11/09/2021 07:40
Doanh nghiệp bất động sản - bán lẻ 'nếm mật nằm gai'
Dịch bệnh diễn biến kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản bán lẻ, song các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn cố "nếm mật nằm gai" kỳ vọng vào thị trường bật dậy bởi tâm lý "mua sắm bù" sau dịch.
Chỉ là khó khăn ngắn hạn
Làn sóng Covid thứ 4 tái bùng phát khiến hàng loạt trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ tiếp tục phải đóng cửa hoặc giảm giá sâu để duy trì khách thuê. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT VNO Group - doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM cho biết, ở nhiều trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã giảm 10-20% giá thuê cho đơn vị phân phối và các đơn vị này cũng đã giảm giá cho khách thuê mặt bằng, nhưng tỷ lệ trống vẫn tương đối cao.
“Chủ đầu tư chỉ có thể giảm giá thuê một vài tháng, nhưng đơn vị trung gian có thể phải giảm cho khách thuê cả năm. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, người cho thuê mặt bằng phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, miễn sao tỷ lệ mặt bằng trống giảm xuống mức thấp nhất có thể”, ông Hải nói.
Dù đang đối diện với nhiều khó khăn, nhưng theo giới chuyên gia, khó khăn này chỉ là ngắn hạn đối với thị trường còn nhiều tiềm năng khai thác như thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam, bởi 2 lý do: Thứ nhất, không lớn như các thị trường phát triển, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam còn khá hạn chế nên còn nhiều dư địa phát triển.
Một báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, nguồn cung mới của phân khúc này trở nên khan hiếm, nhiều chủ đầu tư có tâm lý e ngại dịch bệnh nên hoãn ra mắt các trung tâm thương mại mới, cho dù đã hoàn thiện sản phẩm.
Đơn cử, tại Hà Nội, do không có sản phẩm mới nên tổng nguồn cung mặt bằng cho thuê chỉ đạt khoảng 1,6 triệu m2 trong quý II/2021, trong đó diện tích mặt bằng trung tâm thương mại vào khoảng 914.000 m2, nhiều nhãn hàng quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Thứ hai, trung tâm thương mại đang dần chiếm một vị trí không thể thay thế đối với người dân Việt Nam, bởi đây không còn đơn thuần là nơi mua sắm, mà đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các gia đình sống trong những khu chung cư hạn chế về diện tích, không gian vui chơi, giải trí.
“Bởi thế, xu hướng phát triển các trung tâm thương mại trong tương lai cũng được cân nhắc tích hợp trong các dự án phức hợp nhà ở hoặc kết nối trực tiếp vào tuyến tàu điện ngầm của đô thị”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho hay.
Chờ bật dậy sau dịch
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng, tâm lý thị trường cho thuê mặt bằng cũng như chỉ số tự tin của người tiêu dùng sẽ hồi phục nhanh chóng khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thực tế, trong quãng thời gian thị trường gặp khó khăn vì dịch bệnh thì cũng là lúc các đại gia bán lẻ rót mạnh vốn để chiếm lĩnh mặt bằng chất lượng cao, tập trung tại các trung tâm thương mại lớn ở khu vực trung tâm thành phố. Chẳng hạn, vào tháng 4/2021, Uniqlo - thương hiệu thời trang bình dân đình đám đến từ Nhật Bản, đã chính thức đưa vào vận hành cửa hàng tại Vincom Plaza Phan Văn Trị, đánh dấu lần đầu tiên các sản phẩm LifeWear đến với một trong những khu vực dân cư sôi động nhất tại TP.HCM.
Trước đó, Uniqlo cũng đã “chào sân” Hà Nội tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch trong tháng 3/2020, giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất kể từ khi làn sóng Covid thứ ba xuất hiện vào cuối tháng 1/2021.
Những thương hiệu cao cấp quốc tế cũng nhìn thấy cơ hội tại Việt Nam, bằng chứng là thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, hai nhãn hàng xa xỉ là Louis Vuitton và Christian Dior đã chính thức tham gia thị trường bán lẻ Hà Nội. Điều đáng nói, khi rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác phải thu hẹp hệ thống kinh doanh do ảnh hưởng dịch thì những thương hiệu quốc tế này lại đi theo hướng ngược lại: Liên tiếp mở các cửa hàng mới tại Hà Nội và TP.HCM.
Bà Thanh đánh giá, mẫu số chung của những đợt đổ bộ này đến từ mảng mua sắm mang tính trải nghiệm như thời trang, sức khỏe, sắc đẹp. Điều này không khó lý giải bởi mua hàng online trong suốt thời gian dịch bệnh vốn không thể thỏa mãn nhu cầu “trải nghiệm thực tế” tại cửa hàng của người tiêu dùng Việt.
Không chỉ những nhãn hàng quốc tế, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trong nước cũng có cách chuẩn bị riêng để đón đầu cơ hội phục hồi sau dịch. Chẳng hạn, Tập đoàn Masan đã mua 20% cổ phần chuỗi cà phê Phúc Long để phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart trên toàn quốc, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Hay Nova F&B, một nhánh của Tập đoàn Nova Group, tiếp tục mở rộng hợp tác với thương hiệu ẩm thực hàng đầu Thái Lan Mango Tree, sau khi đã bắt tay với một loạt thương hiệu khác tại Việt Nam như JUMBO, Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffee...
Tất nhiên, quyết định mở rộng của nhiều thương hiệu bán lẻ lớn không chỉ xuất phát từ việc tận dụng lực cầu “bật ngược” trong ngắn hạn, mà còn bởi tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô thị trường lớn (khoảng 100 triệu dân) và mức chi tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức cao, đạt 10,5%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, sức mua sẽ tăng vọt sau dịch nhờ hiệu ứng “mua sắm bù”, là hiệu ứng tâm lý khi người tiêu dùng gia tăng mạnh nhu cầu chi tiêu, hưởng thụ bù lại cho quãng thời gian giãn cách kéo dài - điều từng diễn ra tại Trung Quốc và các nước châu Âu sau khi mở cửa trở lại.
Tiềm năng lớn, nhưng thách thức đối với các chủ sở hữu các mặt bằng bán lẻ cũng không ít, nhất là tính đa dạng của các mặt bằng cho thuê, bởi việc chỉ bổ sung thêm ngành hàng ăn uống là chưa đủ, mà phải cung cấp các dịch vụ đột phá hơn, chẳng hạn như tích hợp không gian làm việc chung vào trung tâm thương mại.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, các giải pháp về phát triển trung tâm thương mại có thể khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, mô hình…, nhưng nhìn chung, các trung tâm thương mại nên tư duy trở thành trung tâm tiêu dùng, bởi trong tương lai, trung tâm thương mại sẽ khó có thể tồn tại chỉ với 100% khách thuê bán lẻ và giải trí.
Advertisement