Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp bất động sản ngoại tỉnh đua nhau về TP.HCM làm dự án

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản TP.HCM đã chứng kiến làn sóng doanh nghiệp ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đổ về Sài Gòn mua đất làm dự án. Điều này đã giúp tăng nguồn cung, tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Chuyển hướng đầu tư

Thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến sự đảo chiều trong chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đua nhau Bắc tiến để bán hàng.

Điển hình là Sacomreal-S của Công ty Cổ phần Đại ốc Sài Gòn Thương Tín đã khai trương văn phòng đại diện Hà Nội tại Trung tâm thương mại Royal City ở số 72 Nguyễn Trãi quận Thanh Xuân, bắt đầu cho chiến lược xâm nhập thị trường Hà Nội. Trước Sacomreal-S đã có Hưng Thịnh, Novaland, Đất Xanh… mở văn phòng đại diện tại Hà Nội tiếp cận trực tiếp với khách hàng.

Nhiều chủ đầu tư ở TP.HCM cũng tổ chức mở bán rầm rộ các dự án tại Hà Nội như Khang Điền, Novaland, Phú Mỹ Hưng, VinaCapital, CapitaLand... Không chỉ có căn hộ cao cấp mà cả biệt thự, nhà phố và cả bất động sản nghỉ dưỡng ở TP.HCM đều được chào bán tại phía Bắc.

Thế nhưng trong năm 2017, thị trường lại chứng kiến cuộc đổ bộ ngược lại của các doanh nghiệp phía Bắc. Rất nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã vào TP.HCM triển khai dự án.

Starlight Riverside tọa lạc trên khu đất rộng hơn 8.910m2 với hai block căn hộ 15 tầng và một tầng hầm.

Mở đầu cho xu hướng Nam tiến trong năm 2017 là Công ty Cổ phần Lắp máy Điện nước và Xây dựng (Cowaelmic) với dự án Starlight Riverside ở quận 6. Cowaelmic là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lắp máy và xây dựng, có trụ sở ở Hà Nội.

Dự án có 560 căn hộ hai phòng ngủ với đầy đủ nội thất cao cấp nhất, diện tích đa dạng từ 57-72m2. Với mật độ xây dựng chỉ 38%, Starlight Riverside dành một quỹ đất lớn để phát triển các tiện ích xanh như thảm cỏ, đài phun nước, công viên cây xanh…

Tương tự, Tập đoàn T&T Hà Nội cũng làm nhộn nhịp khu Nam Sài Gòn bằng dự án rộng 21ha. Dự án này vừa được mở bán với giá khoảng 700 triệu đồng/nền 100m2. Mật độ xây dựng của dự án chỉ 35% với các tiện ích như trung tâm thương mại, sân thể dục thể thao, công viên cây xanh…

Tập đoàn Đức Long Gia Lai chào sân thị trường bất động sản TP.HCM bằng ba dự án đình đám là Đức Long Golden Land ở quận 7, Đức Long New Land tại quận 8 và Đức Long Western Park ở quận Bình Tân. Hiện tại, cả ba dự án này đang hoàn tất thủ tục để xin giấy phép xây dựng.

Trong đó, dự án Đức Long Western Park được xây dựng trên khu đất rộng 3.937m2 với 378 căn hộ. Dự án Đức Long Golden Land nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh-Huỳnh Tấn Phát quận 7 với hai tầng hầm, 27 tầng nổi và 885 căn hộ. Còn dự án Đức Long New Land nằm trên đường Tạ Quang Bửu quận 8 với 750 căn hộ và giá bán từ 21 triệu đồng/m2.

Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC cũng vừa công bố, sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu trong năm 2017 để thu về khoảng 400 tỉ đồng. VRC có trụ sở ở Vũng Tàu. Số tiền thu được từ phát hành này là để thâu tóm Công ty Cổ phần ADEC nhằm mục đích mở rộng địa bàn hoạt động lên TP.HCM.

Bởi hiện tại, ADEC có ba dự án đang triển khai là Khu dân cư Phú Mỹ ở quận 7, Khu dân cư Nhơn Đức ở huyện Nhà Bè và Khu dân cư Long An A ở tỉnh Long An. Trước đó, VRC đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 96, tờ bản đồ số 46, diện tích 2.429m2 tại số 54 Võ Thị Sáu, TP. Vũng Tàu cho một đối tác. Địa chỉ này cũng là trụ sở của VRC.

Công ty Cổ phần LDG từ trước đến nay gắn với thị trường đất nền Đồng Nai thì nay chuyển hướng đầu tư về TP.HCM với hàng loạt dự án. Mới đây nhất, LDG đã mua lại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Gia Lộc để sở hữu dự án Khu dân cư lô số 3, khu 9A B thuộc khu chức năng số 9 của Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Thương vụ này tiêu tốn của LDG 311 tỉ đồng. Đổi lại, LDG được sở hữu khu đất tổng diện tích đất 131.855m2 và quy mô 2.200 sản phẩm.

Một dự án khác của LDG tại khu Nam Sài Gòn là chung cư Saigon Intela với 1.068 căn hộ. Dự án này có hai block cao 24 tầng và hai tầng hầm đậu xe được xây dựng trên khu đất rộng gần 10.000m2. Điểm đặc biệt của Saigon Intela là tất cả các căn hộ đều có view sông và có hồ sinh thái tự nhiên. Mức giá bán của Saigon Intela là khoảng 1 tỉ đồng/căn. Dự kiến, Saigon Intela sẽ bàn giao nhà vào năm 2019.

Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh trước đâythường phát triển các dự án đất nền ở Bình Dương, Đồng Nai nhưng hiện tại đã mở bán dự án Khu độ thị Singa City ở quận 9, TP.HCM. Dự án này rộng 9,1ha với hai block chung cư và 431 nền nhà phố có diện tích từ 77-231m2.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai chào sân thị trường bất động sản TP.HCM bằng 3 dự án đình đám.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp có trụ sở phía Bắc như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn Bitexco… cũng đã đầu tư và khẳng định được thương hiệu ở TP.HCM với nhiều dự án đình đám.

Người mua nhà được lợi

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư LDG cho biết, công ty phát triển thêm một chiến lược nữa là làm các dự án căn hộ chung cư và khu dân cư tại TP.HCM, thay vì chỉ tập trung phát triển thị trường Đồng Nai như trước đây.

“Với các doanh nghiệp khác thì tôi không biết, còn riêng LDG thì đội ngũ quản lý phần lớn là những người rất có kinh nghiệm và am hiểu thị trường bất động sản TP.HCM. Do đó, việc phát triển thêm sản phẩm ở đây không gặp thêm khó khăn gì”, ông Hưng nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư LDG cho biết, công ty lựa chọn phân khúc nhà ở có giá tiền trung bình và trung bình khá để tạo tính thanh khoản cao cho sản phẩm. Bởi hiện tại, nhà ở vừa túi tiền đang rất thiếu nguồn cung. Vì vậy, sản phẩm của LDG tung ra thị trường đều được tiêu thụ hết.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, các doanh nghiệp ở các tỉnh khác thích đầu tư vào TP.HCM là do bốn nguyên nhân. Thứ nhất là sự đang dạng của thị trường bất động sản miền Nam. Thứ hai là tính cách hào sảng của người Sài Gòn. Thứ ba là khí hậuở đây ôn hòa hơn. Thứ tư là cùng với sự phát triển của đất nước, TP.HCM trở thành nơi năng động và trung tâm kinh tế tài chính nên cơ hội rất rộng mở. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc, miền Trung đầu tư vào TP.HCM.

“Những dự án của các chủ đầu tư miền Bắc, miền Trung được rất nhiều người gốc ngoài đó ủng hộ. TP.HCM là thành phố của dân nhập cư nên những gì quê hương mình mang tới thì mọi người rất thích”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, việc các doanh nghiệp ngoại tỉnh đua nhau về TP.HCM làm dự án đã tạo nên sự khác biệt cho thị trường. Chẳng hạn, nhu cầu mua bất động sản của người Bắc là để đầu tư còn người miền Nam là để ở.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, chính sách trong Luật Kinh doanh Bất động sản là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh địa ốc. Do đó, việc nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản ở các tỉnh về TP.HCM đầu tư là điều tốt, tốt hơn cả những doanh nghiệp thành lập mới.

“Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường bất động sản trong năm 2017 đều có xu hướng chọn phân khúc nhà ở vừa túi tiền nên giúp tăng nguồn cung, khách hàng có thêm sự lựa chọn. Tại TP.HCM, có rất nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc, miền Trung vào đầu tư nhưng lại vắng bóng doanh nghiệp ở khu vực miền Tây Nam bộ”, ông Châu nói.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement