Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đổ hàng ngàn tỉ đồng trồng cây ăn trái, các 'ông lớn' đang toan tính gì?

Thị trường 24h

27/07/2017 06:57

Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời, Thaco... là những “ông lớn” đã và đang đổ vốn đầu tư vào cây ăn trái. Điều gì ở mảng trái cây hấp dẫn những doanh nghiệp này? Liệu “miếng bánh” trái cây có thơm, có ngọt…?

Liên tiếp nhiều dự án lớn

Mới đây, tại buổi gặp gỡ, giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời, bên cạnh các mảng chính như thuốc bảo vệ thực vật, giống, chế biến lương thực, đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, trong năm tới, trái cây cũng sẽ là lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận cho tập đoàn.

Vườn thanh long của Hoàng Anh Gia Lai trồng tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TRUNG KIÊN

Trước đó, cuối năm 2015, tại tỉnh Bến Tre, Tập đoàn Lộc Trời và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) chính thức phối hợp khởi động đề án xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái theo hướng phát triển bền vững, an toàn và chất lượng. Các bên sẽ cùng phối hợp xây dựng các mô hình chuỗi giá trị trên cây bưởi da xanh với diện tích từ 100 – 120ha tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tiếp đó, Lộc Trời và đối tác sẽ mở rộng chuỗi giá trị trên một số cây trồng khác như xoài, thanh long, nhãn và các cây trồng chủ lực khác theo quy hoạch của Bộ NNPTNT. Phạm vi của đề án sẽ được mở rộng tại các tỉnh trồng cây ăn quả trọng điểm như Đồng Tháp, Hậu Giang, TP.Cần Thơ...

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng tập đoàn này chọn cây bưởi da xanh để thực hiện thí điểm vì hội tụ được một số yếu tố như có sẵn vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn, sẵn thị trường tiêu thụ với giá ổn định, đặc biệt có thể bảo quản được lâu.

Đến năm 2016, Lộc Trời tiếp tục ký kết hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai trong việc phát triển trái cây ở vùng cao nguyên, trong đó Lộc Trời sẽ hỗ trợ về thuốc bảo vệ thực vật cho Hoàng Anh Gia Lai. Hai bên sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có trái cây, theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Gần đây nhất, Lộc Trời đã hợp tác với Công ty TNHH Phát triển khoa học Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc) để thành lập Công ty Liên doanh Giống và Thương mại nông sản, dự kiến tháng 8 này sẽ đi vào vận hành, mở đường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường màu mỡ này.

Ngoài ra, không thể không kể đến việc Lộc Trời đang triển khai dự án phát triển cây cà phê với THACO (Tập đoàn Trường Hải). Theo đó, THACO sẽ cung cấp những giải pháp về cơ khí và góp vốn để thu mua đất trồng còn Lộc Trời sẽ giải quyết các vấn đề về giống, kỹ thuật.

Nhu cầu thị trường còn rất cao

Không chỉ Lộc Trời, Thaco..., trong báo cáo thường niên 2016 mới công bố của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), doanh nghiệp này dự kiến doanh thu của mảng cây ăn trái năm 2017 lên tới gần 2.600 tỷ đồng, vượt qua cả bò thịt và cao su vốn chỉ được kỳ vọng mức doanh thu dưới 2.000 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ thu về khoảng 2.600 tỉ đồng từ chanh dây và các loại cây ăn quả khác. Ảnh minh hoạ

Theo kế hoạch mới, đến hết năm 2017 Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng hơn 15 loại trái cây nhiệt đới như chanh dây, thanh long, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ… tập trung chủ yếu tại các quỹ đất trống tại Lào, Campuchia và Gia Lai, với diện tích dự kiến có thể lên tới 20.000ha.

Trước đó, từ tháng 6/2016, bảng điều lệ hoạt động của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện thêm ngành nghề mới là trồng cây ăn quả. Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đề nghị với tỉnh Gia Lai cho xây nhà máy nước ép trái cây và chuyển gần 685ha đất trồng cỏ sang trồng trái cây.

Giải thích lý do dồn “tâm huyết” vào mảng trái cây, một mảng xưa nay vốn chỉ do nông dân trồng, các doanh nghiệp chỉ tham gia ở mảng thu mua, sơ chế rồi xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng, người tiêu dùng hiện nay có nhu cầu được sử dụng loại trái cây an toàn, chất lượng. Trong khi đó, lĩnh vực trái cây hiện nay là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu “tỷ đô”.

Ông Lý Hải Long,Giám đốc Công ty Xuất khẩu Bảo Thanh (TP.HCM) - chuyên xuất khẩu trái cây, thì cho rằng việc các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai đổ vốn đầu tư vào trái cây cũng là chuyện dễ hiểu. Trong quá khứ, tập đoàn này đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp với cao su, mía đường cả trong và ngoài nước nên có nhiều lợi thế cả về kinh nghiệm lẫn cơ sở vật chất, hạ tầng… để rẽ hướng sang mảng trái cây.

“Điểm mạnh của các ông lớn này là lợi thế về quy mô diện tích cũng như kinh nghiệm hợp tác làm ăn với các đối tác”,ông Long nhận định.

TS Võ Mai,Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết trái cây là mặt hàng có chênh lệch giữa giá bán của nông dân và giá bán lẻ lớn nhất. Nguyên nhân do nông dân chỉ trồng với diện tích vườn nhỏ lẻ, phải bán sản phẩm qua nhiều tầng nấc trung gian, do đó cấu thành của chuỗi giá trị trái cây chủ yếu rơi vào khâu phân phối trong khi nông dân chỉ nhận được từ 10 – 25% giá trị so với giá bán cuối cùng.

Ngược lại, những doanh nghiệp trên đầu tư với quy mô diện tích, sản lượng lớn, đồng thời, được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, kích cỡ đồng đều.

“Mà đồng đều là yêu cầu rất cần thiết cho sản phẩm trái cây xuất khẩu, không thể xuất khẩu một thùng xoài mà trái 1kg, trái 3 lạng… Các doanh nghiệp lớn cũng chỉ có một đầu mối thu mua từ trang trại đến xuất khẩu, giảm được nhiều khâu trung gian nên tỷ lệ lợi nhuận sẽ tăng lên”,TS Võ Mai nhận định.

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

THUẬN HẢI (Dân Việt)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement