25/03/2021 18:59
Điện mặt trời quy đổi ra mì gói, sữa
Các mô hình sử dụng hiệu quả điện mặt trời sẽ nắn dòng chảy của loại năng lượng sạch này.
Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết trong 15 ngày đầu tháng 3, TP.HCM có chỉ số tiêu thụ điện trung bình 76,5 triệu kWh/ngày, tăng hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,3 triệu kWh/ngày. Mới đầu mùa khô, ngành điện đã gặp áp lực nặng nề như vậy càng cho thấy tầm quan trọng của các nguồn năng lượng thay thế như điện mặt trời.
Trong khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện cho biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, trong đó có hơn 500 triệu KWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500 KV.
Sự lệch pha do đầu tư “bừa bãi” này vẫn không thể phủ nhận thực tế điện mặt trời có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện đối với lưới điện quốc gia cùng với hiệu quả kinh tế. Vì thế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch khai thác điện mặt trời trong sản xuất và kinh doanh.
Đáng chú ý, đến đầu năm 2021, đã có 5 trang trại của Vinamilk đưa vào sử dụng điện mặt trời và theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai trên toàn bộ hệ thống trong năm nay.
Theo lộ trình được Vinamilk xây dựng, khi năng lượng mặt trời được sử dụng trên quy mô 12 trang trại cả nước, tổng công suất có thể đạt hơn 54 MWp, giúp tái tạo gần 70 triệu kWh điện năng/năm. Điều này sẽ góp phần giảm hơn 62 triệu kg khí CO2/năm gây hiệu ứng nhà kính thải, con số tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 3,4 triệu cây xanh được trồng.
Trước đó, Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Norsk Solar để lắp đặt 60.000 m2 mái của 11 trung tâm thương mại GO! trên toàn quốc. Hệ thống này sẽ cung cấp khoảng 30% lượng điện năng tiêu thụ tại mỗi trung tâm thương mại GO!.
Tập đoàn của Thái Lan dự kiến trong vòng 20 năm, dự án sẽ cung cấp hơn 300.000 MWh điện sạch, giảm phát thải trên 120.000 tấn CO2 (tương đương lượng khí thải của hơn 25.000 chiếc ô tô phát thải mỗi năm).
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Năng lượng tái tạo, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3, mức giá bán điện dư thừa cho ngành điện đối với loại hình áp mái trước đây là 9,35 cent/kWh, sau này giảm xuống 8,38 cent/kWh trong 20 năm (tương đương 1.943 đồng/kWh), vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư khi có thể thu hồi vốn trong vòng 4-5 năm.
Ngoài nguồn thu nếu bán điện lên lưới, hệ thống điện mặt trời của Công ty Acecook Việt Nam có sản lượng trung bình khoảng 900.000 kWh/năm, tương đương với lượng điện sử dụng để sản xuất khoảng 3,6 triệu gói mì Hảo Hảo.
Hay đối với các siêu thị như GO!, đầu tư điện mặt trời hòa lưới là giải pháp phù hợp và hiệu quả giúp siêu thị tự chủ nguồn điện ban ngày, giảm chi phí tiền điện giá cao giờ cao điểm. Trong khi đó, đại diện của Gigamall Thủ Đức giới thiệu, hệ thống điện mặt trời có thể đáp ứng đủ lượng điện cho một tầng của trung tâm thương mại này.
Bên cạnh giảm chi phí mua điện, tiết kiệm điện, hệ thống điện mặt trời áp mái còn có ưu điểm là các tấm pin giúp giảm nhiệt bên trong tòa nhà và cân bằng ánh sáng ở khu vực mái làm bằng kính.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, sắp tới, Central Retail dự kiến sẽ phủ năng lượng xanh tại tất cả các trung tâm thương mại và đại siêu thị của Tập đoàn trên 39 tỉnh thành khắp cả nước. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong các cam kết phát triển bền vững của Central Retail tại Việt Nam.
Nhu cầu năng lượng mặt trời của doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ giúp Công ty Năng lượng TTC (TTC Energy) có tình hình kinh doanh thuận lợi. TTC Energy ký được nhiều hợp đồng cho thuê hệ thống điện mặt trời đối với các doanh nghiệp kinh doanh như Co.opmart tại hơn 20 siêu thị và trung tâm thương mại Sense City với tổng công suất dự kiến là 6 MWp, siêu thị Gigamall với công suất lắp đặt 517,48 kWp...
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, cho biết sử dụng điện mặt trời áp mái không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư, hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, hàng loạt các ưu điểm như lắp đặt không tốn diện tích đất, chống nóng hiệu quả cho các công trình, dễ dàng lắp đặt các công trình có quy mô nhỏ, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải... khiến mô hình điện mặt trời áp mái đang ngày càng phổ biến.
Theo xu hướng này, ông Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Sembcorp Energy Vietnam (Tập đoàn Sembcorp Singapore), cũng cho biết, việc chuyển từ sử dụng năng lượng truyền thống sang năng lượng mặt trời, rất lợi ích về kinh tế, nếu đầu tư thì sau khoảng 6-7 năm sẽ hoàn vốn và tỉ suất lợi nhuận lên đến 15-17%, tạo nên một hệ sinh thái bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng sạch sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp