25/08/2017 02:41
Doanh nghiệp dính sai phạm BOT lên tiếng bác bỏ kết luận của Thanh tra Chính phủ
Khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận sai phạm ngàn tỉ tại các dự án BOT của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM thì cả hai công ty này đều cho rằng, kết luận đó không chính xác.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại 6 dự án được thực hiện theo hợp đồng BT và BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP.HCM. Trong đó có dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh đến Khu công nghiệp Phú Hữu do Công ty Cổ phần Xi măng Hà Riên 1 (HT1) làm chủ đầu tư. Ngay lập tức, công ty này lên tiếng thanh minh.
Theo kết luận, dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh đến Khu công nghiệp Phú Hữu không thành lập doanh nghiệp dự án mà HT1 chỉ thành lập Ban quản lý dự án để quản lý dự án trong thời gian xây dựng. Tổng mức đầu tư là 461 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 69 tỉ đồng và vốn vay 392 tỉ đồng.
Dự án có đường bê tông xi măng rộng 30m, dài 2,626km khởi công ngày 6/6/2012 và hoàn thành ngày 14/6/2014. Thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm. Dự án vẫn chưa hoàn thành và quyết toán công trình.
Tại dự án này, UBND TP.HCM đã không thực hiện công bố danh mục dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu để kêu gọi đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8, Nghị định 78/2007/NĐ-CP.
Dự án được UBND thành phố chỉ định cho Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên làm nhà đầu tư mà không tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 11 Nghị định 78.
Sau thông tin trên được công bố, HT1 đã lên tiếng bác bỏ thông tin này là không chính xác và sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng có hai dự án bị nêu tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ là dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu II. Tổng số tiền sai phạm hơn 1.400 tỉ đồng.
Sau đó, CII đã có công văn giải trình gửi các đến cổ đông. Theo CII, trên cơ sở chấp thuận của cơ quan Nhà nước, dự án BOT mở rộng Xa Lộ Hà Nội được bổ sung 1.410 tỉ đồng chi phí đền bù giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. thuộc phạm vi dự án.
CII cho rằng, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư của dự án số tiền 1.400 tỉ đồng thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Do vậy, CII đã bổ sung số tiền này vào tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư thuộc UBND TP.HCM.
Nói về kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT, BT do vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng ngân sách thì có hạn nên phải tìm vốn từ nhiều nguồn.
Ông Hoan khẳng định, TP.HCM không làm thất thoát ngân sách, không có lợi ích nhóm, không có tư túi. Dù vậy, TP.HCM sẽ tiếp thu các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ triển khai ngay các giải pháp khắc phục mà trọng tâm là công tác thanh quyết toán.
Trên thực tế, có một số nội dung theo kết luận thanh tra TP.HCM đã thực hiện rồi. TP.HCM cũng sẽ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm để đóng góp cho chính sách chung của cả nước đối với các dự án BOT, BT cũng như nghiên cứu quản lý tốt hơn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp