19/10/2021 07:45
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng quý nước rút
Quý IV này là thời điểm các doanh nghiệp “chạy nước rút” đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, triển khai dự án… để bù đắp lại khoảng thời gian dài giãn cách phòng chống dịch.
“Tiêu dùng trả thù” kích tăng cầu nhà ở
Chia sẻ về tâm lý tiêu dùng khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vừa lắng xuống, chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy, đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) kể, có doanh nghiệp cho xem phiếu mua của một khách hàng cá nhân, chỉ trong một ngày, vị khách hàng này đã đặt mua liền một lúc 50 chiếc áo sơ mi. Có lẽ, đây là động thái “tiêu dùng trả thù” mà không ít người tiêu dùng thực hiện sau khoảng thời gian dài gò bó vì giãn cách.
Bà Thùy cũng đặt câu hỏi: Liệu với lĩnh vực bất động sản, câu chuyện “tiêu dùng trả thù” có xảy ra sau gần 4 tháng bị nén lại vì dịch?
Câu hỏi trên dường như mang tính gợi mở nhiều hơn về sức bật thị trường địa ốc sau giai đoạn giãn cách và đây cũng là vấn đề mà các thành viên thị trường đang thực sự quan tâm: Thị trường quý IV/2021 sẽ diễn biến ra sao?
Đánh giá về tâm lý đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, ở lĩnh vực địa ốc cũng có câu chuyện “tiêu dùng trả thù” bởi tâm lý này đã manh nha hình thành từ trước đó.
“Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ngay trong dịch vẫn có hàng chục nghìn giao dịch được thực hiện, thậm chí không ít nhà đầu tư giao dịch với số tiền lớn mà không cần quan tâm diễn biến dịch ra sao. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư tới lĩnh vực bất động sản và tâm lý ‘tiêu dùng trả thù’ cũng bắt đầu từ đây”, ông Khởi nói.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) cũng cho thấy, dù giãn cách xã hội kéo dài trong suốt quý III/2021, nhưng tại nhiều địa phương, thanh khoản thị trường vẫn tốt và “thực tế là bức tranh thị trường không xấu như lo ngại trước đó”, báo cáo nhấn mạnh.
Nghiên cứu tại 12 thị trường lớn trên cả nước của VNRea chỉ ra rằng, thói quen giao dịch online đã hình thành và góp phần duy trì sự ấm nóng của thị trường, lực cầu đầu tư vẫn mạnh với tâm lý đi trước đón đầu tương lai. Điều này đã diễn ra kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay và sau mỗi lần dịch bùng phát, thị trường bất động sản đều hồi phục mạnh mẽ, thậm chí sốt cục bộ ở một số khu vực do lực cầu rất lớn của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư F0.
Nhiều dự án được thi công trở lại ngay khi hết giãn cách. Ảnh: Dũng Minh |
Nguồn cầu vẫn lớn
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia bất động sản Nguyễn Việt Thung cho rằng, với dân số đông, trẻ và tốc độ phát triển kinh tế ổn định, tỷ lệ tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh thì nhu cầu nhà ở tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn và trong khoảng 5 năm tới, nguồn cầu nhà ở vẫn lớn hơn nguồn cung do không có nhiều dự án mới được duyệt, đây là yếu tố chính thúc đẩy giá nhà tăng trong thời gian qua, bên cạnh một số yếu tố khác như lãi suất tiền gửi thấp, người dân rút tiền gửi tiết kiệm để đầu tư bất động sản...
Theo chuyên gia này, ở khu vực phía Bắc, tâm lý người dân thích tích lũy, đầu tư vào nhà cửa, đất đai, nên trong tương lai gần, có thể nhiều người sẽ tích lũy thêm nhiều hơn một ngôi nhà.
“Dù chưa có số liệu đo đếm cụ thể, nhưng tôi cho rằng, tiền trong dân vẫn nhiều. Ngoài việc Ngân hàng Nhà nước bơm khối lượng lớn tiền ra thị trường và có thể chảy một phần vào bất động sản, thì còn có yếu tố tích lũy từ người dân. Vì thế, thị trường nhiều khả năng sẽ bật tăng trở lại trong quý IV này”, ông Thung nêu quan điểm.
Bổ sung thêm cho nhận định này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực phía Nam Batdongsan.com.vn cho biết, tại TP.HCM, các gói thầu hạ tầng đang được triển khai nhanh hơn và nhiều dự án hạ tầng như Hóc Môn - Củ Chi, Bình Chánh - Bình Tân… có thể hoàn thành ngay trong quý cuối năm nay. Việc đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công sẽ giúp thị trường quý IV khôi phục nhanh và mạnh. Theo ông Tuấn, đến tháng 12/2021, thị trường TP.HCM sẽ hồi phục bằng khoảng 80% giai đoạn tháng 3/2021 - thời điểm thị trường xảy ra cơn sốt đất cục bộ.
Đã qua giai đoạn khó khăn
Bày tỏ tâm lý lạc quan, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho hay, có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất đối với Tập đoàn đã qua. Bởi ngay trong giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng và phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động thi công vẫn được duy trì ở những dự án trọng điểm với lực lượng lao động “3 tại chỗ”, song song với việc hoàn thiện thủ tục đầu tư…
Với nhiều tín hiệu tích cực thời gian gần đây, ông Quyết đánh giá, thị trường bất động sản quý IV/2021 sẽ khởi sắc, tạo tiền đề bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
“Thời gian tới, khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch hay đầu tư bất động sản sẽ bật tăng trở lại. Bối cảnh chung đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực và tôi tin rằng, thị trường sẽ sáng hơn trong những tháng cuối năm”, ông Quyết nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện TTC Land cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, TTC Land sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung hoàn thiện các dự án, đẩy mạnh công tác bán hàng trong quý cuối năm.
“Về triển khai dự án, TTC Land sẽ tập trung kiểm soát tiến độ, chi phí đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các dự án bằng phần mềm quản lý dự án nhằm đảm bảo việc bàn giao đúng tiến độ và chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Còn về công tác kinh doanh bán hàng, quý IV/2021 và thời gian tiếp theo, TTC Land sẽ tăng cường bán các sản phẩm tích sản để tăng nguồn thu”, vị đại diện này nói và thông tin thêm, đặc biệt, TTC Land sẽ đẩy mạnh triển khai giải pháp quản lý khách hàng CRM nhằm tăng hiệu quả hoạt động marketing và tập trung vào các nhóm khách hàng, thị trường tiềm năng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp