31/10/2023 09:14
Đo 'kho hàng' và nỗi lo margin
Sắc thái mới của các kho hàng và sản phẩm margin ở các công ty chứng khoán là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm.
Dọn kho: Lo lắng
H, một nhà đầu tư bám sàn từ những ngày đầu thị trường hoạt động và kiếm được hàng triệu USD từ thị trường kể, nhóm của chị chơi kho và chơi margin ở ít nhất 3 công ty chứng khoán để đo được sức khỏe thị trường và quản trị được rủi ro. Đây chính là những hàn thử biểu phát tín hiệu nhanh và ở góc độ nào đó là khá chính xác về thị trường.
Hiện kho nhà đầu tư này tham gia cho đòn bẩy lên tới 85% (có 15% được vay 85%). Ở 2 công ty chứng khoán cho áp dụng tỷ lệ 3:7, nơi còn lại áp dụng tỷ lệ 5:5. Vào những phiên thị trường biến động mạnh như hôm 26/10, nhà đầu tư sẽ cập nhật tình hình cháy tài khoản tại kho và các công ty chứng khoán để qua đó có thể phán đoán kịch bản có thể xảy ra tiếp theo và hành động.
“Thông thường, tỷ lệ cháy cao, tôi sẽ quan sát để mua cổ phiếu vào phiên sau đó”, nhà đầu tư cho hay.
Không có số liệu chính thống về quy mô hoạt động của các “kho” (tiền - hàng) trên thị trường, nhưng hình thức hoạt động này đã tồn tại lâu trên thị trường chứng khoán. Với việc có các “kho” hoạt động cung cấp dịch vụ margin trở nên rất sôi động, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhiều nhà đầu tư, ở cả khía cạnh danh sách cấp margin - gồm cả những cổ phiếu nằm ngoài danh sách cung cấp margin mà các sở giao dịch chứng khoán phê duyệt.
Nếu như trước đây, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận dịch vụ này, mà hầu hết là các khách VIP, khách lớn ở các công ty chứng khoán, thì năm 2023, kho được đưa về gần với nhiều nhà đầu tư cá nhân hơn.
Trong vai một nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng kho, chúng tôi liên hệ với các nhân sự được giới thiệu là trưởng phòng môi giới, giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán lớn.
Theo trao đổi với họ, việc cho vay 3:7 được công khai ở nhiều mã chứng khoán. Tức là nhà đầu tư có 3 đồng được vay 7 đồng để mua cổ phiếu. Nói công khai là bởi tài khoản của nhà đầu tư sẽ hiển thị sức mua cụ thể, công khai số tiền, nhà đầu tư được chủ động đặt lệnh mua cổ phiếu trên tài khoản của mình với tỷ lệ cho vay này.
Với mức cho vay lớn hơn 2:8, môi giới cho biết, nhà đầu tư sẽ không được tự đặt lệnh và cổ phiếu không hiển thị trên tài khoản của nhà đầu tư, mà sẽ do môi giới đặt lệnh cho nhà đầu tư. Các bên ghi nhận số tiền và số cổ phiếu mang tính chất cá nhân với nhau.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Dương Hoàn, một nhà đầu tư Fn cho biết, trên nhóm “Cộng đồng chứng khoán Pro” xuất hiện nhiều lời chào mời “vay kho”, kiểu như “margin cá mập: bảo lãnh 100 triệu, mua được 1 tỷ đồng, 1 tỷ mua 10 tỷ, 10 tỷ mua 100 tỷ…”.
Như đã đề cập, “đánh kho” không phải là hiện tượng mới trên thị trường chứng khoán, mà nó đã nở rộ hồi năm 2021. Nhưng trước đây, phần lớn các kho phục vụ giới hạn nhà đầu tư. Còn nay, nhiều nhà đầu tư được rỉ tai kho của công ty chứng khoán nên đã không ngại ngần bỏ tiền vào với mong muốn “kiếm nhanh”. Không ít nhà đầu tư “máu mê” đã sử dụng đòn bẩy lớn ở kho và các công ty chứng khoán.
Nhịp tăng mạnh của thị trường chứng khoán từ tháng 4 đến tháng 8 vừa qua được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, có dòng tiền nóng từ khu vực này tiếp sức. Tuy nhiên, sau những kinh nghiệm đau thương năm 2022, quy định về quản trị rủi ro ở cả kho và các công ty chứng khoán đã chặt chẽ hơn rất nhiều.
“Sau giai đoạn thị trường giảm mạnh tháng 10/2022, hiện tượng force sell từ công ty chứng khoán đến các kho - có những thiệt hại đáng kể bởi đà giảm sốc, không phanh và không có lệnh mua đối ứng ở nhiều cổ phiếu. Call chéo, force sell chéo khiến thị trường càng đắm sâu hơn. Hoạt động thanh tra, giám sát cũng được tăng cường, sát sao hơn. Bởi vậy, cả các công ty chứng khoán đến các kho, đều có sự thận trọng nhất định, quản trị rủi ro được ưu tiên cao hơn”, một nhà đầu tư sử dụng dịch vụ kho cho biết.
Với tỷ lệ cho vay là 80%, chỉ cần một phiên cổ phiếu giảm sàn, nhà đầu tư lập tức được call nạp thêm tiền, nếu hôm sau không đáp ứng được mà giá cổ phiếu không tăng, lập tức kho bán luôn cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư tham gia nhóm “Cộng đồng chứng khoán Pro” kể, những mã cổ phiếu được mời vay kho theo tỷ lệ cao thì đều sập sàn trong phiên 17/10/2023, bởi vì với tỷ lệ margin lên tới 1:10, thị trường chỉ cần xuống chút ít đã đủ bị call margin.
Dòng tiền từ các kho được coi là dòng tiền lớn và có một bộ phận những nhà đầu tư chuyên nghiệp coi hành động mua - bán từ các kho là chỉ báo. Do đó, khi kho chỉ có bán ra mà không có tiền mới nạp vào tức là dòng tiền yếu, nhà đầu tư quan sát, chờ đợi hoặc cũng ngừng giải ngân. Giả thiết này được cho là diễn ra trong thời gian từ tháng 9 trở lại đây, góp phần khiến thanh khoản thị trường sụt giảm.
Đó là ở chiều tiền, ở chiều hàng, các kho lớn được cho là cung cấp luôn dịch vụ T0, bán khống khi sẵn một lượng hàng lớn trong tay. Luận điểm này được nhiều nhà đầu tư giải thích cho việc các con sóng trên thị trường hồi tháng 8, 9 diễn ra khá ngắn, cổ phiếu chỉ tăng 1 - 2 phiên rồi lại rớt. “Khi thị trường không còn xu hướng tăng điểm rõ rệt, nhà đầu tư sử dụng kho, đánh T+ là chủ yếu”, nhóm nhà đầu tư trên chia sẻ.
Nhu cầu thị trường luôn có, nên mới xuất hiện các sản phẩm phái sinh margin - kho. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho biết, ở thị trường Thái Lan cũng có các sản phẩm phái sinh margin với tỷ lệ rất cao; thị trường Mỹ cũng vậy, Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, không giống các công ty chứng khoán được giám sát chặt bởi cơ quan quản lý, hình thức kho, tới một lúc nào đó tích tụ những rủi ro có thể "bể" kho, tác động lớn tới thị trường.
Chia sẻ của một nhân sự chuyên thu xếp nguồn cho một số doanh nghiệp cho biết, vì các kho cầm hàng và tiền, nên họ rất chủ động trong cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của nhà đầu tư, trong đó, với việc có sẵn hàng trong kho, nhà đầu tư hoàn toàn có thể "mượn hàng" từ kho để bán, vấn đề phát sinh cũng từ đây.
Vị này kể, có nhiều kho, thậm chí rất "sôi động" dịch vụ cho mượn hàng này. Điều này khiến thanh khoản trên thị trường tăng, được đóng góp bởi vòng quay giao dịch tăng lên, khi các kho có thể cấp dịch vụ giao dịch ngay trong ngày, thay vì chờ T2 về. Mặt trái là nếu các nhóm nhà đầu tư có động cơ riêng, chẳng hạn tác động phần nào đó vào chỉ số trong tuần đáo hạn phái sinh, họ sử dụng dịch vụ cả kho tiền và hàng, để có những giao dịch tác động vào giá cổ phiếu, nhất là trong nhóm VN30.
“Có những kho quy mô 200 - 300 tỷ đồng, có kho lớn từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng, dịch vụ cung cấp có thể dưới dạng cho vay ba bên. Nguồn vốn cho các kho từ các ông chủ giàu có “kín tiếng”, lãi suất cho vay giai đoạn này khá cao, từ 17 - 20%”, nhân sự trên cho biết.
Đo áp lực
Kết thúc phiên giao dịch washout ngày 26/10, nhóm chị H. cập nhật thông tin từ các kho và công ty chứng khoán để đo lường mức độ căng thẳng về margin. Tại Công ty Chứng khoán A, một công ty có quy tầm trung (chưa ở Top 10 thị phần môi giới), giá trị cháy tài khoản là 100 triệu đồng.
Ở kho K.H, có quy mô khá lớn, giá trị cháy tài khoản cũng không đáng kể. Dữ liệu này được nhóm chị H. cho rằng, nhà đầu tư đã giảm tỷ lệ đòn bẩy xuống mức tối đa, tức là nhiều nhà đầu tư chỉ còn tiền thịt.
“Việc nhà đầu tư tiếp tục bán ra ở thời điểm này do tâm lý của họ yếu và nhiều thông tin xấu dồn dập. Họ sợ hãi khi VN-Index liên tục giảm suốt 4 tuần, nhiều cổ phiếu rớt 40% thị giá”, chị H. nhận định.
Chỉ báo này đã khiến nhóm chị H mạnh dạn bắt đáy tỷ lệ nhỏ khi VN-Index tiếp tục rớt gần 20 điểm trong đầu giờ chiều phiên ngày 27/10. Đây là những mã cổ phiếu được chị ngắm cho mục tiêu đầu tư trung hạn, nhưng không loại trừ khả năng lướt sóng nếu thị trường tăng trở lại.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp