31/12/2017 17:19
Doanh nghiệp bất động sản có thể tạm nộp tiền sử dụng đất để được cấp giấy phép xây dựng
Cần bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất cụ thể.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, công tác thu hồi đất cũng như các quy định tài chính liên quan đến đất đai.
Về thu hồi đất, HoREA muốn bổ sung các quy định cụ thể về thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được các cơ chế này, cần phải tăng cường sức mạnh cho Tổ chức phát triển quỹ đất, tại TP.HCM là Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường.
HoREA nói rằng, có thể giao chức năng của Quỹ phát triển đất cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Từ đó, tạo được quỹ đất sạch của nhà nước để đưa ra đấu giá phục vụ đầu tư phát triển và tăng nguồn thu ngân sách.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM phải thi công cầm chừng để chờ đóng tiền sử dụng đất và xin giấy phép. |
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng được thực hiện minh bạch, công bằng góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người. Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận quỹ đất đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số minh bạch, chỉ số cạnh tranh lành mạnh của môi trường đầu tư cả nước.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng muốn sửa đổi một số bất cập về tài chính đất đai và giá đất trong Luật Đất đai 2013. Cụ thể, có những quy định gần như không thực hiện được trên thực tế như nguyên tắc giá đất hay phương pháp định giá đất.
Ngay cả quy định của Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và điều chỉnh khung giá này cho phù hợp nếu giá thị trường biến động quá 20% so với giá tối đa hoặc giá tối thiểu cũng không còn phù hợp với định hướng phân cấp và giao thẩm quyền cho các tỉnh thành. Hơn nữa, theo quy định hiện nay thì nguồn thu từ đất đai thuộc về ngân sách địa phương.
Do đó, HoREA cho rằng về lâu dài cần nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm tiền sử dụng đất mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, có thể khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.
“Như vậy sẽ vừa minh bạch, dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin cho. Đồng thời, góp phần hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn và ngân sách cũng được nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, lâu dài”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Ông Châu cho biết thêm, cần phải bãi bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần” tại điều 113 Luật Đất đai. Thay vào đó là sửa đổi điều 114 Luật Đất đai để giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và giá đất phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
“Cùng với nhiều quy định sắp ban hành để cải tổ trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án bất động sản, TP.HCM còn dự kiến sẽ xem xét cơ chế cho phép chủ đầu tư được tạm nộp tiền sử dụng đất, được tạm nộp tiền sử dụng đất bổ sung để dự án được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Từ đó mới có thể bán sản phẩm ra thị trường”, ông Châu nói.
HoREA cũng cho rằng, nếu cơ chế này được thực hiện thì sẽ tháo gỡ khó khăn, ách tắc của nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM hiện nay. Do đó, cần cho phép người sử dụng đất, doanh nghiệp được tham gia nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM khi thẩm định giá đất dự án của mình.
Người sử dụng đất cũng cần được tham gia và nêu ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính TP.HCM khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp. Hiện nay vẫn còn bất cập là chủ đầu tư chưa được khấu trừ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án rồi bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp