07/06/2018 09:45
Di dời nhà trên kênh rạch, cải tạo chung cư cũ: Quận 4 táo bạo và... cất cánh (bài 2)
Đầu 1980, quận 4 được coi là vùng đất nhiều cái không: không đèn giao thông, không biệt thự, không công viên. Vậy mà giấc mơ đổi mới lại có thật".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, TP.HCM cho rằng, chỉnh trang đô thị là đòn bẩy để các quận trên địa bàn TP.HCM phát triển toàn diện. Nếu làm được việc này, thì hàng loạt những vấn đề khác sẽ được giải quyết.
Kinh tế theo đó mà phát triển, đời sống nhân dân được ổn định, an ninh trật tự sẽ được giữ vững. Trong những năm qua, do có sự đầu tư khá lớn của TP.HCM cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ quận, diện mạo quận 4 đã có bước những thay đổi đáng kể.
Nhìn quận 4 khang trang, hiện đại của ngày hôm nay, không mấy ai hình dung một quận chỉ cách trung tâm TP.HCM một con kênh Tàu Hủ-Bến Nghé lại có một thời không chỉ nổi tiếng với các khu nhà lụp xụp và những băng nhóm du đãng khét tiếng.
Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4. |
“Những năm cuối 1970 và đầu 1980, người dân TP.HCM gọi quận 4 là vùng đất của nhiều cái không là không đèn giao thông, không biệt thự, không công viên... Vậy mà giấc mơ đổi mới đã là giấc mơ có thật”, ông Quân nói.
P.V: Điều gì đã khiến diện mạo quận 4 thay đổi, mà như ông nói là giấc mơ có thật?
Ông Trần Hoàng Quân: Từ bao đời nay, quận 4 luôn được ví như một cù lao giữa lòng Sài Gòn bởi vị trí tiếp giáp 3 mặt sông nước của mình. Tuy nhiên, đó cũng chính là sự bất tiện cho các cư dân tại đây khi bị ngăn cách các quận xung quanh khiến cho nơi đây luôn trong tình trạng ngăn sông cách chợ.
Trước những năm 2000, giá trị thị trường bất động sản tại đây không được chú trọng và có phần trầm lắng hơn so với các khu vực khác của TP.HCM vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là từ sự cô lập hạ tầng đến dân trí.
Thế nhưng, khoảng 20 năm trở lại đây, liên tiếp những quy hoạch với những sự mở rộng, nâng cấp cũng như xây dựng mới các cây cầu và các con đường đã khiến cho bộ mặt đô thị của quận 4 thay đổi nhanh chóng.
Những cây cầu như Khánh Hội, Ông Lãnh, Calmette, Nguyễn Văn Cừ... đã kết nối quận 4 với các quận khu trung tâm cùng các quận huyện phía Nam TP.HCM. Điều này tạo nên sự thông thương thuận lợi, giúp cho sự phát triển nói chung và diện mạo đô thị của quận 4 có nhiều khởi sắc.
Nổi bật nhất của thị trường căn hộ quận 4 không thể không kể đến trục đường Bến Vân Đồn. Từ sau khi được chỉnh trang, mở rộng và cải tạo, con đường này đã trở này con đường đối trọng của quận 4 đối với đại lộ Võ Văn Kiệt phía bờ quận 1.
Với tầm nhìn đẹp về trung tâm TP.HCM cùng vị thế liền kề quận 1, quận 5, con đường Bến Vân Đồn đã thu hút rất nhiều đại gia bất động sản đến đầu tư với hàng loạt dự án khu căn hộ liên tiếp mọc lên dọc tuyến đường huyết mạch này.
Nếu như thời gian trước đây, những khu căn hộ chỉ tập trung nhiều phía cuối đường với cụm chung cư Khánh Hội, Vạn Đô, Tôn Thất Thuyết... thì hiện nay, những dự án phân khúc trung cao cấp lại tập trung dọc tuyến đường và có xu hướng dồn về phía khu trung tâm TP.HCM.
Cùng sự phát triển gần như kịch trần của đường Bến Vân Đồn, hai tuyến đường ven sông còn lại của quận 4 là trục đường Nguyễn Tất Thành và Tôn Thất Thuyết cũng đang được các chủ đầu tư săn lùng với việc triển khai các dự án lớn như Khu đô thị Vinhomes Khánh Hội, dự án Riva Park quận 4.
Việc cải tạo chung cư cũ, di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM đang có nguy cơ chậm tiến độ. Với quận 4 thì sao, thưa ông?
Hiện nay trên địa bàn quận 4 có một số chung cư cũ đã xuống cấp, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm định. Cụ thể, chung cư 6 bis Nguyễn Tất Thành ở phường 12 được Sở Xây dựng TP.HCM kiểm định có kết quả chất lượng công trình ở cấp D, thuộc diện hư hỏng nặng cần phải di dời, phá dỡ trong thời gian sớm nhất để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội được di dời để phục vụ nhu cầu chỉnh trang đô thị. |
Chung cư Trúc Giang ở phường 13, qua kiểm định cũng thuộc cấp D, khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, thuộc diện nguy hiểm. Hiện đã có 1 nhà đầu tư gửi hồ sơ tham gia đầu tư dự án và UBND quận 4 đang xem xét hồ sơ và điều kiện của nhà đầu tư.
Còn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch được thực hiện bằng vốn ngân sách gồm 3 dự án, quy mô 1.739 căn. Dự kiến, nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 2.501 tỷ đồng.
Về dự án xây dựng, mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bên bờ kênh Tẻ, kết hợp với giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch thì ngày 25/5/2017, UBND TP.HCM đã có văn bản số 3210/UBND-ĐT về thu hồi đất của tổ chức, cá nhân để xây dựng công viên cây xanh bờ kênh Tẻ giai đoạn 1 và 2 và mở rộng đường Tôn Thất Thuyết kết hợp giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch.
UBND quận 4 đã ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân và tổ chức. Dự kiến sẽ giải tỏa trắng 468 nhà và giải tỏa một phần 428 nhà với tổng mức đầu tư dự kiến 1.466 tỷ đồng. UBND TPHCM cũng đã có văn bản số 4869/UBND-ĐT ngày 3/8/2017 chấp thuận điều chỉnh hành lang bảo vệ bờ kênh Tẻ là 27m.
Về dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội giai đoạn 4, ngày 10/12/2015, UBND TP.HCM có văn bản số 7862/UBND-QLDA về lập đề xuất dự án Xây dựng hồ điều tiết nước tại công viên Khánh Hội theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng mức đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng.
UBND quận 4 đã thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, dự kiến sẽ giải tỏa toàn bộ 609 nhà dân và giải tỏa một phần 74 nhà dân.
Riêng dự án chỉnh trang rạch Cầu Dừa, ngày 7/4/2017, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 1590/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của quận 4 và UBND quận 4 đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến 230 tỷ đồng.
Quận 4 được xem là vùng đất kết nối các quận trung tâm TP.HCM với khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Vậy hạ tầng trên địa bàn quận sẽ được triển khai đầu tư như thế nào để đáp ứng nhu cầu này?
Về dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, ngày 30/11/2013, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6331/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tiểu khu cảng quận 4. Trong đó, đường Nguyễn Tất Thành được quy hoạch mở rộng với lộ giới từ 37-46m. Tiến độ xây dựng tuyến đường này nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ di dời hệ thống cảng Nhà Rồng-Khánh hội, cảng Tân Thuận và kêu gọi nhà đầu tư.
Hiện nay tiến độ di dời đạt khoảng 80%, kỳ vọng sẽ đảm bảo kế hoạch đề ra để bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền địa phương trong năm 2018. Khi tuyến đường Nguyễn Tất Thành được đầu tư mở rộng, đây sẽ là tuyến đường ve sông đẹp nhất TP.HCM, giúp kết nối khu trung tâm TP.HCM với các quận, huyện phía Nam TP.HCM và cả nhiều tỉnh thành Tây Nam bộ.
Sắp tới, quận 4 sẽ có thêm nhiều công trình hạ tầng được đưa vào sử dụng. |
Quận 4 đang thực hiện chương trình Chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông, giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Trong đó có các dự án phát triển hạ tầng giao thông như xây mới đường số 1, từ đường Tôn Thất Thuyết đến hẻm số 326 đường Đoàn Văn Bơ và dự kiến hoàn thành công trình vào tháng 4/2019.
Xây dựng mới đường D3, đoạn từ đường Tôn Thất Thuyết đến đường Nguyễn Tất Thành. Hiện tại, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang thẩm định dự án, dự kiến sẽ thu hồi đất vào tháng 10/2018 và dự kiến hoàn thành tháng 4/2020. Xây mới đường Vĩnh Hội nối dài, dự kiến khởi công vào tháng 1/2019 và hoàn thành tháng 9/2019.
Ngoài ra, với các dự án giao thông do TP.HCM thực hiện sẽ giúp tăng thêm sự kết nối giữa quận 4 và các quận lân cận. UBND quận 4 đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án như xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái.
Theo đó, quận 4 đề xuất phương án có 2 cầu kết nối quận 4 với quận 1 là cầu Trần Đình Xu và kết nối quận 4 với quận 7 là cầu Nguyễn Khoái. Thiết kế cả 2 cầu tương tự như cầu Calmette, gồm 4 làn xe trên cầu và có 2 nhánh kết nối từ đường Tôn Thất Thuyết lên cầu Nguyễn Khoái và 2 nhánh kết nối đường Bến Vân Đồn lên cầu Trần Đình Xu. Đoạn giữa của đường Nguyễn Khoái sẽ được thiết kế trên cao, dự kiến lộ giới mở rộng 30m.
Về dự án xây dựng đường trục Bắc-Nam, đoạn từ cầu Ông Lãnh đến cầu Kênh Tẻ và tuyến Tôn Đản-cầu Thủ Thiêm 3, UBND quận 4 đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM góp ý quy mô, hướng tuyến của dự án.
Thống nhất chọn phương án gồm 1 cầu vượt trên đường Tôn Đản, 1 nhánh cầu rẽ phải, 2 làn xe từ cầu Thủ Thiêm 3 vào đường ven sông kết nối vào đường Nguyễn Tất Thành, 1 nhánh cầu từ đường Nguyễn Tất Thành ra đường ven sông kết nối lên cầu Thủ Thiêm 3.
Đoạn còn lại trên đường Tôn Đản xây dựng đường trên cao suốt tuyến và kết nối vào đường trên cao của dự án đường trục Bắc Nam. Đồng thời, phương án thiết kế giao thông phải tuân thủ theo quy hoạch lộ giới, hướng tuyến đã được duyệt nhằm hạn chế sự xáo trộn trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn quận 4.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp