23/03/2021 09:05
Điểm nóng mùa đại hội
Mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp đang vào giai đoạn nóng, và càng nóng hơn đối với những doanh nghiệp có câu chuyện riêng.
VLC: Nóng chuyện sáp nhập với GTN
Điểm nóng tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC) tổ chức chiều 19/3/2021 là phương án sáp nhập Công ty cổ phần GTNFoods (GTN), với mức hoán đổi 1,6 cổ phiếu GTN lấy 1 cổ phiếu VLC.
Theo đó, 250 triệu cổ phiếu GTN sẽ hoán đổi thành 165,25 triệu cổ phiếu VLC, nâng số lượng cổ phiếu VLC từ 63,1 triệu đơn vị lên 219,35 triệu đơn vị.
Ngay trước đó, sáng 19/3, ĐHCĐ GTN thông qua phương án sáp nhập GTN vào VLC. Tại đại hội, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị GTN, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị VLC, Tổng giám đốc Vinamilk (VNM), cho biết thời gian thực hiện việc sáp nhập dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2021.
Việc sáp nhập nhằm đơn giản cấu trúc doanh nghiệp để khai thác chi phí hiệu quả hơn và sau khi sáp nhập sẽ khởi động dự án trang trại bò thịt.
Cơ sở xác định việc hoán đổi 1,6 cổ phiếu GTN lấy 1 cổ phiếu VLC căn cứ vào giao dịch 30 phiên gần nhất của cả 2 cổ phiếu và định giá của cơ quan kiểm toán. Những cổ đông không đồng ý với phương án sáp nhập có thể yêu cầu Công ty mua lại cổ phiếu theo quy định trong điều lệ.
Tính theo giá giao dịch ngày 19/3/2021, cổ phiếu GTN có giá 24.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VLC có giá 40.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, không có sự khác biệt quá lớn giữa tỷ lệ hoán đổi của hai cổ phiếu ở mức giá hiện tại.
Tuy nhiên, một số cổ đông VLC chia sẻ, họ cảm thấy bất bình, thậm chí bất an với hai điểm bất thường tại đại hội.
Thứ nhất, liên quan đến quyền biểu quyết. VLC tổ chức đại hội vào 13h30 ngày 19/3 tại TP.HCM theo hình thức trực tuyến. Vậy nhưng, Công ty lại yêu cầu các cổ đông phải gửi ý kiến biểu quyết trước 10h cùng ngày.
“Theo thông lệ tại các ĐHCĐ, việc biểu quyết chỉ được diễn ra tại đại hội, khi các cổ đông nắm rõ tình hình thực tế doanh nghiệp, tức có thông tin, có cơ sở để bỏ phiếu biểu quyết, nhằm thông qua các nội dung. Việc yêu cầu các cổ đông phải biểu quyết trước thời gian tổ chức ĐHCĐ là chưa có tiền lệ”, ông N. M. Phúc, một cổ đông của VLC cho biết.
Thứ hai, đó là tỷ lệ hoán đổi. Cổ đông N. V. Hoàng cho rằng tính theo thị giá giao dịch trên sàn 30 phiên gần nhất thì trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Bởi biến động giá cổ phiếu dựa trên nhiều yếu tố. Nhìn vào yếu tố cơ bản là chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), GTN chưa đến 1.000 đồng, còn VLC xấp xỉ 3.000 đồng. Như vậy, tỷ lệ hoán đổi 1,6:1 có lợi cho các cổ đông GTN và ngược lại, thiệt cho các cổ đông VLC.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, GTN đã thoái toàn bộ vốn tại các mảng đầu tư ngoài lĩnh vực nông nghiệp, và 100% doanh thu thuần của GTN đến từ VLC, cho thấy VLC mới là lõi hoạt động thực.
GTN chủ yếu hoạt động tài chính, với lượng tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng tính đến cuối năm 2020 đạt hơn 2.270 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng tài sản. Một phần tiền không nhỏ trong số đó được dự kiến dùng để mua cổ phiếu MCM, do Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu phát hành riêng lẻ sắp tới.
Trong khi đó, VLC sở hữu 51% MCM ghi nhận nguồn thu chủ yếu đến từ công ty con này. Chính vì vậy, một số cổ đông VLC nhìn nhận, GTN được “dựng lên” để VNM thực hiện mục tiêu thâu tóm gián tiếp MCM, thông qua sáp nhập vào VLC.
Đáng chú ý, 1 ngày trước khi ĐHCĐ VLC diễn ra, cổ đông Phạm Thị Linh đã có đơn kiến nghị gửi tới VLC và GTN cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai Sở giao dịch chứng khoán, bày tỏ quan điểm phản đối phương án sáp nhập GTN vào VLC.
Cổ đông này đang sở hữu hơn 8% cổ phần VLC, mong muốn các bên có ý kiến về phương án sáp nhập để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông VLC. Vì phương án hiện tại khiến cổ đông chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, sở hữu của các cổ đông lớn khác đồng ý với phương án sáp nhập chiếm tỷ lệ áp đảo, khiến kiến nghị này trở nên vô vọng.
VND: Dự kiến chuyển sàn cuối tháng 3
Tổ chức ĐHCĐ sớm hơn mọi năm, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) đã thông qua kế hoạch chuyển sàn từ HOSE sang HNX.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Quyền Tổng giám đốc VND, chia sẻ hệ thống giao dịch của HOSE liên tục xảy ra hiện tượng quá tải, dẫn đến nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến việc giao dịch của nhà đầu tư nói chung, cổ đông nói riêng.
Việc chuyển tạm thời cổ phiếu VND sang HNX trong giai đoạn này không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của Công ty trong việc xử lý vấn đề quá tải ở HOSE hiện nay, nhằm mang lại lợi ích chung cho toàn thị trường.
“Tôi hy vọng, nhiều doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam cũng sẽ nhìn rõ và đồng ý với giải pháp tạm thời này, nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông cũng như góp sức giữ an toàn hệ thống cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong lúc chờ các giải pháp trung và dài hạn”, ông Quỳnh nói.
Nhằm nâng quy mô vốn để mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, mở rộng năng lực cho khách hàng vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành chứng khoán, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, ĐHCĐ VND đã thông qua phương án chào bán 220,43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.
Đợt chào bán dự kiến diễn ra trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022. HĐQT Công ty sẽ xác định mức giá chào bán dựa trên nguyên tắc cân đối giữa giá trị thị trường của cổ phiếu và không cao hơn 80% giá trị sổ sách của cổ phiếu tại thời điểm thực hiện thủ tục chào bán.
Năm 2021, VND đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng, trong đó, ước tính quý I đạt hơn 400 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 58,5 tỷ đồng).
HAP lùi thời gian họp đại hội
Lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ vào ngày 27/3, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco (HAP) vừa quyết định lùi đến ngày 15/5.
Lãnh đạo HAP chia sẻ lý do, theo khuyến cáo của UBNN TP Hải Phòng, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương lân cận, trong khi số lượng cổ đông của HAP lớn, nên việc đảm bảo an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
HAP hiện có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, Công ty dự kiến sẽ phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2, qua đó nâng vốn lên 1.650 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAP, tại ĐHCĐ năm nay, HAP sẽ trình xin ý kiến cổ đông thông qua việc đầu tư, xây dựng nhiều dự án trong giai đoạn 2021 - 2026, như đầu tư dự án Nhà máy điện gió công suất 100 MW tại Gia Lai; đầu tư dự án Công ty Chế biến nhà máy cà phê Sơn La công suất 15.000 tấn/năm (HAP sẽ sở hữu 70%); xây dựng Bệnh viện đa khoa Quốc tế Việt Hàn công suất 600 giường bệnh tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Hải Phòng; xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại huyện Thủy Nguyên, Hải phòng; xây dựng khu nhà ở xã hội trên diện tích 1,7 ha tại Hải Phòng, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại.
Hoạt động cốt lõi của HAP là sản xuất - kinh doanh sản phẩm giấy, tuy nhiên, trong những năm gần đây, doanh nghiệp dần dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tài chính.
Công ty hiện có 6 công ty con và 1 công ty liên kết, trong đó nắm giữ 51% cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green tại Hải Phòng (bệnh viện này hoạt động từ năm 2014, tổng vốn đầu tư 447 tỷ đồng).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp