Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp gặp khó trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa

Doanh nghiệp

28/07/2021 16:42

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/TTg và Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, với cách làm chưa thống nhất giữa các địa phương đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và hàng hóa đi tiêu thụ.

Khó khăn bủa vây

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn. Tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều nhập khẩu và xuất khẩu. Cùng với đó, việc lưu thông hàng hóa trong nội địa hiện nay rất vất vả. Do chưa thống nhất giữa các địa phương, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về May 10, rồi phân phối vận chuyển đi các xí nghiệp thành viên ở các tỉnh và hàng hóa thành phẩm chuyển từ các tỉnh về May 10 ở Hà Nội để xuất khẩu, đi qua tỉnh nào thì gặp chốt ở tỉnh đó.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải đang “đòi" tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí khác như xét nghiệm cho lái xe…

"Một lần test PCR chỉ được 72 giờ, trong khi đó xe lưu thông hàng hóa cũng phải mất khoảng 2-3 ngày. Tức là lái xe sẽ phải test COVID-19 ở cả chiều đi và chiều về, rất tốn kém, chưa kể thời gian chờ đợi để test và lấy kết quả khá lâu. Do đó, mọi chi phí tăng lên và thời gian vận chuyển lâu hơn”, ông Việt cho hay.

Thực tế này cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Bởi nếu giao hàng chậm thì sẽ bị phạt tiến độ, chưa kể đến những chuyến hàng không kịp giao bằng đường thủy, phải đi bằng máy bay, với chi phí cao gấp nhiều lần, nên doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp dệt may đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19. 

Tương tự, Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang cũng đứng trước rất nhiều khó khăn. Do trước đó phải tạm dừng hoạt động 3 tuần để phòng chống dịch COVID-19 và tuần đầu hoạt động trở lại chưa đủ quy mô về số lượng lao động, cộng với phải thực hiện các biện pháp giãn cách trong sản xuất, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Vì vậy, doanh nghiệp phải đàm phán xin gia hạn xuất hàng chậm 1 tháng so với lịch đã cam kết khi nhận hàng.

Hơn một tháng nay, công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nhưng nguy cơ không giữ được cam kết với khách hàng. Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với yêu cầu chuyển đổi hình thức xuất hàng từ đường biển sang đường hàng không, khiến chi phí đội giá vài chục lần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang cho biết, vận tải khó khăn không những ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu, mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi sản xuất của doanh nghiệp khi không nhập được nguyên phụ liệu sản xuất, nguy cơ đứt quãng hay phải dừng sản xuất cũng có thể xảy ra.

Việc áp dụng biện pháp chống dịch tại các chốt kiểm dịch ở các địa phương chưa thống nhất đã dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa. Ví dụ như ở tỉnh này yêu cầu xét nghiệm PCR, tỉnh kia thì áp dụng test nhanh, nơi thì chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh có hiệu lực trong ngày, trong khi tại chốt ở tỉnh khác lại chấp nhận kết quả này trong vòng 24 giờ…

Đảm bảo thuận lợi lưu thông hàng hóa

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, doanh nghiệp dệt may đang đứng trước hàng loạt thách thức đặc biệt là vấn đề lưu thông, áp dụng giấy xét nghiệm như giấy thông hành một cách tràn lan, mâu thuẫn ở các tỉnh.

Tại các cửa ngõ vào Hà Nội, từ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 24/7), toàn bộ quốc lộ 1B hướng về Thủ đô ken kín phương tiện chờ duyệt qua chốt kiểm dịch, nhiều lái xe phải xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa vẫn chưa qua được chốt. Ô tô vận tải hàng hóa nối đuôi nhau kéo dài khoảng 3 - 4 km.

Ở khu vực phía Nam có hàng trăm chốt kiểm soát, kiểm dịch liên tỉnh tại các cửa ngõ ra vào các địa phương. Vướng mắc lớn nhất là yêu cầu về giấy xét nghiệm y tế âm tính với COVID-19 có thời hạn khác nhau, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh quy định 3 ngày; Long An là 5 ngày và Đồng Nai là 7 ngày... 

“Sau rất nhiều công sức, chi phí và nỗ lực phi thường để thực hiện được "3 tại chỗ", thì doanh nghiệp lại gặp vướng mắc lớn ở khâu vận chuyển nguyên liệu. Ví dụ, doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh muốn chuyển vải đi Vĩnh Long để may thì không được vì TP Hồ Chí Minh chưa cấp QR Code cho xe tải và ngược lại, hàng nguyên liệu Đồng Nai không di chuyển lên TP Hồ Chí Minh được, vì hàng nguyên phụ liệu không phải mặt hàng thiết yếu...”, bà Ánh cho biết.

Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine, đặc biệt là lái xe vận tải hàng hóa thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vaccine nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

“Cùng với đó, cần thống nhất các quy định, khái niệm về lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, nhằm tránh tình trạng cát cứ, gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất. Đồng thời, gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR”, bà Ánh đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang kiến nghị, các cơ quan quản lý cần cải thiện giao thông vận tải đảm bảo hàng hóa lưu thông được thông suốt, đảm bảo chuỗi sản xuất cũng như xuất nhập khẩu thuận lợi, nhất là trong giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 9, vì đây là thời điểm nóng nhất của ngành may nói chung.

Còn ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 kiến nghị không nên kiểm dịch chốt trên đường quốc lộ, hoặc tìm kiếm phương án kiểm tra nhanh để hạn chế ùn tắc.

THU TRANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement