Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Điểm nóng' mùa đại hội ngân hàng 2022

Ngân hàng

28/01/2022 14:28

Các ngân hàng bắt công bố chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), theo đó, các thông tin về nhân sự cấp cao, chia cổ tức, tăng vốn, bán vốn ngoại, chỉ tiêu kinh doanh, xử lý nợ xấu... sẽ là những “điểm nóng” được quan tâm.

Nhiều ngân hàng tổ chức ĐHCĐ ngay sau Tết

Nếu như 2 năm trước dịch bệnh bùng phát đúng vào quý đầu năm - thời điểm tổ chức ĐHCĐ của các ngân hàng, khiến đại hội phải lùi lại và hình thức họp chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, thì sang năm nay, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhiều nhà băng đã chốt lịch họp ĐHCĐ ngay sau Tết Nhâm Dần.

Sacombank (mã STB) dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022 vào cuối tháng 4/2022. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 20/1/2022 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 21/1/2022. Một trong những nội dung được chú ý tại đại hội năm nay là nhân sự HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022-2026.

Năm 2021, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2020. Chi phí hoạt động Ngân hàng giảm đáng kể, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đạt khoảng 36,2% và dự kiến giảm về mức 34,2% trong năm 2022. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản mới thực sự là điểm nhấn tại Sacombank.

Kết quả lũy kế từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý, thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc đề án tái cơ cấu (sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam từ năm 2015). Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ mức 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35% vào cuối năm 2021. Nợ xấu nội bảng năm 2017 giảm từ mức hơn 9.400 tỷ đồng xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Eximbank (mã EIB) dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022. Trước đó, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025), số lượng nhân sự HĐQT dự kiến là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập, còn số lượng nhân sự ban kiểm soát dự kiến là 3 thành viên.

Được biết, đến nay, Eximbank vẫn chưa tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2020 sau nhiều lần hủy do không đủ tỷ lệ để tiến hành họp và ảnh hưởng dịch bệnh. Còn với ĐHCĐ thường niên 2021, trước đó, Eximbank đã tổ chức lần 1 vào ngày 17/4/2021, nhưng cuộc họp cũng không đủ điều kiện tiến hành do không đủ số cổ đông tham dự. Sau đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp lần hai vào ngày 29/7/2021 và ĐHCĐ bất thường vào ngày 30/7/2021 tại Hà Nội. Tuy nhiên, gần tới ngày tổ chức, Eximbank ra thông báo dời cả 2 cuộc họp này sang thời điểm thích hợp do dịch tái bùng phát.

HĐQT SCB cũng có thông báo đến cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự bổ sung thành viên HĐQT Ngân hàng nhiệm kỳ 2017-2022. Theo đó, SCB dự kiến sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới tại ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức trong quý I/2022. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2020 tổ chức vào ngày 14/12/2021, cổ đông SCB đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022, nên hiện chỉ còn 4 thành viên và không đủ số lượng tối thiểu theo Điều 62 - Luật Các tổ chức tín dụng và Điều 64 - Điều lệ Ngân hàng. SCB cho biết sẽ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại và niêm yết cổ phiếu sau khi hoàn tất tái cơ cấu giai đoạn 2.

“Điểm nóng” cổ tức, tăng vốn, mở room ngoại…

Lãnh đạo MSB (mã MSB) cho biết, dựa trên con số lợi nhuận đạt được trong năm 2021 (là 5.168 tỷ đồng, vượt 58% so với kế hoạch) sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30%. Tuy nhiên, phương thức chia sẽ được cân đối để phù hợp với tình hình tài chính và tốc độ tăng trưởng tài sản.

MSB sẽ giữ tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn chung, nhưng vẫn duy trì mức hợp lý để có thể tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Về kế hoạch năm 2022, MSB đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25% tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, lãi trước thuế tăng hơn 30% lên 6.800 tỷ đồng.

ACB, HDBank, VPBank, MBBank, OCB... đều chia cổ tức cao từ 20-25% bằng cổ phiếu trong những năm gần đây và kế hoạch cổ tức 2021 dự kiến cũng không thấp hơn mức này. Mục tiêu của các ngân hàng khi chia cổ tức cao bằng cổ phiếu là để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nhất là khi lợi nhuận năm qua tiếp tục ở mức cao. Đơn cử, năm 2021, ACB (mã ACB) ghi nhận cột mốc cao mới với lợi nhuận vọt lên gần 12.000 tỷ đồng trước thuế (tăng so với mục tiêu ĐHCĐ giao là 10.602 tỷ đồng), tăng 25% so với năm 2020; tỷ lệ ROE đạt 24%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,7%...

Bên cạnh chia cổ tức cao, nhiều ngân hàng còn có kế hoạch nới room ngoại, tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2022. VPBank (mã VPB) vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 15% lên 17,5%. Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank được thị trường quan tâm, với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho giá cổ phiếu VPB.

Đối tác ngoại đang được đồn đoán là SMBC cũng chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit với giá gần 1,4 tỷ USD. Theo lãnh đạo VPBank, thương vụ bán vốn VPBank cho đối tác ngoại cũng sẽ mang về khoản tiền tương đương với thương vụ bán vốn FE Credit.

Tại OCB (mã OCB), tỷ lệ room ngoại đang ở mức 10% và lãnh đạo ngân hàng này cho hay, đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%. Vấn đề hiện tại chỉ là giá cả, nếu hai bên thống nhất thì thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2022.

Trước đó, vào giữa năm 2020, OCB bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora (AOZ), đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng. Ngày 12/1/2022, OCB tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 882.000 cổ phiếu cho AOZ, đồng thời phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên trong quý I/2022. Sau khi được các cơ quan quản lý chấp thuận, vốn điều lệ OCB dự kiến tăng lên hơn 13.757 tỷ đồng, nguồn vốn tăng thêm sẽ được bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay.

Tương tự, Sacombank cũng sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022, nhưng tất nhiên phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện sở hữu số cổ phần này là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và để hoàn tất kế hoạch này, theo người đứng đầu Sacombank - Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh, số cổ phiếu chiếm hơn 32% vốn tại VAMC sẽ phải được xử lý trong năm này.

Liên quan tới cổ tức, Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận lũy kế 6.496 tỷ đồng và không chia cổ tức năm 2021 do chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, bởi còn phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu sau sáp nhập. Ông Minh cho hay, lãnh đạo Ngân hàng rất muốn chia cổ tức khi giá cổ phiếu đang tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước và quá trình tái cơ cấu thành công. Người đứng đầu Sacombank hứa cố gắng sau 5 năm tái cơ cấu thành công, đồng thời hy vọng Ngân hàng trở về trạng thái bình thường trong năm 2022 và được chia cổ tức, dự kiến ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB liên tục dẫn đầu thanh khoản nhóm ngân hàng và thiết lập đỉnh mới trong phiên 17/1/2022 với giá 35.250 đồng/ cổ phiếu.

Cổ đông Eximbank nhiều năm qua cũng không được nhận cổ tức do ngân hàng này phải dành nguồn lực xử lý các tồn đọng và nợ xấu, bên cạnh việc các nhóm cổ đông lớn chưa tìm được tiếng nói chung. Đây là lý do khiến cổ đông chiến lược Nhật Bản SMBC tính chuyện chuyển nhượng 15% cổ phần đang sở hữu. Thông tin cổ đông ngoại dự tính thoái vốn là một trong những yếu tố đẩy giá cổ phiếu EIB tăng những tháng cuối năm 2021.

Thùy Vinh
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement