05/06/2020 13:22
Doanh nghiệp dầu khí sẽ đảo ngược tình thế trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Sự hồi phục của giá dầu kể từ cuối tháng 4 đến nay có thể giúp các doanh nghiệp dầu khí gặp khó khăn đảo ngược tình thế trong quý II.
Từ ngày 21/4 đến 3/6/2020, giá dầu Brent hồi phục từ 19,5 USD/thùng lên 40 USD/thùng, tăng 105%; giá dầu WTI từ ngày 28/4 đến 3/6/2020 hồi phục từ 12,6 USD/thùng lên 37,5 USD/thùng, tăng 197,6%.
Sự tương quan giữa giá dầu Brent và WTI. |
Diễn biến tăng của giá dầu được nhận định đến từ cả hai phía cung và cầu. Đối với nguồn cầu, thị trường kỳ vọng các khu vực châu Âu, Mỹ dần mở cửa kinh tế trở lại sau đại dịch Covid-19, trong khi châu Á bắt đầu hồi phục mạnh hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao.
Đối với nguồn cung, số lượng giàn khoan của Mỹ liên tục giảm, nếu như ngày 13/3/2020 là 683 giàn thì tới 29/5/2020 chỉ còn 222 giàn hoạt động, giảm 67,5%.
Số giàn khoan hoạt động của Mỹ. |
Trong khi đó, OPEC và các đồng minh cam kết cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và 6/2020, OPEC dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp vào ngày 9 và 10/6 tới.
Nếu như thị trường không đón nhận một cú sốc nào quá lớn khiến cho nguồn cầu đột ngột giảm và Mỹ hay OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng thì giá dầu có thể dao động quanh vùng giá hiện tại cho đến hết quý II/2020.
Thực tế, giá dầu Brent đã tăng lên vùng 40 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn vùng dao động năm 2019 là 50 - 60 USD/thùng, nên đối với các doanh nghiệp thượng nguồn là khai thác, phụ trợ khai thác nhiều khả năng vẫn có những khó khăn trong quá trình vận hành so với cùng kỳ.
Ngược lại, các doanh nghiệp thương mại, kinh doanh chênh lệch giá mua vào và bán ra có thể hưởng lợi từ việc giá dầu hồi phục.
Trên thị trường chứng khoán hiện có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (TLP) hoạt động chủ yếu là thương mại, nhập khẩu xăng dầu và bán lẻ.
Trong quý I/2020, PLX phải trích lập 1.659 tỷ đồng giảm giá tồn kho so với con số đầu kỳ chỉ có 56 tỷ đồng và ghi nhận chi phí giá vốn do dự phòng giảm giá tồn kho 1.596 tỷ đồng.
Việc trích lập dự phòng lớn dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm 1.813 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.294 tỷ đồng.
Đối với OIL, tính đến cuối quý I/2020, Tổng công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 433,8 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ là 244 triệu đồng và kết quả kinh doanh ghi nhận lỗ 537,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 38,2 tỷ đồng).
Đối với TLP, doanh nghiệp không công bố cụ thể có trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hay không, nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2020 âm 65,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 45,2 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp trên có kết quả kinh doanh quý I/2020 thua lỗ do đặc thù kinh doanh xăng dầu có dự trữ tồn kho, giá dầu giảm sốc trong kỳ dẫn tới việc trích lập dự phòng lớn, mặc dù hoạt động kinh doanh xăng dầu được cam kết biên lợi nhuận tối thiểu.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể đảo ngược trong quý II/2020, nếu như giá dầu giữ ổn định vùng giá hiện tại cho đến hết quý.
Theo đó, doanh nghiệp gặp khó khăn vì tồn kho lớn trong bối cảnh giá dầu giảm quý I có thể hưởng lợi vì mặt bằng giá dầu hiện cao hơn nhiều so với thời điểm cuối quý I. Điều này đang được thị trường chứng khoán phản ánh vào giá cổ phiếu PLX, OIL…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp