Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon
img
media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_2-1.jpg
3-1.png

"Trong tháng 8/2021, do tác động của việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó” tại nhiều tỉnh thành để phòng chống dịch, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) trải qua thử thách chưa từng có, khi 70% tổng số điểm bán của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong suốt tháng 8 và 50% tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh tại TP.HCM và một số tỉnh Nam Bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi. 

Đối với Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, hai chuỗi đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế 8 tháng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2020. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tháng 8 là tháng kinh doanh thấp điểm nhất khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong điều kiện bình thường.

Dù khó khăn, hai chuỗi vẫn nỗ lực mang về gần 3.500 tỷ đồng - tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch - nhờ chiến lược tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chuỗi Điện máy Xanh Supermini (ĐMS), triển khai chương trình khuyến mãi “mua hàng trước, nhận hàng khi hết giãn cách” trên kênh online, đồng thời đẩy mạnh bán hàng online. Doanh thu online lũy kế sau 8 tháng đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. 

Với 592 cửa hàng tại thời điểm 31/8/2021, tỷ trọng đóng góp của ĐMS trong doanh thu của Điện máy Xanh lần lượt là 10% lũy kế sau 8 tháng và hơn 15% chỉ tính riêng tháng 8. Cùng việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từ nửa sau tháng 9, các hoạt động kinh doanh điện thoại, điện máy dự kiến sẽ khởi sắc hơn. 

MWG đã chuẩn bị nhiều kế hoạch cho sự trở lại này để thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm như các chương trình khuyến mãi, các sản phẩm trợ giá, bán trả góp để khách hàng giảm bớt gánh nặng về chi phí sau dịch. MWG hy vọng trong thời gian tới các biện pháp chống dịch sẽ được triển khai đồng bộ hóa và hiệu quả để duy trì trạng thái bình thường mới cho toàn xã hội. Đặc biệt trong các tháng tới là mùa mua sắm cuối năm, nếu để xảy ra tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ đời sống của người dân mà còn tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Chúng tôi cũng hy vọng khi xảy ra dịch bệnh, Chính phủ cũng có những ưu tiên nhất định cho ngành bán lẻ, lĩnh vực quan trọng thúc đẩy dòng luân chuyển hàng hóa đến với người tiêu dùng, giúp đời sống sinh hoạt, học tập, công việc của người dân được ổn định".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_4-1(1).png

"Mặc dù cùng trải qua thời kỳ đặc  biệt khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid, nhưng với cam kết “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng sống của người Việt”, hệ thống siêu thị Big C, Go!, Top Markets - kênh phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng của Tập đoàn Central Retail Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà sản xuất, hợp tác xã, nhà cung cấp... trong việc hỗ trợ cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, cũng như chủ động tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng của Chính phủ Việt Nam - nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong suốt thời gian qua, kể cả lúc khó khăn cao điểm về vận chuyển, chúng tôi vẫn luôn duy trì được sự đầy đủ và đa dạng của hàng hóa với 90% tỷ lệ hàng Việt trên cơ cấu hàng hóa. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại một cách rộng rãi nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dịch bệnh đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, do đó chúng tôi đã nhanh chóng thay đổi, tăng cường cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh (omni channel), đồng thời tuân thủ an toàn phòng dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị mà vẫn đảm bảo doanh thu cho các cửa hàng. 

Nhằm kịp thời tiêu thụ hàng hóa, Central Retail đã duy trì kết nối trực tiếp với các địa phương, thậm chí cả tâm dịch như Hải Dương, Bắc Giang... để thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, qua đó góp phần gìn giữ giá trị đích thực và nâng tầm cho các thương hiệu Việt. Chuẩn bị sẵn sàng khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, chúng tôi đã tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn, góp phần bình ổn thị trường".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_5-1(1).png

"Trong đại dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông gặp không ít khó khăn. Nhưng nhìn chung, so với những ngành khác như du lịch, dệt may, xuất khẩu da giầy... thì ngành công nghệ khó khăn cũng ở chừng mực. Cụ thể, có 3 nhóm ngành bị ảnh hưởng lớn, như: Sản xuất phần cứng; Tích hợp hệ thống; Gia công xuất khẩu phần mềm.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Dịch vụ công trực tuyến sẽ tăng từ 30% của năm 2020 lên 100% vào năm nay, tức là năm 2021. Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số, kể cả các hoạt động thanh kiểm tra. Chính phủ sẽ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc hoàn thiện các thể chế số. Năm 2021 này, Chính phủ sẽ ban hành nhiều nghị định và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số.

Chúng tôi có 3 kiến nghị.

Thứ nhất, đa số các doanh nghiệp phần mềm làm việc trong các tòa nhà văn phòng nên việc xét nghiệm, đảm bảo việc hành trình đi làm từ nhà đến văn phòng, các biện pháp phòng chống dịch… đều chưa có hướng dẫn cụ thể, cần phải làm rõ hơn. 

Thứ hai, hướng dẫn các doanh nghiệp được phép hoạt động chịu trách nhiệm đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cần một đầu mối giải đáp thắc mắc, giúp cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Như hiện nay, chúng tôi vừa tham khảo thông tin từ Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải,… cần thiết cung cấp một đầu số hotline để giải đáp thắc mắc và xây dựng các bộ câu hỏi/đáp chuẩn để doanh nghiệp tự tìm hiểu thêm.

Thứ ba, nhân viên tại các doanh nghiệp trong khu công viên phần mềm Quang Trung đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bên ngoài tiêm phòng Covid chưa đủ 2 mũi. Chúng tôi kiến nghị, TP.HCM nên có giải pháp ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp này để người lao động được đi làm, triển khai nhanh chóng các dự án công nghệ thông tin".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_6-1(1).png

"Trong những tháng vừa qua, giãn cách xã hội tại nhiều địa phương đã khiến khâu thu mua, vận chuyển trái cây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Công ty Chánh Thu vẫn đạt tăng trưởng cao về xuất khẩu trái cây, đặc biệt là xuất khẩu sầu riêng. 

Các tỉnh luôn lo lắng về đầu ra của nông sản, nhưng nỗi lo lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, chúng tôi luôn đồng hành cùng các hợp tác xã trong tư vấn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu. 

Chúng tôi đã chủ động chuỗi liên kết bằng cách sử dụng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu để thu mua trái cây tại vườn của nông dân. Cụ thể là công ty mời thương lái từ các địa phương tham gia vào chuỗi liên kết. Cái lợi lớn nhất mà chùng tôi thu được trong đợt dịch này là việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chặt chẽ hơn, nông dân chủ động hợp tác hơn. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác.

Bên cạnh đó, do lượng trái cây tươi thu mua giảm, khó khăn trong vận chuyển giữa các địa phương, nên năm nay công ty hạn chế xuất khẩu sản phẩm tươi. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh hàng chế biến sâu như hàng sấy, đông lạnh. Khuynh hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước. Trong một năm trở lại đây, từ việc chỉ có thị trường Trung Quốc thì đến nay chúng tôi đã mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc… Tín hiệu mang lại rất khả quan khi người tiêu dùng các nước đã thay đổi sự ưa chuộng từ sầu riêng Musang King của Malaysia sang sầu riêng Ri6 của Việt Nam. Sản phẩm riêng Ri6 được nông dân Tây Nguyên trồng, Công ty Chánh Thu thu mua tiêu thụ hiện đang “cháy hàng” ở thị trường Mỹ, Úc vì khối lượng không đủ cung cấp. Từ đầu năm đến nay, Công ty Chánh Thu thu mua từ 100 đến 200 tấn sầu riêng/ngày để xuất khẩu. Để có thể cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia. Công ty có bộ tiêu chuẩn chất lượng riêng, đã xác định mục tiêu ban đầu là cạnh tranh với Malaysia và Thái Lan để xây dựng thương hiệu cho Việt Nam".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_7(1).png

"Sau 4 - 5 tháng phải dừng hoạt động vì giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt dòng tiền và đứng trước bờ vực phá sản. Trong tình trạng cấp bách này, Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, với các cơ chế trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp) vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động. Hơn nữa, nếu không có giải pháp cấp cứu kịp thời cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh “sự đã rồi”. Chuỗi cung ứng của nền kinh tế từ chỗ bị đứt gãy một vài điểm, có thể lây lan gây ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Doanh nghiệp đã chết, có bơm tiền vào cứu cũng sẽ không có tác dụng. 

Hiện nay, chính sách mở cửa nền kinh tế không có sự nhất quán giữa Trung ương và địa phương. Chính phủ đang chỉ đạo tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp quay trở lại làm ăn. Tuy nhiên, trong khi TP.HCM ra Chỉ thị 18 từng bước mở cửa nền kinh tế thì TP.Thủ Đức vẫn tăng cường kiểm soát chặt tình hình. Điều này ảnh hưởng tới việc phục hồi của doanh nghiệp khi nguyên vật tư sản xuất rất khó “lọt vào” thành phố. Do đó, nếu không có sự thống nhất, doanh nghiệp sẽ không dám bung tiền để đẩy mạnh các kế hoạch tái thiết.

Sau dịch, cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu và thực hiện các gói giải pháp an sinh xã hội đến tận tay người lao động để lấy lại niềm tin của người dân về chính sách cũng như về triển vọng tăng trưởng. Từ đó, lấy lại niềm tin tiêu dùng của người dân, gia tăng tiêu dùng và kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại. 

Về dài hạn, đây là thời cơ để Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh xóa bỏ giấy phép con, các rào cản bất hợp lý để từ đó giảm các thủ tục và chi phí phát sinh không cần thiết cho doanh nghiệp".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_8(1).png

"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngành nghề trong xã hội, và ngành xổ số cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, Vietlott đã sử dụng những điểm mạnh về công nghệ để vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Công nghệ giúp cho việc triển khai một hệ thống phân phối rất nhanh, và cũng chính nhờ công nghệ mà Vietlott đã đưa ra được sản phẩm đa dạng. Hiện nay, Vietlott đã cho ra mắt 5 sản phẩm xổ số tự chọn bao gồm: Mega 6/45, Power 6/55, Max 3D, Max 4D và Keno

Một doanh nghiệp xổ số muốn phát triển sản phẩm đa dạng thì công tác quản lý rất phức tạp. Nhưng khi đưa được công nghệ vào quản lý thì mọi việc được đơn giản hơn rất nhiều và hiệu quả tăng cao. Hơn nữa, Vietlott còn kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn qua phương thức phân phối bằng điện thoại (hình thức SMS). Điều này giúp cho người chơi có thể tham gia dự thưởng để giải trí tại bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào, và đặc biệt phát huy ưu thế trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung thì việc đưa công nghệ vào là một xu thế. Vietlott cũng đang đi theo tiến trình này.

Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi khi phát hành vé số là phải đưa hiện đại hóa, công nghệ vào hoạt động kinh doanh xổ số. Tất nhiên để thành công thì phải có được người chơi. Từ những ngày đầu người chơi còn lạ lẫm với sản phẩm, đến nay sau hơn 5 năm triển khai kinh doanh, Vietlott cũng đã được biết đến cũng như trở thành kênh vui chơi giải trí quen thuộc với thị trường".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_9(1).png

"Giãn cách xã hội kéo dài, những quy định gắt gao về di chuyển đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh và vận hành của tất cả các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, không riêng gì khối sản xuất, mà cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sáng tạo. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp bị rơi vào điểm tê liệt, vì không còn khả năng luân chuyển dòng tiền nhằm duy trì vận hành ở mức tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phá sản. Đây là thực trạng đã diễn ra ở tất cả các thành phố tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến sự thay đổi trong cơ chế, chính sách, quy định của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải có khả năng ứng biến tất cả các chi phí cố định thành chi phí linh hoạt, để thích ứng theo diễn biến mới từng ngày, từng tuần của đại dịch. 

Đối với Toong, để đồng hành cùng khách hàng, chúng tôi đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi quy mô một cách nhanh chóng. Chúng tôi giãn tiến độ thanh toán, tư vấn các giải pháp không gian làm việc để phù hợp hơn với điều kiện của từng doanh nghiệp; thậm chí hỗ trợ khách bố trí song song các bộ phận làm việc tại các địa điểm khác nhau để phân tán rủi ro lây nhiễm.

Ở góc độ doanh nghiệp, tôi đề xuất Chính phủ nên có quy chế về phản ứng trong những tình huống bệnh dịch khác nhau và phổ biến rộng rãi để người dân và doanh nghiệp chủ động ứng biến hơn. Quy chế này cần có sự thống nhất từ chính phủ và địa phương.  Mặt khác, việc triển khai các chính sách kinh tế cần có sự thống nhất từ cấp cao nhất, thay vì tuỳ biến theo từng chính quyền địa phương. Điều này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng. Bởi tính ảnh hưởng liên hoàn của các ngành nghề, cùng thực tế là chính quyền địa phương chưa có đủ dữ liệu và chức năng để kết nối toàn bộ hệ thống kinh tế. Cơ quan địa phương, đặc biệt là cấp quận, nên tập trung nhiều hơn cho những chính sách và giải pháp thực thi những vấn đề liên quan đến y tế, phúc lợi và an sinh xã hội.

Các chính sách miễn giảm thuế, lãi vay ngân hàng dành cho doanh nghiệp, cần được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, nên cân nhắc triển khai sớm các chính sách miễn giảm phí thuê mặt bằng do Nhà nước quản lý, để giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi. 

Việc hỗ trợ doanh nghiệp không nên là cơ chế “xin – cho”. Cần nhìn việc này là một mối quan hệ ràng buộc như một chuỗi cung ứng giữa người dân, doanh nghiệp và lợi ích chung của thành phố, quốc gia, thì tinh thần triển khai mới quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_10(1).png

"Covid-19 đã làm cho cả thế giới chao đảo, ảnh hưởng tới hầu hết ngành nghề, lĩnh vực. Riêng với ngành công nghệ thông tin lại có được lợi thế cơ hội phát triển thị trường, triển khai các giải pháp bởi khi càng khó khăn thì các doanh nghiệp càng phải cần đến phần mềm, công nghệ để hạn chế giấy tờ, đi lại, tiếp xúc trực tiếp… Có những công nghệ, phần mềm trước đây phải mất 3-4 năm để xây dựng, triển khai ứng dụng thì trong bối cảnh Covid-19 chỉ trong 1-2 tháng.

Nếu như trước đây, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ phải đi thuyết phục các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số thì ngược lại trong đại dịch Covid, các doanh nghiệp lại tìm đến chúng tôi. Trong những tháng vừa qua, số lượng hợp đồng ký mới của smartlog tăng trưởng đến 300% so với kế hoạch, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất, tiếp đó là lĩnh vực logistics. 

Việc ứng dụng công nghệ, phần mềm đã phát huy giá trị, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội như vừa qua giúp doanh nghiệp có tầm nhìn bao trùm tổng thể, trực tuyến theo thời gian thực. Nếu người quản lý doanh nghiệp không có các thông tin này thì khó có thể ra được các quyết định kịp thời trong sản xuất kinh doanh ở mọi nơi. Đồng thời các doanh nghiệp có thể giảm 90% thời gian lập kế hoạch từ hàng giờ xuống còn vài phút, tiết kiệm khoảng 30% chi phí lưu kho, vận tải khi tối ưu hơn quãng đường…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch, tôi cho rằng cần tiếp tục có những chương trình hỗ trợ từ Nhà nước, các bộ ngành. Vừa qua, Smartlog đã nhận được sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với các doanh nghiệp nhà cung cấp nước ngoài. Tôi cho rằng các chương trình hiệu quả như thế cần phải tiếp tục phát huy, nhân rộng giúp các doanh nghiệp kết nối sâu hơn, tạo sự lan tỏa nhanh tới các doanh nghiệp triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ mới.

Với các doanh nghiệp, theo tôi cần phải thay đổi nhận thức về vai trò của ứng dụng công nghệ, không chỉ là giải pháp tình thế, mang tính “tạm bợ”, khi có dịch bệnh xảy ra mới lo lắng vội vàng triển khai. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này mà còn có giá trị ngay cả trước, trong và sau Covid-19, phát triển trong trạng thái bình thường mới".

media.vneconomy.vn-images-upload-2021-10-12-_11(1).png

"Tháng 6 là thời điểm căng thẳng của công ty khi phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Những tháng tiếp theo, từ căng thẳng biến thành nỗi lo sợ. Khảo sát của công ty cho thấy sức khỏe, tinh thần của nhân viên xuống rất thấp, có đến trên 95% muốn về thăm nhà (vì nhân viên đều ở các tỉnh), trên 10% bị mất ngủ, trong đó có 5% rối loạn tinh thần. 

Chính vì vậy, lãnh đạo công ty luôn phải sốc lại tinh thần cho người lao động. Điều Vinamit quan tâm nhất đó là sức khỏe của nhân viên, gắn liền với sức khỏe của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tâm trí nhân viên, nếu tâm không an thì trí không sáng tạo được. Cuối cùng là vấn đề thúc đẩy năng lực nhân viên.

Vấn đề hiện nay các doanh nghiệp đang thiếu một phương thức, liều thuốc chữa lành cho công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý căn bệnh hậu Covid. Thậm chí là ngay bản thân chủ doanh nghiệp sau hậu Covid-19, cảm giác tiêu cực đang xâm lấn tâm trí người quản lý, nó âm thầm bên trong, nếu không tìm cách thoát ra khi tâm không an thì vạn sự cũng bất an.

Chúng ta phải xác định sống chung với dịch bệnh một cách bình thường. Xã hội nên truyền thông sâu rộng cho người dân hiểu điều này, lúc đó chúng ta mới cảm thấy bình thường, vì hiện nay mọi người đã được tiêm vaccine, các đơn vị sản xuất được ưu tiên tiêm. Chúng ta cần giải toả được tâm lý và không lo sợ virut. Toàn bộ doanh nghiệp nâng cao nhận thức để lạc quan, phải làm để nắm lấy cơ hội cho năm nay và năm kế tiếp dù khủng hoảng biết rằng sẽ kéo dài. 

Tuy nhiên, việc đi lại vẫn đòi hỏi phải có xét nghiệm Covid - vẫn là cản trở lớn về tâm lý cho chủ doanh nghiệp cũng như người lao động. Trong khi nguồn nhân lực luôn luôn được di chuyển. Chính sách này cũng đòi hỏi được thay đổi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sau vài tháng qua".

Doanh nghiệp cần gì sau khi vượt qua dịch? - Ảnh 12
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ