Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán như thế nào?

Chứng khoán

15/03/2020 11:51

Ngày 9/3 được coi là ngày đen tối nhất của các nhà đầu tư cổ phiếu khi các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt giảm sâu. Nhà phân tích thị trường chứng khoán Volker Hellmeier nhận thấy sự khác biệt lớn giữa tình hình hiện tại và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo Sputnik, chứng khoán toàn cầu đã có một tuần lao dốc thê thảm, khi những thông tin về tác động tiềm tàng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các kênh nhiều rủi ro như chứng khoán.

Ngay phiên đầu tuần 9/3, cơ chế "tự động ngừng hoạt động" đã được kích hoạt khiến các giao dịch tại Phố Wall phải tạm dừng trong 15 phút vì chỉ số S&P 500 giảm 7% ngay sau khi mở cửa. Kết thúc phiên này, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều để mất hơn 7%. Đáng chú ý là chỉ số Dow Jones đã để mất 7,79% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008, khi thị trường biến động do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chứng khoán toàn cầu đã có một tuần lao dốc thê thảm.
Chứng khoán toàn cầu đã có một tuần lao dốc thê thảm.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 9/3 cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu, trong bối cảnh những lo ngại về thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đã dẫn đến hoạt động bán tháo một loạt các tài sản.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) tạo ra cơ chế “ngắt tự động” trên toàn thị trường chứng khoán nhằm ngăn chặn việc lặp lại kịch bản ngày 19/10/1987, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm đến 22,6%. Theo đó, hoạt động giao dịch trên tất cả các sàn chứng khoán của Mỹ sẽ bị ngắt trong 15 phút nếu chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% trước 15h25 theo giờ New York.

Đỉnh điểm của sự suy giảm trong tuần vừa qua là phiên 12/3, khi các thị trường chứng khoán tại Mỹ lẫn châu Âu đều tuột dốc do các biện pháp khẩn cấp mà các ngân hàng trung ương thực hiện đã không xoa dịu được lo ngại về những thiệt hại kinh tế gia tăng do dịch COVID-19 gây ra.

Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên mất 10% trong một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số S&P giảm 9,5% còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,4%. Về phía châu Âu, thị trường chứng khoán London lao dốc tới 10,9%, ghi dấu phiên mất điểm mạnh nhất kể từ năm 1987.

Thị trường Frankfurt chứng kiến ngày đen tối nhất kể từ năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ, với mức giảm hơn 12%. Thị trường chứng khoán Paris và Milan cũng mất điểm chưa từng có với mức giảm lần lượt là 12,3% và 16,9%.

Hiện tượng “ngắt giao dịch” cũng xuất hiện ở nhiều thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới. Volker Hellmeier, nhà phân tích hàng đầu của công ty Solvecon Invest GmbH, nhận định trong trường hợp với dịch COVID-19 có một “hiệu ứng phụ” (ngoại sinh) ảnh hưởng đến tình hình trên thị trường.

Theo ông, có sự khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng hiện tại với các cuộc khủng hoảng “nội sinh” (nghĩa là các cuộc khủng hoảng được kích thích bởi những vấn đề nảy sinh trong cấu trúc tài chính hoặc nền kinh tế). Đây cũng là khác biệt chính giữa tình hình hiện tại và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra sau năm 2007.

Ông Hellmeier giải thích, cần đánh giá lại cuộc khủng hoảng “ngoại sinh” lần này bởi cho đến nay không ai biết phải làm gì với dịch COVID-19. Dựa trên một số kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể thấy căng thẳng đã lắng xuống sau cuộc khủng hoảng kéo dài khoảng sáu tuần với số ca nhiễm mới và số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Điều này cũng có thể xảy ra với phần còn lại của thế giới. Tất nhiên, triển vọng này sẽ xảy ra với một độ trễ nhất định. Ông Hellmeier cho rằng, trong bảy ngày tới có thể xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên về việc giảm căng thẳng (số bệnh nhân hồi phục sẽ gia tăng).

Theo dự báo của ông, sau đó các thị trường sẽ phản ứng tương ứng. Ví dụ, vào ngày 4/3, tại Trung Quốc, các chỉ số CSI 300 và Shanghai Composite đã trở về mức cao trong năm.

Chuyên gia Hellmeier lưu ý, các nước trên thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường. Các biện pháp này nhằm mục đích duy trì các cấu trúc lành mạnh như cho vay có bảo lãnh của nhà nước, các ngân hàng phát triển cung cấp các khoản vay ngắn hạn.

Ngoài ra, cũng có những biện pháp hoạt động trong trung hạn, nghĩa là sẽ kéo dài hiệu quả sau khi bệnh dịch đã được khắc phục. Sự suy giảm sản xuất được ghi nhận trên toàn thế giới. Những thiệt hại này sẽ được bù đắp trong những tháng tới, trong nửa cuối năm 2020, cũng như vào năm 2021.

Điều này có nghĩa là tình hình trên thị trường, mặc dù khá phức tạp hiện nay do đại dịch COVID-19, sẽ cải thiện đáng kể sớm nhất là trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, việc lãi suất giảm sẽ là một trong số những yếu tố tích cực đối với nhà đầu tư cổ phiếu.

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement