Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 2 như thế nào?

Doanh nghiệp

21/04/2021 15:12

Với doanh nghiệp gia đình Việt Nam, kế hoạch kế nghiệp vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Chỉ 36% có kế hoạch kế nghiệp công minh, được lập thành văn bản và công bố rõ ràng.

Doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên hàng đầu cho mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ 

Theo báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình 2021 – Góc nhìn Việt Nam do  PwC thực hiện, 65% các doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Và triển vọng cho 2022 tích cực hơn, với 3/4 lãnh đạo được hỏi tự tin về tăng trưởng.

Đặc biệt, có 33% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra “nhanh” và “mạnh mẽ” – cao hơn tỷ lệ ghi nhận ở cấp độ khu vực là 28%, và trên toàn cầu là 21%.

Báo cáo cho biết việc mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Có 55% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Tương đương con số này, có 52% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới.

dngd.jpg
Thế hệ F2 trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang gánh vác việc phát triển sự nghiệp. Ảnh: NCĐT

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tạo ra những thay đổi mang tính lâu dài, có 52% doanh nghiệp khảo sát cho biết đang nhìn nhận lại, hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Mặc dù COVID-19 ít tác động đến nền kinh tế Việt Nam hơn, nhưng khảo sát cho thấy trong bối cảnh COVID-19, số doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam chấp nhận hy sinh về tài chính chiếm đến 79%, nhiều hơn con số 57% của các doanh nghiệp gia đình toàn cầu.

Tăng cường sự tham gia và chuyển giao giữa các thế hệ, thế hệ kế nghiệp sẽ thành cổ đông chính

Cũng theo báo cáo, mô hình vận hành hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu - 52% hoặc gia đình quản lý  36%.  Nhưng điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành.

Cụ thể, cơ cấu quản lý sẽ chuyển từ các doanh nghiệp do chủ sở hữu/gia đình quản lý từ 87% giảm xuống 38%. Hình thức doanh nghiệp do gia đình sở hữu/được bên ngoài quản lý hoặc điều hành sẽ tăng từ 12% năm 2021 lên 60% trong 5 năm tới. 

Phân tích từ báo cáo cho thấy sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng, có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn.

Trong 5 năm tới sẽ có sự thay đổi lớn về thế hệ. Khoảng 52% doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự kiến họ sẽ có thế hệ thứ 2, và khoảng 20% sẽ có thế hệ thứ 3 hoặc thứ 4 là cổ đông lớn sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp gia đình Việt Nam, kế hoạch kế nghiệp vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm. Chỉ có 36% tuyên bố rằng họ có kế hoạch kế nghiệp công minh, được lập thành văn bản và công bố rõ ràng. Nhưng chỉ 6% có Di ngôn/Di chúc hoặc Thủ tục khẩn cấp/ kế hoạch dự phòng.

Ngoài ra, các kế hoạch này chưa được chuyển thành các chính sách quản trị công ty. PwC cho rằng kế hoạch tiếp quản và kế nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, để giúp doanh nghiệp đạt được một khối tài sản có giá trị lâu dài, cũng như bao quát những vấn đề, như xác định thời điểm các thành viên gia đình có thể làm việc trong doanh nghiệp, cách phân chia lợi nhuận, những người phục vụ trong hội đồng quản trị và cách lập kế hoạch cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. 

kao-sieu-luc-cung-cac-con1_4849198-0901.jpg
TheoPwC, khoảng 58% doanh nghiệp gia đình Việt Nam có thành viên trong gia đình thuộc thế hệ kế nghiệp làm việc trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp của doanh nhân Kao Siêu Lực là một trong những gia đình điển hình có thế hệ thứ 2 điều hành. Ảnh: NĐT

Việc không có kế hoạch rõ ràng có thể trở thành rủi ro cho các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và các mối quan hệ trong gia đình.

Hiện có khoảng 58% doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam có thành viên trong gia đình thuộc thế hệ kế nghiệp làm việc trong doanh nghiệp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam tương đối “trẻ”, với gần 2/3 doanh nghiệp có thế hệ đầu tiên là cổ đông lớn, so với con số 43% tại Châu Á - Thái Bình Dương và 32% trên toàn cầu. 

Báo cáo cũng chỉ ra xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam quan tâm trở thành công ty đầu tư gia đình.

Ngoài ra, có 45% doanh nghiệp gia đình đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới. Điều này cho thấy nhu cầu tạo ra nguồn thu bền vững để sẵn sàng cho những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Johnathan Ooi, lãnh đạo dịch vụ doanh nghiệp gia đình và tư nhân tại PwC Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp gia đình đang phải thích ứng với tốc độ thay đổi chưa từng có. Bên cạnh kế hoạch chiến lược, các doanh nghiệp gia đình cần tập trung đồng đều vào việc xây dựng kế hoạch kế thừa".

"Một khởi đầu vững chắc sẽ giúp trang bị cho thế hệ tương lai những công cụ cần thiết, để thúc đẩy và định hướng phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp”, ông Johnathan Ooi nói thêm.

Năng lực số và khả năng thích ứng có thể là rào cản tăng trưởng của doanh nghiệp gia đình

Mặc dù kết quả từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, nhưng tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. Chỉ 30% doanh nghiệp tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 38%.

Đáng chú ý, chỉ có 9% doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn tự tin vào năng lực số. Sự chênh lệch này phần nào có thể được lý giải bởi mức độ kháng cự đối với thay đổi còn ở mức cao, cụ thể là đến 67% các doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát cho biết chưa sẵn sàng thay đổi.

Báo cáo của PwC cho rằng tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số sẽ không dừng lại ở việc thu hẹp khoảng cách công nghệ. Chuyển đổi số cần gắn liền với những thay đổi từ bên trong văn hóa doanh nghiệp, cần được hỗ trợ và tham gia tích cực từ lãnh đạo, cũng như cam kết về nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực.

Ông Johnathan Ooi cho rằng doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên cân nhắc để tận dụng những hiểu biết và góc nhìn mới mà thế hệ kế nghiệp – với thế mạnh sẵn có về kỹ thuật số - có thể đóng góp, thúc đẩy ưu tiên về số hóa cho doanh nghiệp.

“Năm 2019, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi cho thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam về lĩnh vực mà họ tin rằng có thể đóng góp tích cực nhất cho doanh nghiệp gia đình. Khi đó, 55% tự tin vào khả năng giúp doanh nghiệp phát triển phù hợp với thời đại số", lãnh đạo PwC nói.

Các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị cần tập trung nhiều hơn

Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra rằng để giữ vững di sản cho doanh nghiệp gia đình, việc cân nhắc đưa các tiêu chí liên quan tới môi trường, xã hội và quản trị vào kế hoạch phát triển doanh nghiệp đang trở nên ngày một cấp thiết.

dnp-how-to-create-a-positive-culture-in-your-organization.jpg
Các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững với doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện ở vị trí rất thấp trong danh sách ưu tiên kinh doanh. Ảnh minh họa

Hiện 85% các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cho biết có tham gia vào các hoạt động trách nhiệm xã hội khác nhau, nhưng các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững hiện ở vị trí rất thấp trong danh sách ưu tiên kinh doanh.

Theo đó, chỉ 21% doanh nghiệp tham gia cảm thấy có trách nhiệm với vấn đề biến đổi khí hậu, thấp hơn tỷ lệ 50% ghi nhận được ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh trong 1 năm, doanh nghiệp phải thay đổi cách thức đáp ứng các nhu cầu đặt ra bởi xã hội và môi trường, nguy cơ tụt hậu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, và rộng hơn là các tiêu chí này có thể tạo ra rủi ro kinh doanh tiềm ẩn.

Khảo sát Doanh nghiệp gia đình là một cuộc khảo sát toàn cầu với các lãnh đạo hay các thành viên tham gia quản lý trong các doanh nghiệp gia đình. Mục đích của cuộc khảo sát này nhằm hiểu được quan điểm của các doanh nghiệp gia đình về những vấn đề trọng điểm hiện nay. Doanh thu hàng năm của các công ty tham gia khảo sát từ dưới 5 triệu đô đến hơn 6 tỷ đô.

Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu lần thứ 10 năm 2020 của PwC được thực hiện với sự tham gia của trên 2.800 lãnh đạo doanh nghiệp tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thực hiện từ 5/10/2020 tới 11/12/2020. 

Tại Việt Nam, có 33 lãnh đạo doanh nghiệp gia đình tiêu biểu đã đóng góp ý kiến qua phỏng vấn trực tuyến. Đây cũng là lần đầu PwC đưa ra Báo cáo về doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Báo cáo góc nhìn Việt Nam khẳng định khả năng phục hồi, tín nhiệm doanh nghiệp và sự lạc quan về tương lai của các doanh nghiệp này, nhưng cũng tiết lộ những thách thức mới cần phải giải quyết và vượt qua.

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement