22/05/2021 13:23
Doanh nghiệp địa ốc vừa làm vừa 'hóng' dịch
Hiện là thời điểm các doanh nghiệp địa ốc tập trung đẩy mạnh công tác bán hàng, nhưng sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải vừa làm vừa “hóng” dịch để... liệu cơm gắp mắm.
Ảnh hưởng là điều khó tránh
Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đúng thời điểm các doanh nghiệp bất động sản đang tập trung giới thiệu sản phẩm ra thị trường sau quý I mang tính khởi động. Tuy không quá bất ngờ, nhưng thực tế này cũng khiến doanh nghiệp phải thay đổi “kịch bản”.
Đơn cử, Thắng Lợi Group có kế hoạch giới thiệu giai đoạn 2 dự án The Sol City tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An vào đầu tháng 5 này. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại buộc doanh nghiệp này phải lùi kế hoạch sang cuối tháng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết, Công ty phải cân nhắc lại việc tung ra thị trường sản phẩm mới bởi sức mua giảm. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng, khiến họ dè dặt xuống tiền.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc có dự án nghỉ dưỡng triển khai tại Phan Thiết cũng cho hay, theo kế hoạch, giữa tháng 5 này doanh nghiệp sẽ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung cho dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Phan Thiết. Để chuẩn bị cho đợt mở bán này, doanh nghiệp đã “chạy” chương trình từ cuối tháng 4. Chi phí bỏ ra để quảng bá bán hàng mấy tỷ đồng mà dịch bỗng bùng phát trở lại, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải hủy sự kiện, dời sang giai đoạn sau dịch (có thể là tháng 6 hoặc tháng 7/2021).
Nhìn ở một khía cạnh tích cực, Covid đã giúp Việt Nam và cả thế giới đẩy nhanh quá trình số hóa, là nền tảng để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, rút ngắn quy trình trong tương lai gần.
Ông Mai Đức Toàn - Giám đốc Khối kinh doanh và tiếp thị CNT Group
“Hủy bán hàng đồng nghĩa với tất cả các chi phí bỏ ra để phục vụ công tác truyền thông trước đó xem như đổ sông đổ bể, công sức của cả một ekip và thiệt hại về tài chính là không nhỏ. Sau khi hết dịch mà mở bán trở lại, chúng tôi vẫn phải bỏ kinh phí chạy truyền thông từ đầu, tức là chi phí sẽ bị đội lên gấp đôi, nhưng không thể làm gì khác hơn”, vị lãnh đạo trên nói.
Theo một số chuyên gia trong ngành, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, bất động sản là một trong những thị trường chịu thiệt nhiều nhất, bởi đây là sản phẩm đặc thù, tâm lý khách hàng là phải “mục sở thị” sản phẩm, rồi mới quyết định có xuống tiền hay không. Do đó, khi khó tiếp cận khách hàng thì việc bán hàng cũng trở nên khó khăn hơn.
Nói như ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối kinh doanh và tiếp thị Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh vật tư (CNT Group), làn sóng Covid thứ 4 đang diễn biến phức tạp và bắt đầu tác động lên hoat động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong gần nửa tháng qua, mọi hoạt động đều chậm lại. Doanh nghiệp nào có nền tảng tài chính vững vàng thì có thể cầm cự được, còn với những doanh nghiệp tiềm lực hạn chế thì đây là thách thức lớn.
Cơ hội đẩy mạnh số hóa công tác bán hàng
Một mặt bày tỏ sự lo ngại, nhưng mặt khác ông Mai Đức Toàn cũng cho rằng, dịch bệnh là cơ hội để mang đến những thay đổi đột phá, để chắt lọc ra những tập thể, cá nhân ưu tú. Dịch bệnh đòi hỏi tất cả cá nhân, tập thể phải chủ động trong các giải pháp việc làm, thay đổi tư duy, đặc biệt là ứng dụng số hóa để kịp thích ứng với thời cuộc, từ đó tạo ra hiệu quả cao trong công việc. Đây chính là yếu tố để tạo nên những doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn.
“Tôi cho rằng, trong khó khăn luôn xuất hiện những cơ hội. Covid-19 đang thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ và cho ra đời những sản phẩm mới. Vì thế, doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội thì sẽ vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch”, ông Toàn nói.
Ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trước những chuyển biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã thích ứng và lên trước các kịch bản phòng tránh dịch nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại.
Đơn cử, Thắng Lợi Group đã cơ cấu lại bộ máy vận hành bằng cách tăng cường các giao dịch online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, cải cách quy trình vận hành thông qua hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện T-core..., cùng với đó là nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K trong quá trình làm việc.
… nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng số hóa. Ảnh:Shutterstock |
Ông Nguyễn Thanh Quyền nhìn nhận, tác động của đại dịch đã giúp doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, nhìn nhận lại xu hướng, tư duy chọn lựa sản phẩm đầu tư của khách hàng, từ đó tập trung nguồn lực đón đầu xu hướng mới, tạo ra những sản phẩm nhà ở chất lượng, tích hợp đa tiện ích, phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Tương tự, bên cạnh tăng cường giao dịch online, Trần Anh Group cũng đẩy mạnh phát triển các ứng dụng bán hàng, đặc biệt là các ứng dụng thực tế ảo nhằm mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Với công nghệ này, khách hàng sẽ không cần trực tiếp đến dự án mà vẫn cảm nhận được rõ nét căn hộ tương lai mình sẽ sở hữu.
“Covid-19 là lời cảnh tỉnh cao nhất đối với doanh nghiệp, không thể mải mê với chiến thắng mà luôn đặt mình ở tâm thế sẵn sàng ứng phó. Bản thân chúng tôi cũng vậy, ngay ở lần bùng phát dịch thứ 2, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên công ty và khách hàng. Do vậy, việc đẩy mạnh kinh doanh qua kênh online luôn được chúng tôi trú trọng”, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group chia sẻ.
Cũng đã lên kế hoạch trước các phương án hoạt động trong mùa dịch, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, khi có thông tin bùng dịch ở các quốc gia lân cận, Công ty đã đẩy nhanh công tác bán hàng trực tiếp trong 4 tháng đầu năm. Ngoài ra, Đại Phúc Land cũng đã có sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là dịch sẽ kéo dài trong vài tháng tới.
“Khi Việt Nam tái bùng dịch, chúng tôi đã chuẩn bị xong các phương án sử dụng công nghệ để không làm gián đoạn quá trình bán hàng hiện tại”, bà Nguyễn Hương nói.
Chủ đề liên quan
Advertisement