03/08/2017 10:50
Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Đã đến lúc mở tiệc mừng?
Dù đang tận hưởng những khoản lợi nhuận lớn trong 6 tháng đầu năm nhờ giá cao su tăng, các DN cao su vẫn phải đối mặt với dự báo không mấy tích cực cho giá cao su trong dài hạn.
Sau khi giảm sâu trong năm 2016, giá cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm nay đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.851 USD/tấn, tăng đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với giá bán tăng, hàng loạt doanh nghiệp cao su tự nhiên trên sàn chứng khoán đã hồ hởi báo lãi 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Cao su Phước Hòa mới đây cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty bán được 10.771 tấn mủ thành phẩm với mức giá bán bình quân của Công ty gần 45 triệu/tấn, cao hơn 54,6% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu 6 tháng củaPHR đạt 658 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh giá cao su tăng, lợi nhuận tăng có phần đóng góp từ các hoạt động kinh doanh khác công ty như hoạt động khu công nghiệp và hoạt động thanh lý vườn cây. Theo đó, PHR đạt mức lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi cùng kỳ và đạt mức 140 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (HOSE:DPR), một DN sao su khác tại tỉnh Bình Dương cũng cho thấy, doanh thu 6 tháng đạt 401 tỷ đồng, chỉ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi gộp đạt đến 185 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lãi ròng sau thuế của công ty mẹ đạt mức 135 tỷ đồng, tăng 135% so với thực hiện trong năm 2016. Nguyên nhân chính là do giá bán cao su bình quân trong 6 tháng đầu năm của DPR tăng hơn 60% so với cùng kỳ, đạt mức 47,1 triệu đồng/tấn.
Còn theo báo cáo của Cao Su Tây Ninh (HOSE:TRC), giá bán trong nửa đầu năm 2017 đạt mức bình quân 48,13 triệu đồng/tấn, thu về 144 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Một DN cao su lớn cũng vừa lên sàn trong năm nay là Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (UpCom:BRR) cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của BRR đạt gần 30 tỷ đồng, tăng mạnh so với chưa đầy 7 tỷ cùng kỳ năm trước.
Với giá khả quan hơn, Hoàng Anh Gia Lai cũng đẩy mạnh khai thác cao su trong nửa đầu năm nay. Doanh thu cao su trong 6 tháng của tập đoàn này đạt 213 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 16 tỷ đồng của cùng kỳ. Sau nhiều năm khai thác khiêm tốn, năm nay HAGL đặt mục tiêu doanh thu từ mảng kinh doanh này tăng vọt lên 745 tỷ đồngđồng.
Đã đến lúc mở tiệc mừng?
Có thể nói, sự phục hồi của giá cao su chính là niềm vui bất tận đối với các DN khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên, liệu rằng sự phục hồi của giá cao su có bền vững?
Theo nhiều phân tích, thỏa thuận cắt giảm sản lượng kịp thời của Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia (chiếm tổng cộng trên 60% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu) đã góp phần rất lớn đẩy giá cao su phục hồi từ nửa cuối năm 2016 và kéo sang đầu năm 2017.
Dù vậy, thỏa thuận cắt giảm sản lượng là một động lực không thực sự bền vững và khó dự đoán. Sau khi tăng mạnh hồi đầu năm nay, giá cao su thế giới đã liên tục sụt giảm xuống mức thấp. Trong phiên giao dịch cuối tháng 7, giá cao su trên sàn ToCom chỉ còn mức giá 205 Yên/kg, giảm mạnh so với mức đỉnh gần 340 Yên/kg hồi đầu năm
Đại điện Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), ông Nguyễn Ngọc Bích mới đây cho biết, thị trường cao su đang bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài như biến động thị trường tiền tệ, giá dầu thế giới…chứ không đơn thuần là yếu tố cung – cầu nữa.
Còn theo báo cáo của World Bank phát hành trong quý II/2017, tổ chức này dự báo do tổn thất sản xuất và sự gia tăng nhu cầu đang diễn ra, giá sẽ tăng bình quân hơn 40% vào năm 2017. Trong dài hạn, World Bank dự báo giá cao su sẽ hầu như đi ngang và giảm nhẹ từ 2017 trở đi.
Theo con số của WB công bố, tổng sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới năm 2016 đạt 12.511 ngàn tấn, cao hơn sản lượng sản xuất 216 ngàn tấn.
Tuy nhiên trong thời gian tới, thị trường cao su thiên nhiên thế giới được dự báo vẫn có nguy cơ tiềm ẩn cung vượt cầu do diện tích trồng mới mở rộng quá nhiều trong giai đoạn 2005 – 2013. Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) đưa ra kịch bản kém khả quan hơn, khi dự báo tình trạng dư cung có thể kéo dài tới năm 2030.
Do đó, nếu những dự báo đúng có nghĩa rằng các DN cao su thiên nhiên cần có sự chuẩn bị kỹ cho kịch bản giá cao su sẽ xoay quanh mức giá khoảng trên dưới 200 Yên/kg hiện tại.
Khi đó, chỉ những DN có tình hình tài chính khỏe mạnh, giá vốn thấp, chi tiêu dè sẻn và có tích lũy tốt thì mới có thể tạo ra giá trị cho các cổ đông, duy trì các chính sách phúc lợi cho nhân viên. Bởi đặc thù của ngành này là sau một quá trình khai thác, cũng đến hồi DN phải đầu tư mới cho xây dựng cơ bản.
Một số DN trên sàn như Đồng Phú có mức tích lũy tốt. Với vốn điều lệ 430 tỷ đồng, Đồng Phú này đã có mức tích lũy lên đến gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gởi ngân hàng cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Cao su Phước Hòa mới đây cũng có thông tin về việc tiến hành chuyển giao 1 phần đất cho mục đích xây dựng khu công nghiệp và cho thuê đất nông nghiệp để tăng nguồn thu…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp