Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Địa ốc đón tín hiệu vui cuối năm

Hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng được nới thêm, nhiều ngân hàng công bố giảm lãi vay, xem xét giải ngân cho dự án đủ điều kiện... là những tín hiệu vui cho thị trường địa ốc thời điểm cận Tết.

Dòng vốn bước đầu được khơi thông

Đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, thay vì giữ mức tăng trưởng không quá 14% cho cả năm 2022 như kế hoạch trước đó.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra sau đó, một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân tín dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng về cơ bản vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không làm tăng thêm lượng tiền. Lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định nới room vào thời điểm này xuất phát từ các yếu tố vĩ mô như chỉ số lạm phát, tỷ giá… đã tích cực hơn, chẳng hạn USD mất giá khoảng 3,5% trong tháng qua; lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt (dự báo năm nay chỉ khoảng 3,3%); áp lực tăng tỷ giá của Việt Nam đã giảm so với giai đoạn đầu năm...

Theo ông Lực, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tức là người dân bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của thị trường, bao gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất) vào dịp cuối năm rất lớn, nên việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu này, giúp duy trì cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm.

Bên cạnh đó, thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm lãi vay cũng là một tín hiệu vui cho thị trường. Ngân hàng đầu tiên “khơi mào” cho đợt giảm lãi suất này là Vietcombank khi thông báo giảm tới 1%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng trong tháng cuối năm.

Tương tự, Agribank công bố giảm lãi 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam. HDBank cũng giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay. Nhiều ngân hàng trong nước cũng như như nước ngoài khác cũng tham gia vào phong trào giảm lãi suất cho vay như SHB, VIB, ABBANK, Shinhan Việt Nam…

Động thái trên của các ngân hàng đã giải tỏa đáng kể áp lực cho doanh nghiệp và người dân về chi phí tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Theo đó, không gian tín dụng cho những ngày còn lại của năm 2022 đã “dễ thở” hơn khá nhiều so với giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11.

Địa ốc đón tín hiệu vui cuối năm - Ảnh 1.

Các chính sách hỗ trợ tín dụng sẽ mang lại cơ hội tiếp cận nhà ở cho lao động phổ thông.Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản được “thơm lây”

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%, như vậy so với kế hoạch ban đầu 14% thì vẫn còn dư địa 1,8% nữa, cộng thêm 1,5-2% tăng thêm thì room tín dụng toàn hệ thống sẽ có khoảng 3,3-3,8%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 330.000-400.000 tỷ đồng có thể được cho vay ra thị trường trong tháng cuối năm.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, mặc dù dòng vốn này chủ yếu phục vụ các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên,… nhưng bất động sản cũng sẽ được “thơm lây” khi niềm của nhà đầu tư được củng cố.

Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn cao điểm trước Tết Quý Mão 2023. Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh thị trường bất động sản, chủ đầu tư dự án và người mua nhà đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản do thiếu hoặc âm dòng tiền. Vì vậy, động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi vay của các ngân hàng cũng như xem xét những dự án bất động sản đủ điều kiện giải ngân là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của thị trường địa ốc nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho rằng, sự chững lại của thị trường xuất phát từ việc nhiều người mua nhà khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng cũng như tâm lý lo ngại lãi suất tăng cao. Chính vì vậy, việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ tác động mạnh đến quyết định của người mua nhà.

Theo ông Phi, nhu cầu mua nhà tại những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội là rất lớn, nhất là nhóm gia đình trẻ từ tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Tuy nhiên, đặc thù của nhóm này là thu nhập chưa cao, mức tích lũy chưa đủ lớn... để có thể mua nhà nên rất cần sự hỗ trợ, đặc biệt từ phía ngân hàng. Thế nên, động thái nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay hay cam kết không tăng lãi suất quá mạnh sau giai đoạn ưu đãi sẽ giúp người mua nhà sẽ tự tin hơn trong việc xuống tiền.

“Khi dòng vốn được khơi thông, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ phục hồi”, ông Phi nhấn mạnh.

Khảo sát về tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam do chuyên trang Batdongsan.com.vn thực hiện cho thấy, trong năm 2022, dù thị trường gặp nhiều khó khăn, khoảng 70% hộ gia đình có thu nhập từ 40-70 triệu đồng/ tháng vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm bất động sản. Khi được hỏi về dự định mua bất động sản, gần một nửa những người chưa có nhà cho biết sẽ mua trong 1 năm tới. Tỷ lệ này ở những người đã sở hữu từ 1 bất động sản trở lên còn cao hơn.

Thống kê trên phần nào cho thấy nhu cầu mua nhà, đất để ở cũng như đầu tư của người dân vẫn luôn ở mức cao. Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, nhóm khách hàng có nhu cầu thực vẫn đang chờ đợi, nhưng cũng có người muốn có nhà ở ngay nên bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua vào.

Theo ông Tuấn, hướng đến nhu cầu thực chính là “điểm tựa” để tháo gỡ khó khăn nên hầu hết chủ đầu tư dự án đều thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, điều chỉnh chính sách bán hàng, tập trung mọi nguồn lực vào việc đáp ứng nhu cầu này. Mặc dù vậy, để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần lực mua đủ lớn và muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp.

Ông Tuấn dự báo, trong ngắn hạn, giá bán một số phân khúc bất động sản ở một số khu vực có thể chững lại, thậm chí giảm xuống do một bộ phần người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản. Bởi vậy, đây là thời điểm đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền “bắt đáy”, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn trên thị trường.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D), DKRA Vietnam cho rằng, để “xốc” lại thị trường bất động sản cũng như hỗ trợ lao động phổ thông có cơ hội tiếp cận nhà ở, nên chăng Nhà nước cần tiếp tục có gói hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp bất động sản triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu ở đang rất lớn hiện nay.

“Trước đây, thời điểm năm 2014-2015, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước với lãi suất ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà đã có tác động rất tích cực đến an sinh xã hội khi giúp hàng chục nghìn cán bộ, viên chức, người lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà”, ông Thắng chia sẻ thêm.

VIỆT DŨNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement