11/01/2022 10:43
Dinh dưỡng dành cho người vừa khỏi COVID-19
Theo TS.BS Nguyễn Thùy Linh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng, rối loạn nuốt, suy mòn cơ,…
Để hồi phục sức khỏe, người bệnh nên có chế độ phục hồi dinh dưỡng hợp lý kết hợp các liệu pháp điều trị, phục hồi chức năng. Đặc biệt, những F0 nặng, nguy kịch từng điều trị ở ICU khi xuất viện cần có kế hoạch dinh dưỡng lâu dài mới có thể bình phục hoàn toàn.
Bác sĩ Linh đưa ra một số hướng dẫn, lưu ý về cách hồi phục dinh dưỡng tại nhà với bệnh nhân và người chăm sóc trong từng tình huống cụ thể.
Kém ăn, mệt mỏi và có cảm giác nhanh no
Theo TS.BS Nguyễn Thùy Linh, đây là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện. Giải pháp khắc phục là chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Cụ thể, nếu như người trưởng thành thường ăn 3 bữa/ngày thì F0 sau khỏi bệnh có thể chia nhỏ bữa ăn thành 4-6 bữa/ngày. Khi bệnh nhân ăn tốt hơn, có thể giảm số bữa xuống và tăng số lượng thức ăn trong mỗi bữa lên.
Bác sĩ khuyến cáo cần cung cấp đủ chất đạm trong ngày. Nên ưu tiên sử dụng đạm nguồn gốc động vật vì có đầy đủ các axit amin cần thiết, dễ tiêu hóa và hấp thu hơn với bệnh nhân đang có tình trạng thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, ăn uống kém. Một số thực phẩm giàu đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, tôm, trứng,...
Chất đạm nguồn gốc thực vật cũng có thể sử dụng, tuy nhiên nên dùng các dạng chế phẩm dễ hấp thu, tiêu hóa hơn thay vì nguyên cám, nguyên hạt.
Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu protein, áp dụng những phương pháp chế biến bổ sung dinh dưỡng vào trong các món ăn (ví dụ sử dụng thêm các nước xốt cho vào thịt và các món phụ). Có thể sử dụng các sản phẩm thay thế như sữa, đồ uống bổ sung dinh dưỡng.
Nếu bệnh nhân ăn uống kém, dưới 50% nhu cầu khuyến nghị, cần bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng.
Thay đổi vị giác
Thay đổi vị giác là tình trạng bệnh nhân cảm thấy sợ mùi vị thức ăn, kể cả những thực phẩm trước đây họ rất thích hoặc vẫn thường xuyên ăn.
Người bệnh nên ăn thực phẩm ít mùi vị và thực phẩm để trong tủ mát trước vì đây là những loại ít gây kích thích. Sau đó, tiếp tục ăn thực phẩm nóng hoặc có mùi vị mạnh.
Do thay đổi vị giác làm bệnh nhân cảm thấy “nhạt mồm miệng”, khó ăn hơn, có thể tăng thêm đường, gia vị vào thực phẩm để tăng mùi vị, tuy nhiên cần có sự kiểm soát lượng muối ăn vào. Một số cách chế biến thực phẩm làm tăng vị đậm đà của thực phẩm nhưng không cần bổ sung thêm muối, gia vị như: hấp, chiên không dầu,…
Ngoài ra, có thể cho bệnh nhân nhai những kẹo vị chua, kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su trước và sau bữa ăn nếu thấy khô miệng để kích thích tăng tiết nước bọt.
Đặc biệt, bác sĩ nhấn mạnh việc vệ sinh răng miệng phải thực hiện thường xuyên vì cũng ảnh hưởng đến vị giác. Bên cạnh đó, mảng bám thức ăn trong miệng nếu không được làm sạch, bệnh nhân có thể hít vào phổi gây viêm phổi trở lại hậu COVID-19.
Vấn đề rối loạn nuốt
Sau xuất viện, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19, đặc biệt những trường hợp từng diễn tiến nặng sẽ gặp phải tình trạng rối loạn nuốt khá cao do cơ của người bệnh bị yếu. Do đó, người chăm sóc cần lưu ý tư thế cho ăn cũng như thay đổi cấu trúc thực phẩm.
Về tư thế cho ăn, nếu để bệnh nhân ngồi ăn, cần giữ đúng tư thế ngồi thẳng lưng, cằm hơi gập xuống, tránh hiện tượng sặc thức ăn vào phổi. Nếu bệnh nhân nằm, cần giữ ở tư thế đầu cao từ 35-40 độ khi ăn.
Về thay đổi cấu trúc thực phẩm, có thể sử dụng chất tạo đặc để pha vào thực phẩm, làm thực phẩm có độ kết dính tốt hơn, giảm tình trạng sặc thức ăn vào phổi. Chế độ ăn này đã sử dụng nhiều năm nay tại Việt Nam, áp dụng với các bệnh nhân bị tai biến, sa sút trí tuệ,… Những thực phẩm có thể sử dụng là dạng nghiền nhuyễn hoặc xay lỏng như cháo, sữa, súp, nước hoa quả,….
Bác sĩ lưu ý, tốt nhất người bệnh nên xin tư vấn của nhân viên y tế để xác định về tình trạng rối loạn nuốt và đánh giá có cần thiết phải thay đổi cấu trúc thực phẩm hay không.
Suy mòn cơ
Theo Vietnamnet, đây là tình trạng bệnh nhân bị yếu sức cơ, giảm sức cơ cả về số lượng, chất lượng và yếu hoạt động thể chất. Sau khi khỏi COVID-19, nếu được chẩn đoán gặp tình trạng này, người bệnh cần kết hợp giữa luyện tập và dinh dưỡng.
Về dinh dưỡng, ngoài việc cung cấp đủ năng lượng, bệnh nhân cần lưu ý tăng protein và bổ sung vitamin D. Vitamin D là chất có hàm lượng rất thấp trong thực phẩm thông thường, cơ thể chuyển hoá vitamin D chủ yếu nhờ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, bệnh nhân Covid-19 gần như không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đa số chỉ ở trong phòng, thời gian điều trị lại kéo dài nên lượng vitamin D bị thiếu hụt rất lớn. Bổ sung vitamin D có thể giúp hỗ trợ phục hồi suy mòn cơ.
Về luyện tập, người bệnh tốt nhất nên tập luyện theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, đặc biệt là các bài tập về đối kháng.
Theo TS.BS Nguyễn Thùy Linh, chế độ ăn khuyến cáo với bệnh nhân hậu COVID-19 nói chung là ăn tăng năng lượng, tăng khoảng 400-500kcal/ngày so với chế độ ăn khi chưa mắc COVID-19 (400-500kcal này tương đương khoảng 1 nửa bữa ăn của người trưởng thành).
Lượng protein cũng cần tăng khoảng 75-100g/ngày so với trước đây. Bệnh nhân có thể áp dụng hướng dẫn sau để tính nhanh lượng protein theo thực phẩm ăn hàng ngày: Ví dụ, 100g gạo có 8g protein, 100g thịt các loại hoặc cá có trung bình 18 - 20g protein,…
Với những bệnh nhân không cảm thấy đói và xuất hiện mệt mỏi, áp lực khi phải ăn chế độ tăng cường từ thực phẩm thông thường, có thể cho người bệnh ăn thêm sữa công thức năng lượng chuẩn 1kcal/ml hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đậm độ năng lượng cao, giàu protein hơn.
Ngoài ra, cần phối hợp hồi phục dinh dưỡng với luyện tập và phục hồi chức năng. Bác sĩ Linh nhấn mạnh lại, người bệnh tốt nhất nên luyện tập theo hướng dẫn của chuyên gia phục hồi chức năng. Tuy nhiên, nếu chưa thể nhận tư vấn, có thể áp dụng các bài thể dục nhẹ nhàng từ 20-30 phút/ngày.
Bệnh nhân cũng cần ngủ đủ giấc, ngủ nhiều hơn bình thường và cố gắng đi ngủ đúng giờ. Nếu có bệnh lý nền, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp hướng dẫn dinh dưỡng của bệnh lý nền với tình trạng hiện tại sao cho phù hợp nhất.
Uống đủ nước
Vai trò của nước đối với bệnh nhân COVID-19 rất quan trọng, giúp bù dịch mất và làm loãng dịch tiết đường hô hấp. Thiếu nước sẽ làm đặc dịch tiết, đặc đờm, rất khó làm sạch phổi.
Kể cả với F0 đã xuất viện, đường hô hấp của bệnh nhân thường chưa hồi phục hoàn toàn, Nếu thiếu nước sẽ gây đặc dịch tiết, đặc đờm, bệnh nhân có thể bị viêm phổi trở lại .
Do đó, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân COVID-19 cần chú trọng bổ sung nước và các loại đồ uống để đảm bảo cân bằng dịch trong cơ thể. Cần uống 35-40ml/kg cân nặng/ngày, uống rải rác trong ngày. Lưu ý, uống ngay cả khi không thấy khát bởi bệnh nhân COVID-19 (kể cả trường hợp đã xuất viện) có thể gặp tình trạng mất vị giác, khứu giác, không có cảm giác khát.
Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả; tránh uống các loại cà phê, nước ngọt có ga, nước tăng lực… Bệnh nhân COVID-19 nếu có sốt nên uống bổ sung Orezol và tăng lượng nước so với bình thường để bù đủ lượng nước mất đi. Có thể tính cụ thể hơn bằng công thức: bổ sung thêm 2,5ml nước/kg cân nặng khi sốt tăng thêm 1 độ C.
Cụ thể, tăng cường các loại hoa quả, nước ép trái cây, rau xanh, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E để tăng sức đề kháng. Lưu ý, nếu có suy mòn cơ thì có thể bổ sung vitamin D liều cao.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp