04/07/2023 08:10
Doanh nghiệp địa ốc nỗ lực 'giảm cân'
Trước đây, khi thị trường thuận lợi, nhiều doanh nghiệp địa ốc có xu hướng mở rộng đầu tư ra bên ngoài và ngược lại, doanh nghiệp lĩnh vực khác muốn “lấn sân” bất động sản đều với mục đích đa dạng hóa nguồn thu, nhưng nay đã khác...
Hết mặn mà với đầu tư ngoài ngành
Đứng trước bờ vực khủng hoảng do thị trường khó khăn kéo dài, dẫn tới phải tái cấu trúc toàn diện là thực tế tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt với doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc, song cũng là cơ hội cho các đơn vị tư vấn M&A, huy động vốn hay tái cấu trúc.
“Việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành hoặc bán bớt tài sản không quan trọng đã mang đến nhiều hàng hóa hơn cho thị trường M&A”, ông Tiong Hooi Ong, Phó tổng giám đốc Khối Dịch vụ tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam đánh giá, đồng thời cho biết thêm, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A để có thể tối ưu hóa danh mục đầu tư, nâng cao năng lực tài chính là chiến lược được hầu hết doanh nghiệp ưu tiên thực hiện lúc này.
Thực tế, hoạt động thoái vốn đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, mới nhất là câu chuyện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) chuyển nhượng Nova F&B - công ty con hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ăn uống - cho đối tác đến từ Singapore. Theo các thành viên thị trường, động thái này không gây nhiều bất ngờ trong bối cảnh NovaGroup đang tái cấu trúc toàn diện để tập trung vào mảng kinh doanh chính là bất động sản như hiện nay.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) mới thông qua nghị quyết bán 100% vốn góp tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec - công ty con đang quản lý, khai thác toàn bộ thiết bị máy móc của Tập đoàn, giá trị thương vụ khoảng 1.100 tỷ đồng. Bên mua là Ashita Group - doanh nghiệp chuyên buôn bán máy móc, thiết bị công trình.
Ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc Hòa Bình cho biết, việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Matec nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của Tập đoàn. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, toàn bộ số tiền trên sẽ được bổ sung vào vốn lưu động để phục vụ các hoạt động kinh doanh.
Trước đó, ngày 20/5/2023, Hội đồng quản trị Hòa Bình đã ra nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ ba do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.
“Tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn là kế hoạch cấp bách và cần thiết trong năm nay. Chúng tôi chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư để tiến đến mục tiêu IPO trong thời gian tới”, ông Nam chia sẻ thêm.
Ở chiều ngược lại, bối cảnh thị trường không thuận lợi cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất từ bỏ kế hoạch “lấn sân” bất động sản để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi. Đơn cử, mới đây, Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) và Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) đều lần lượt giải thể các công ty con được thành lập trước đó với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Hay tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), lý giải việc đóng cửa hàng trăm cửa hàng Bách Hóa Xanh cùng lúc với thu hẹp quy mô chuỗi AVA Sport và rút khỏi thị trường Campuchia thời gian qua nhằm mục đích tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nói ngắn gọn rằng: “Tái cơ cấu trúc toàn diện là làm những thứ hiệu quả ngay và luôn, tức là với những ngành kinh doanh không hiệu quả thì dừng lại ngay, còn ngành có tiềm năng trong tương lai nhưng hiện chưa hiệu quả thì chậm lại”.
Điều tương tự cũng diễn ra với Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) khi vào đầu năm nay, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua chủ trương rút khỏi lĩnh vực y tế theo hướng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Tasco tại Công ty TNHH T’Hospital (tỷ lệ sở hữu 100%), để tập trung vào 3 ngành kinh doanh cốt lõi là hạ tầng giao thông, thu phí không dừng và kinh doanh bất động sản.
Cần nhanh chóng tái cấu trúc hoạt động
Đối mặt với lựa chọn hoặc chấp nhận viễn cảnh chìm sâu vào khủng hoảng, hoặc làm một điều gì đó để cứu vãn tình hình, hành động nhanh chóng là điều các doanh nghiệp cần phải làm.
“Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 26 - Những vấn đề trọng yếu các CEO ở Việt Nam cần quan tâm” của PwC công bố mới đây cho thấy, 69% CEO doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong 12 tháng tới; 53% CEO cho rằng các mô hình kinh doanh hiện tại của họ sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ tới (nhiều hơn 14% so với kết quả khảo sát trước đó). Do đó, đối mặt với lựa chọn hoặc chấp nhận viễn cảnh chìm sâu vào khủng hoảng, hoặc làm một điều gì đó để cứu vãn tình hình, hành động nhanh chóng là điều các doanh nghiệp cần phải làm.
Nhìn lại câu chuyện của American Express (gọi tắt là Amex), thời điểm diễn ra cuộc đại suy thoái 2008-2009, công ty phát hành thẻ lớn nhất thế giới với doanh thu hơn 950 tỷ USD này đã phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn chưa từng có. CEO Amex khi đó là Ken Chenault ngay lập tức thực hiện cắt giảm chi phí ở mức tối đa, đồng thời hoạch định một chiến lược tái cấu trúc toàn diện tập đoàn khi tập trung toàn bộ nguồn lực vào dịch vụ khách hàng - mảng kinh doanh cốt lõi ban đầu.
Hành động nhanh chóng đó đã giúp Amex thoát khỏi thời kỳ đen tối. Đến cuối năm 2009, thị giá cổ phiếu Công ty đã tăng lên mức 40 USD/cổ phiếu từ mức thấp nhất 10 USD/cổ phiếu vào tháng 3 cùng năm. Amex là công ty tài chính hiếm hoi khi đó còn duy trì cổ tức cho cổ đông và đạt được lợi nhuận sau khủng hoảng.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch tái cấu trúc của Ken Chenault là ông chỉ “tạm dừng” chứ không “từ bỏ” tất cả các khoản đầu tư tăng trưởng. Vào thời điểm đó, trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh còn đang vật lộn để thoát khỏi tình trạng thua lỗ, Amex đã bắt tay xây dựng một nền tảng mới để phát triển.
Ông xác định, trong tương lai, Amex không chỉ đơn thuần là một công ty phát hành thẻ, mà trở thành một tập đoàn cung cấp các dịch vụ tài chính, được hỗ trợ bởi một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ. Do đó, ông đã đầu tư rất nhiều vào đổi mới công nghệ. Ngoài ra, khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi, Ken Chenault đã tìm cách gia tăng lợi nhuận bằng cách cung cấp cho khách hàng nhiều cơ hội để chi tiền hơn.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Deloitte Việt Nam phân tích, bức tranh kinh tế toàn cầu hiện không nhiều khả quan khi lạm phát, chi phí vốn cao, sức cầu yếu… tiếp tục gây áp lực lên hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trước sức ép đó, việc tái cấu trúc hoạt động được xem là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, ông Phong cho rằng, nhiều khả năng trong năm nay, M&A theo hướng phòng thủ vẫn là xu hướng chủ đạo với mục đích tối ưu hóa danh mục tài sản, tạo thanh khoản để mảng kinh doanh cốt lõi có thể tăng trưởng và lành mạnh hóa cơ cấu tài chính. Theo đó, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư bằng việc thoái vốn khỏi những hạng mục không quan trọng nhằm thu về dòng tiền ngay.
Trên thực tế, chiến lược này đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đơn cử, tại đại hội cổ đông hồi tháng 4/2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, Tập đoàn có thể phải giảm bớt đầu tư vào bất động sản để tập trung cao độ cho dự án Dung Quất 2.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp