03/04/2021 08:07
Doanh nghiệp bất động sản 'hội quân' ở đất 'chín rồng'
Đồng bằng sông Cửu Long đang là “điểm đến” của dòng vốn đầu tư, khi quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đã kín đặc dự án.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về quỹ đất, giá cả và hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Ảnh: Việt Dũng
Chẳng hạn, tại Long An, tỉnh duy nhất thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nối liền với cửa ngõ TP.HCM, đã được nhiều doanh nghiệp chọn lựa để “khởi nghiệp”, như Cát Tường Group, Trần Anh Group, Thắng Lợi Group… và đến nay vẫn không ngừng mở rộng quy mô.
Sau khi giới thiệu giai đoạn 1 dự án The Sol City Nam Sài Gòn vào cuối năm 2020, ngay từ những tháng đầu năm 2021, Thắng Lợi Group đã bắt tay triển khai giai đoạn 2, dự kiến đến cuối tháng 4/2021 sẽ được giới thiệu ra thị trường. Dự án có 975 sản phẩm, bao gồm các lô đất nền, nhà phố và shophouse, mỗi sản phẩm có diện tích đất từ 80-200 m2.
Công ty Bất động sản Phúc Land cũng sẽ ra hàng dự án Khu đô thị Long Cang Riverpark với diện tích hơn 10 ha tại huyện Cần Đức. Trần Anh Group thì cho biết, sẽ tiếp tục phát triển dự án Phúc An City giai đoạn 4 và một dự án nhà ở kết hợp khu công nghiệp rộng 300 ha tại huyện Đức Hòa…
Hay với hàng loạt dự án quy mô lớn mang thương hiệu Cát Tường tại Long An như Cát Tường Phú Sinh, Cát Tường Phú Nguyên, Cát Tường Phú Thạnh…, Cát Tường Group đang tiến quân về tỉnh Hậu Giang để phát triển dự án mang tên Western Pearl.
Theo ghi nhận của phóng viên, Cát Tường Group đã bàn giao nhà và công chứng sổ cho khách hàng mua nhà tại dự án Western Pearl 1. Hiện tại, doanh nghiệp này đang phát triển dự án Western Pearl 2 (cách dự án trước khoảng 2km) với dòng sản phẩm chính là đất nền.
Đi cùng với hoạt động đầu tư, săn đất của các doanh nghiệp là làn sóng đón đầu thị trường của giới đầu tư, khi không chỉ nhà đầu tư bản địa mà cả nhà đầu tư từ TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội… cũng đổ về đây khiến giá nhà đất tăng rõ rệt.
Ông Phạm Văn Luận, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Cần Thơ, cho biết những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý đầy đủ... đều được thị trường đón nhận. Các dự án vị trí trung tâm thành phố mức giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2, khu vực cửa ngõ từ 20-30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 7-10% so với năm 2019.
Sở dĩ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hút dòng vốn đầu tư là nhờ cơ sở hạ tầng giao thông nơi đây đang ngày càng phát triển. Ngay những tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) có chiều dài 22,97 km với tổng số tiền đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án hạ tâng tại 13 tỉnh miền Tây vào khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương là 162.000 tỷ đồng, từ Trung ương là 82.000 tỷ đồng và nguồn vốn nước ngoài là 22.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua các bộ Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án vào khoảng 121.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn ngân sách dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 vào khu vực này đạt khoảng 388.000 tỷ đồng.
Thuận lợi là vậy, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện, trong đó việc thu hút di dân. Cụ thể, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho biết, đó là tính liên kết vùng còn yếu khiến khả năng thu hút vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực bị hạn chế, từ đó khó hình thành khu dân cư lớn.
“Việc giá nhà đất rẻ đi kèm cả ưu đãi khi mua chưa đủ để khiến thị trường bất động sản Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc. Nếu muốn vươn lên một tầm cao mới thì còn phải cải thiện thu nhập bình quân đầu người, phát triển thêm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và chú trọng vào kinh tế đô thị”, ông Khương chia sẻ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp