16/11/2019 01:00
Di sản biến mất: Nhà đèn Chợ Quán thành khu phức hợp (bài 6)
Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện quan trọng nhất của Sài Gòn thời kỳ trước 1975. Năm 2008, khu vực Nhà đèn Chợ Quán rộng 6.5ha được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng trung tâm thương mại khách sạn căn hộ.
Di sản Nhà đèn có một lịch sử lâu đời hàng trăm năm, nó là một trong những biểu tượng của nền văn minh cơ giới xa xưa của ngành điện lực trong thời Pháp, là chứng nhân của một biến cố đau thương của đất nước, nạn đói năm 45.
Hình ảnh Nhà đèn Chợ Quán ngày xưa (Ảnh: Internet) |
Năm Ất Dậu (1945), vì than Hòn gai không thể chuyển vào trong Nam được nên Nhà đèn này đã phải dùng thóc để đốt lò chạy máy thay than. Trong khi đó, ngoài Bắc đã xảy ra nạn đói chết cả triệu người vì không có gạo ăn. Chính vì vậy, từ Nhà đèn này, đã từng là nơi bùng nổ những cuộc đấu tranh của công nhân đứng lên chống lại sự bóc lột của những ông chủ người Pháp.
Chợ Quán là tên một khu dân cư hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18. Dần dần khu vực này phát triển thành một phần của đô thị Sài Gòn, mở rộng từ cuối thế kỷ 19, địa danh Chợ Quán từ đó cũng gắn liền với hai công trình dân sinh, đó là Nhà đèn Chợ Quán và nhà thương Chợ Quán.
Hai cái “nhà” này nằm kế nhau trên bến Hàm Tử, nơi giáp ranh quận 1 và quận 5, quay mặt ra sông Bến Nghé - con sông thông thương giữa sông Sài Gòn, vùng Bến Nghé với vùng Chợ Lớn và đi về miền Tây.
Từ năm 1867 ở Sài Gòn, chủ yếu là khu trung tâm quận 1 hiện nay, đã có đèn thắp sáng đường phố bằng dầu dừa, nhưng chỉ gần ba năm sau, 1870, đã có đèn thắp sáng bằng dầu lửa và sử dụng liên tục mấy chục năm. Đến đầu thế kỷ 20, Nhà đèn được xây dựng, bắt đầu có đèn điện chiếu sáng từng khu vực rồi mở rộng sang vùng Chợ Lớn.
Nhà đèn Chợ Quán được xây dựng vào năm 1922 với công suất đủ cho nhu cầu của Sài Gòn - Chợ Lớn và một vùng lân cận như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, đồng thời từ lúc này này hầu hết các đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn đều được chiếu sáng bằng điện của công trình này nên tên gọi “Nhà đèn Chợ Quán” được nhiều người biết và nhớ cho đến nay.
Góc nhìn Nhà đèn trên cầu chữ Y nổi bật với những cột khói xám. |
Nhà đèn Chợ Quán nằm kế sông Bến Nghé, cũng như nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội nằm cạnh bờ đê sông Hồng. Nằm gần sông sẽ thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu chính của máy phát điện là than, sau này nhà máy có máy phát điện bằng dầu Diezen.
Tuy vậy, người Sài Gòn thời ấy dường như đã quen với hình ảnh những ống khói cao tuôn cột khói trắng rồi hòa trên bầu trời xanh. Nếu thấy từ phía Nhà đèn Chợ Quán những cột khói đen là dân Sài Gòn biết có sự cố, coi chừng mất điện.
Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện lớn và quan trọng nhất của Sài Gòn thời kỳ trước 1975. Lúc mới hoàn thành, nhà máy được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp và là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương.
Hơn một thế kỷ cung cấp điện cho Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng phụ cận không mệt mỏi, từ đường Nguyễn Biểu lên dốc Cầu Chữ Y, Nhà đèn Chợ Quán nằm bên tay trái với những cột ống khói cao, phun khói suốt ngày đêm - hình ảnh này đến nay đã không còn nữa.
Sau 1975, Nhà đèn hoạt động dưới sự quản lý của Công ty Điện lực TP.HCM. Đến đầu những năm 2000, Nhà đèn ngừng phát điện. Năm 2008, Nhà đèn chính thức bị "khai tử".
Khi đại lộ Võ Văn Kiệt đang xây dựng thì từ đầu năm 2008, khu vực Nhà đèn Chợ Quán rộng 6,5ha được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng trung tâm thương mại khách sạn căn hộ.
Cầu chữ Y hiện tại trên đại lộ Võ Văn Kiệt. |
Bên trái, khu Nhà đèn ngày xưa đã thay đổi rất nhiều. |
Nhìn lại, Nhà đèn Chợ Quán là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của đô thị Sài Gòn xưa. Bởi vậy trong ký ức đô thị của người Sài Gòn luôn hiện diện nguồn ánh sáng từ nhà đèn như một biểu tượng của nếp sống văn minh.
Bến Hàm Tử hôm nay. |
Vị trí Nhà đèn ngày xưa nay được rào chắn bởi các công trình dang dở, xung quanh là những khu chung cư và nhà dân. |
Đứng trên cầu chữ Y phóng tầm mắt về phía cũ, hình ảnh những cột ống khói xám xịt không còn nữa. Thay vào đó là nét lụp xụp của những mái nhà xưa, xen lẫn mấy tòa nhà cao hiện đại. |
Bài 7: Di sản biến mất: Vòng xoay Quách Thị Trang nhường chỗ cho metro
Tuy nhiên, trong tương lai, vòng xoay Quách Thị Trang sẽ trở thành một quãng trường hiện đại, tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang được khôi phục như ban đầu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp