêm, chính sách nói về những ưu đãi hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng, nhưng trên thực tế thì không có, khiến chủ đầu tư phải tự làm dẫn đến giá thành đội lên. Chính vì vậy các doanh nghiệp không quá mặn mà với các dự án nhà ở xã hội.
“Hiện nay Lê Thành đã bàn giao hơn 4.000 căn nhà ở xã hội. Thực tế có nhiều dự án đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có quyết định miễn sử dụng đất", ông Nghĩa nói.
Lê Thành đang xin dự án 2.300 căn ở Tân Kiên nộp hồ sơ từ tháng 3/2019, nhưng bây giờ đã là tháng 9/2019, bước đầu tiên, cơ bản mà phải mất 6 tháng vẫn chưa có quyết định. Vậy nếu làm hết tất cả các bước thì đến khi nào nhà ở xã hội mới hoàn thành.
“Nhiều khi doanh nghiệp có tâm huyết, có đủ năng lực, nhưng thủ tục quá chậm, lại chồng chéo với luật dự án thương mại. Vì vậy theo tôi nghĩ phải có một cơ chế riêng cho nhà ở xã hội, hỗ trợ nhanh nhất, thì các doanh nghiệp mới có thể cho ra đời những dự án cho người dân lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu nhà ở” ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Nghĩa nhấn mạnh điểm bất hợp lý trong nhà ở xã hội là người dân ở nhà ở xã hội hiện nay đang phải đóng phí xử lý nước thải gấp 2 lần người ở nhà phố. Bởi người ở nhà phố khi đóng tiền nước đã có luôn khoản phí xử lý nước thải. Còn người ở nhà ở xã hội cũng phải đóng khoản này rồi nhưng còn phải đóng thêm một khoản nữa là phí xây bể, vận hành bể xử lý. Vì sao người già chỉ đóng phí xử lý nước thải có một lần còn người nghèo lại phải đóng đến 2 lần. Như thế là bất hợp lý.
Doanh nghiệp không mặn mà
Nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này vẫn chẳng thấm vào đâu khi chỉ mới đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu nhà ở của người lao động.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng, còn rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn.
Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở. Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200 tỷ đồng trong tổng số 9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, không mặn mà khi làm nhà ở xã hội và ngại cơ chế, chính sách khó khăn. |
Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế.
Người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, gia đình trẻ còn rất hạn chế, rất khó khăn trong việc mua nhà ở; tại một số địa phương có dự án nhà ở cho công nhân nhưng giá bán, cho thuê cao, cơ chế quản lý chặt chẽ, do đó chưa phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân lao động.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cho biết, bên cạnh những khó khăn còn vướng phải thì các hạng mục đầu tiên của dự án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam động thổ thi công xây dựng, khởi động cho chuỗi 50 dự án thiết chế của Công đoàn tại các địa phương
Nhà ở xã hội hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu thị trường. |
Khi hoàn thành toàn bộ, dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.
Sài Gòn Co.op một trong những đơn vị thành công hỗ trợ cán bộ nhân viên có hoàn cảnh khó khăn mua nhà. Đội ngũ nhân viên của Sài Gòn Co.op phân tán trên cả nước, nên nếu xây chung cư thì rất khó giải quyết cho số đông có nhu cầu nhà ở.
"Sài Gòn Co.op chuyển thành hình thức hỗ trợ 200 triệu đồng/lần /người, để cho nhân viên có điều kiện góp thêm để mua nhà. Còn đối với những trường hợp khó khăn hơn, không có đủ tiền mua nhà chúng tôi hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để nhân viên có chổ ở khang trang, tiện nghi hơn”, ông Quách Cường, Phó Bí thư Đảng ủy Sài Gòn Coop cho biết.
Ngoài ra, đơn vị này còn triển khai dự án chung cư Sài Gòn Co.op ở quận Gò Vấp, trong đó có 99 căn hộ (diện tích từ 49,46-63,96m2) và 8 căn thương mại dịch vụ dành cho cán bộ quản lý.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp