23/08/2017 11:47
Đến năm 2020, hơn 400 doanh nghiệp triệu USD của Nhà nước buộc phải thoái vốn
Từ nay đến hết năm 2020, 406 doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc các bộ ngành, UBND 63 tỉnh thành phải hoàn tất việc thoái vốn. Trong đó, có hàng loạt tên tuổi hấp dẫn nhà đầu tư và hứa hẹn mang về cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ USD.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký quyết định 1232, phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, sẽ có 406 doanh nghiệp buộc phải thực hiện thoái vốn.
Trong năm 2017 sẽ có 135 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Cụ thể, Bộ Công Thương có một doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải sáu doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai doanh nghiệp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội một doanh nghiệp. Bộ Tài chính một doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên Môi trường hai doanh nghiệp. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ba doanh nghiệp. Bộ Y tế một doanh nghiệp. Bộ Xây dựng tám doanh nghiệp.
Ngoài ra, danh sách thoái vốn năm 2017 còn có Đài Truyền hình Việt Nam một doanh nghiệp . Hà Nội 17 doanh nghiệp, Hải Phòng hai doanh nghiệp. Đà Nẵng hai doanh nghiệp. Bắc Giang tám doanh nghiệp. Bình Định chín doanh nghiệp…
Những cái tên đình đám sẽ phải cổ phần hóa trong năm 2017 là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Mía đường II, Công ty Cổ phần in Tài chính, Công ty Cổ phần in Trần Phú, Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontuorist…
Năm 2018 tiếp tục có 181 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Những cái tên đáng chú ý là Petrolimex, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần phim Giải phóng, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu…
Cũng trong năm 2018, sẽ có 55 doanh nghiệp trực thuộc các bộ ngành phải chuyển về SCIC và thực hiện thoái vốn. Cụ thể là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam, Cienco 5, Cienco 8, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam…
Vào năm 2019 có 62 doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Trong đó, có những cái tên đình đám là Vietnam Airlines, Tổng công ty xây lắp Việt Nam, Tổng công ty Viglacera… Năm 2020 có 28 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.
Quyết định này cũng nêu rõ, việc thoái vốn của công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP.HCM, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, bệnh viện Giao thông vận tải, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện theo quyết định riêng.
Mục tiêu của đợt thoái vốn từ năm 2017-202 là để đẩy nhanh tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp