Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp địa ốc: Muôn sự chờ vắc-xin

COVID-19 mang đến tác động tiêu cực nhưng cũng là cú huých khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi, chỉ có điều để giải quyết gốc rễ vấn đề, cần vắc-xin phủ rộng trong cộng đồng.

Áp lực tăng trưởng

“Tình hình của Xuân Mai trong phía Nam đang rất căng thẳng, có 5 nhân sự F0, 21 nhân sự F1. Chúng tôi phải đóng cửa toàn bộ công trường”. Từ đầu dây bên kia, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) sốt ruột cho phóng viên biết về tình hình hiện tại của doanh nghiệp trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại chiều ngày 20/7/2021.

Ông Sơn cho hay, những ngày này, diễn biến dịch bệnh chung ở phía Nam và tình hình cụ thể dự án của Xuân Mai Corp đều đang cực kỳ căng thẳng. Chẳng hạn, do có các ca nhiễm Covid, toàn bộ công trường dự án Eco Green Saigon của Công ty Xuân Mai Sài Gòn (thành viên Xuân Mai Corp) buộc phải đóng cửa.

photo-cms-tinnhanhchungkhoan-zadn-vn_1-5321(1).jpg
Chưa biết bao giờ, cảnh tấp nập này mới quay trở lại với các dự án. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo ông Sơn, doanh nghiệp xây dựng có những khó khăn rất đặc thù, đó là số nhân công tập trung ở công trường, lán trại với mật độ lớn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Hơn nữa, đa số công nhân là người lao động nghèo, lại ở tỉnh xa, không thể “sáng đi, chiều về” như những lao động bản địa. Tất cả những điều này khiến doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa có thể đảm bảo sản xuất.

Bên cạnh đó, việc phải đóng cửa công trường cũng mang đến nhiều rủi ro về tiến độ, quản lý thiết bị, vật tư. Ví dụ, với dự án của Xuân Mai Sài Gòn, kế hoạch ban đầu là bàn giao nhà vào tháng 6/2021, khi dịch bùng phát trở lại, doanh nghiệp phải lùi thời gian bàn giao sang tháng 9/2021. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhiều khả năng kế hoạch này sẽ không thể thực hiện.

Công nhân ăn ở khép kín tại công trường, thuê đội ngũ riêng tiếp tế nhu yếu phẩm cũng là cách mà Công ty Hưng Ngân - chủ đầu tư dự án Kim Đô Polycity tại Yên Phong, Bắc Ninh - áp dụng để duy trì thi công khi Bắc Ninh vào cao điểm dịch bệnh. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giám đốc Hưng Ngân Group cho biết, dự án thi công liên tục nên hiện đã có thể mở bán, nhưng chính thức ra hàng lúc nào thì còn phải chờ diễn tiến dịch bệnh.

“Khó khăn là khó khăn chung của cả chuỗi hệ thống, các bạn hàng, đối tác cũng đều chung tình cảnh. Điểm tích cực là chúng tôi vẫn nhận được sự thông cảm của khách hàng, vì trên thực tế, không chỉ dự án của Xuân Mai Sài Gòn, mà các dự án của Xuân Mai Corp đều chưa bị chậm tiến độ cam kết, có chăng chỉ là chậm hơn so với mục tiêu hoàn thành vượt tiến độ đề ra trước đó mà thôi”, ông Sơn thông tin.

Chia sẻ thêm về tình hình doanh nghiệp, ông Sơn cho hay, do tác động của dịch bệnh, doanh thu của Xuân Mai Corp năm nay ước tính giảm khoảng 30% so với năm 2020. Song, nhờ sớm thực hiện chuyển đổi số, Công ty đã vận hành trơn tru các phần việc trên hệ thống phần mềm quản lý, từ phê duyệt các hạng mục tới công tác điều hành đều được thực hiện online…, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Sơn cũng hy vọng rằng, với việc vắc-xin được tiêm chủng rộng, tình hình thị trường nói chung và Xuân Mai Corp nói riêng sẽ dần sáng sủa trong những tháng cuối năm.

Lỗi hẹn khách quan

Cũng đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, trao đổi với phóng viên, chủ đầu tư một dự án bất động sản hạng sang ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, ngày 20/7/2021 là ngày doanh nghiệp này bàn giao nhà mới cho cư dân. Dự án đã đủ tiêu chuẩn bàn giao (đã nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, thẩm định an toàn), công việc chuẩn bị cho lễ bàn giao cũng đã hoàn tất, nhưng ngay sát ngày bàn giao thì Hà Nội ban hành thông báo về việc tạm dừng hoạt động ở các lĩnh vực không thiết yếu để phòng chống dịch lây lan, nên doanh nghiệp buộc phải lùi thời hạn bàn giao.

“Khách hàng háo hức nhận nhà mới là điều dễ hiểu, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tươm tất để lễ bàn giao diễn ra trang trọng, ấm cúng. Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng, việc bàn giao nhà đành phải lùi lại. Dù là chuyện ngoài ý muốn, nhưng đây cũng là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch mà Chính phủ đã chỉ đạo”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

Covid-19 tác động đến mỗi doanh nghiệp theo cách riêng. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Hateco cho biết, có dự án chung cư cao cấp của Hateco đang chuẩn bị hoàn thiện nội thất, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên nhiều thiết bị nhập khẩu từ châu Âu chưa thể về Việt Nam, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Ông Tuấn chia sẻ, qua mấy lần dịch bùng phát, việc duy trì hoạt động tại các công trường khiến chủ đầu tư rất đau đầu, bởi sau mỗi lần dừng hoạt động, phải mất từ 7-20 ngày chuẩn bị để có thể quay lại thi công, từ bố trí nhân công, tổ chức công trường, trang thiết bị, tới đảm bảo an toàn, phòng chống dịch… và việc liên tục phải tạm dừng thi công khiến Hateco nhiều lần điều chỉnh kế hoạch, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, chỉ khoảng 30% kế hoạch (6 tháng) được hoàn thành.

Chiến lược marketing thời Covid

Trò chuyện với phóng viên, bà D. - đại diện một doanh nghiệp bất động sản tầm trung ở Hà Nội cho hay, diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch lần này làm đảo lộn nhiều thứ, buộc bà và các cộng sự phải nhanh chóng chuyển hướng các giải pháp truyền thông, marketing cho dự án.

“Phải dừng hẳn một số hạng mục marketing tiền tỷ đang chạy, mất bao công anh em ê-kíp hì hụi đêm ngày từng mẫu content, thiết kế… nay phải hủy chỉ vì dịch. Tuy nhiên, có một thực tế là dù có chạy truyền thông như thế nào, nếu khách hàng không thể trực tiếp gặp người tư vấn cho mình, không có cảm xúc khi làm việc… thì cũng khó bán được hàng”, bà D. nói.

Theo vị này, với các dự án mà khách hàng đã nhận biết, đã được nhân viên kinh doanh chăm sóc thì giải pháp marketing online rất phù hợp, nhưng với dự án mới, với nhân viên kinh doanh chưa từng gặp, việc tiếp cận khách hàng phải có sự điều chỉnh. Chẳng hạn, việc giãn cách khiến mọi người hạn chế ra đường, các cơ quan, doanh nghiệp bật chế độ “làm việc tại nhà” thì rõ ràng các kênh quảng cáo truyền thống đặt biển, bảng quảng cáo ngoài trời, quảng cáo qua kênh phát thanh trên ô tô… là không hiệu quả, thay vào đó nên chuyển sang các kênh online như tiktok, instagram, facebook, banner online...

“Từ khi dịch diễn ra, chúng tôi đã phải đẩy mạnh truyền thông nội bộ để cán bộ, công nhân viên hiểu và biết rằng làm việc tại nhà thì phải ứng xử ra sao, hay việc dùng các phần mềm ứng dụng để thuận lợi cho việc 'online hóa'. Lúc này ai bền bỉ, ai gan lì, ai lạc quan người đó thắng, thắng cả về thể chất lẫn tinh thần. Có vắc-xin rồi sẽ làm mọi thứ tốt lên, khi đó chúng ta sẽ bắt tay ngay được vào công việc, dũng mãnh hơn nhiều lần. Song, trước mắt thì phải khỏe, thật khỏe và kiên cường nữa”, bà D. nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là bắt buộc

Trước cơn bão Covid, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà thực sự trở thành chiến lược ở nhiều doanh nghiệp địa ốc. Ông Phạm Đức Huy, Giám đốc Kinh doanh BID Group cho biết, để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đang đẩy mạnh số hóa công tác bán hàng bằng việc triển khai website 360 độ, trước mắt áp dụng cho các căn hộ từ 1-3 phòng ngủ tại một dự án ở Hà Đông, Hà Nội. Theo ông Huy, bước chuyển trong kinh doanh từ ofline sang online sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.

Đồng quan điểm, ông Đinh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thiết kế và Diễn họa kiến trúc Việt Nam (VNi) cho rằng, chuyển đổi số là chiến lược ưu tiên của nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay và với VNi, trước đòi hỏi phải đưa mọi thứ lên không gian mạng, bao gồm cả các sản phẩm bất động sản, VNi đã nâng cấp các dịch vụ website 360 độ hay công nghệ thực tế ảo (VR) cho căn hộ mẫu lên một tầm cao mới, tất cả được đóng gói trong bộ “Sales Gallery”, ảo hóa tất cả các hạng mục từ sa bàn, phối cảnh tổng thể dự án cho đến từng tòa chung cư, mỗi căn hộ.

Ông Tuấn cho biết, với công nghệ này, các nhân viên kinh doanh chỉ cần có thiết bị di động thông minh có kết nối mạng là có thể “dắt tay” khách hàng tham quan toàn bộ dự án, vào từng căn hộ mẫu đã được ảo hóa.

“Trong bối cảnh hiện tại, chuyển đổi số là con đường tất yếu, nhưng vắc-xin mới là cứu cánh, là điều mà mọi thành viên thị trường đều trông đợi. Có thể, khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi hơn, hoạt động kinh doanh sẽ không còn phải ‘giãn cách’, ‘đứt đoạn’, giúp các doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới”, ông Huy nhấn mạnh.

THÀNH NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement