Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Điều gì khiến Đường sắt nhen nhóm hy vọng giảm lỗ trăm tỷ?

Chính sách - Hạ tầng

16/02/2022 13:25

Vận tải dịp Tết khả quan, ngành Đường sắt kỳ vọng năm 2022 sẽ tăng sản lượng, doanh thu cả vận tải khách và hàng hóa, giảm được lỗ.

Tàu bất ngờ kín khách sau Tết

Những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các chuyến tàu đưa người dân từ các tỉnh trở về Hà Nội đi làm, sinh sống đều kín khách, chỉ còn ít ghế phụ. Có chuyến như tàu Hải Phòng lên đến cả nghìn khách.

Điều gì khiến Đường sắt nhen nhóm hy vọng giảm lỗ trăm tỷ?

Tàu SE7 ra Tết đang chạy từ Long Khánh vào TP.HCM đông kín khách, ngày 10/2/2022

Một nhân viên khách vận cho biết, không chỉ tàu về ga Hà Nội, các chuyến tàu Thống nhất đi vào miền Nam, nhất là từ Thanh Hóa, Vinh trở vào hầu như kín chỗ.

Đường sắt phải lập thêm một số đoàn tàu chiều Hà Nội - TP.HCM để đáp ứng nhu cầu bất ngờ tăng cao sau Tết. “Khách tăng thế này, dù không bằng các Tết trước khi có dịch nhưng thực sự rất phấn khởi”, nhân viên này nói.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chia sẻ, khách đi tàu tăng bất ngờ trước hết do Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Cùng đó, quan niệm “sống chung với bệnh dịch” khiến các hoạt động cởi mở hơn, độ phủ vaccine rộng hơn nên người dân cũng chủ động đi lại.

Theo ông Hiệp, trước khi vào chiến dịch vận tải Tết, tình hình dịch bệnh ảm đạm, vé bán ra cũng chỉ chiếm 20 - 25% phương án chỗ.

Tuy nhiên, càng ra Tết tình hình càng có chiều hướng tốt hơn. Trong Tết, đường sắt chỉ lập thêm 2 đôi tàu Thống nhất, ra Tết lại tiếp tục lập thêm các đoàn tàu.

“Khách đi tàu tăng lên, triển vọng sẽ tốt hơn so với năm 2021, không chỉ vận tải khách, vận tải hàng cũng tăng”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, tính đến ngày 8/2/2022, đơn vị đã vận chuyển được hơn 100.000 lượt khách, doanh thu hơn 53 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so cùng kỳ 2021.

Trong đó, tàu Thống nhất vận chuyển gần 68.500 khách, tàu khu đoạn được hơn 32.200 khách. Về vận tải hàng hóa, tháng 1/2022 đạt hơn 259.000 tấn xếp, hơn 263.000 tấn dỡ, doanh thu tàu hàng hơn 85,2 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Nam, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, tuy sau Tết lượng khách có tăng, các đoàn tàu đông khách hơn nhưng tính cả giai đoạn trước và sau Tết thì doanh thu không bằng Tết Tân Sửu 2021.

Tính đến ngày 9/2/2022, sản lượng công ty thực hiện được gần 110.000 khách, bằng 79,47% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu hơn 78,3 tỷ đồng, bằng 88,76%.

Tuy nhiên, với các điều kiện phòng dịch nới lỏng, cởi mở hơn trước, doanh nghiệp vẫn hy vọng sản lượng, doanh thu vận tải khách sẽ tăng lên, phục hồi dần.

Kỳ vọng giảm lỗ cả trăm tỷ năm 2022

Năm 2021, ảnh hưởng dịch Covid-19, vận tải khách đường sắt sụt giảm nghiêm trọng, tàu khách phải dừng chạy hàng tháng dẫn đến doanh thu Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN âm hơn 690 tỷ đồng, doanh thu Tổng công ty hợp nhất âm hơn 670 tỷ đồng.

Với những tín hiệu khả quan trong đợt vận tải Tết Nhâm Dần vừa qua, liệu tình trạng trên có được cải thiện?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, nhu cầu khách đi tàu tăng là tín hiệu đáng mừng cho vận tải khách nhưng cũng chỉ mang tính thời vụ, không phải đột biến để bù đắp cho vận tải đường sắt nói chung đang thua lỗ do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt VN, trước đây doanh thu vận tải khách chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng doanh thu vận tải. Năm 2022, kỳ vọng vận tải khách tăng trở lại, cùng đó vận tải hàng tăng tốt hơn thì tỷ trọng này là 50 - 50, bù đắp cho vận tải khách để giảm lỗ. Hiện Tổng công ty Đường sắt VN đang xây dựng kế hoạch SXKD năm 2022, trong đó dự kiến lỗ giảm so với năm 2021 khoảng 100 tỷ đồng.

“Vận tải hàng tuy tăng trưởng tốt nhưng cũng theo lộ trình, không thể có đột phá về doanh thu được. Do đó, chúng tôi vẫn chỉ đặt mục tiêu giảm lỗ được chừng nào tốt chừng đó, còn để thoát lỗ thì rất khó”, ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, để thực hiện được mục tiêu giảm lỗ, đường sắt phải rất nỗ lực.

Về vận tải khách, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để tổ chức chạy tàu linh hoạt, phù hợp, nhất là khi nhu cầu khách tăng vào các dịp nghỉ lễ, du lịch; tăng tàu Thống nhất, tàu khu đoạn và cho chạy lại tàu trên các tuyến du lịch như Hà Nội - Lào Cai.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh vận tải hàng hóa như rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, kêu gọi xã hội hóa đầu tư toa xe hàng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bố trí vốn cũng như chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư kho ga, bãi hàng, đẩy mạnh logistics...; tiếp tục siết chặt các giải pháp kiểm soát và giảm chi phí”, ông Mạnh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng thừa nhận khó có thể thoát lỗ.

“Hoạt động du lịch được mở cửa thông thoáng thì nhu cầu đi lại của người dân tăng, vận tải khách chắc chắn sẽ tăng hơn, nhưng cũng phải từ dịp 30/4 trở đi và sẽ khôi phục dần dần”, ông Hiệp phân tích.

Về vận tải hàng hóa, ông Hiệp nhấn mạnh, “còn phụ thuộc vào thị trường vận tải biển”. Năm 2021, vận tải biển biến động về thị trường, các đội tàu chuyển sang đi tuyến quốc tế, đội tàu đi tuyến nội địa ít, không đáp ứng được nhu cầu nên hàng chuyển sang đi bằng đường sắt nhiều.

Vì thế, vận tải hàng đường sắt tăng trưởng hai con số. Nhưng năm 2022, nếu vận tải biển nội địa khôi phục thị trường trở lại thì vận tải hàng hóa đường sắt để tăng trưởng được 5 - 10% sẽ rất khó.

“Năm 2019, đang trong điều kiện bình thường nhưng cũng là “bình thường yếu” vì vận tải khách giảm so với trước, không cạnh tranh được với hàng không, đường bộ, thì kết quả doanh thu vận tải khách được 1.400 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu vận tải khách chỉ được 220 tỷ đồng, hụt thu khoảng 1.200 tỷ đồng. Vậy mà kết quả SXKD của công ty sơ bộ âm khoảng 150 tỷ đồng, vẫn giảm lỗ được khoảng 60 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Đây đã là nỗ lực rất lớn trong thực hiện mọi giải pháp, nhất là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, từ lao động đến sửa chữa phương tiện.

Năm 2022 công ty đang xây dựng kế hoạch, tính toán dự kiến lỗ khoảng 130 - 140 tỷ đồng, giảm hơn so với thực tế thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong kết quả thực hiện năm 2022 sẽ giảm được lỗ hơn nữa so với dự kiến”, ông Hiệp nói.

Khó bù đắp được doanh thu vận tải khách

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng, vận tải hàng hóa có tăng nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong doanh thu vận tải nên không bù đắp được hụt thu từ vận tải khách.

Từ trước đến nay, vận tải hành khách chiếm tỷ trọng hơn 60%, còn vận tải hàng chỉ chiếm khoảng trên 30%. Đến giai đoạn hiện nay, vận tải hàng mới chiếm được tỷ trọng 40%. Vì thế, dù có tăng được 10% doanh thu vận tải hàng cũng không “thấm” gì so với hụt doanh thu chung.

Trong khi đó, công ty vẫn phải chịu nhiều chi phí như trả vốn vay, lãi vay để đóng toa xe; tiền thuê cơ sở hạ tầng đường sắt, thuế; chi phí lương CBCNV để duy trì hoạt động SXKD; chi phí sửa chữa, bảo dưỡng toa xe...

KỲ NAM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement