07/05/2024 16:29
Đến cuối tháng 4, Việt Nam có hơn 7,7 triệu tài khoản chứng khoán
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam cho biết, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 4 đạt hơn 7,7 triệu đơn vị.
VSDC thông tin, tính đến hết tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt hơn 7,7 triệu đơn vị (xấp xỉ 7,7% dân số), tăng 110.622 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 3. Mức tăng này thấp hơn 32% so với tháng 3 (gần 164.000 tài khoản).
Nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 139 tài khoản lên 16.670 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 4, cao hơn so với 97 tài khoản của tháng 3.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng mở mới 242 tài khoản trong tháng 4.
Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 4 đạt hơn 7,7 triệu đơn vị. Dù VN-Index điều chỉnh, thậm chí có tuần giao dịch 15-19/4 “đáng quên” với cú rơi hơn 100 điểm, nhà đầu tư vẫn mở mới hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán.
Tháng 4, thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy, VN-Index giảm 5,81%. Thanh khoản thị trường cổ phiếu bình quân đạt hơn 21.374 tỷ đồng/ngày, giảm 19,33% so với tháng trước. Hầu hết các nhóm, ngành cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính và xây dựng có mức giảm mạnh nhất (9 – 10%) chỉ trong 1 tháng.
Bước sang tháng 5, VN-Index đang giữ mạch tăng liên tiếp 4 phiên, tính từ vùng 1.170 điểm, nhịp hồi phục hiện nay đã tăng hơn 50 điểm, khoảng 1/2 điểm số mất đi từ phiên ngày 15/4. Thị trường ghi nhận thông tin hỗ trợ tích cực từ số liệu vĩ mô trong nước tháng 4, xu hướng hồi phục được giữ vững, theo TPO.
Một số khía cạnh của nền kinh tế có chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công. Diễn biến này củng cố kỳ vọng cho đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, tiếp tục cải thiện trong những quý tới đây.
Bên cạnh đó, diễn biến hồi phục của VN-Index được hỗ trợ nhiều bởi nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 1 khả quan. Thống kê từ FiinTrade, đến nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 1, nhóm bán lẻ tăng trưởng mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế, theo Vneconomy.
Với mức tăng trưởng trung bình mỗi tháng 145.000 tài khoản mở mới như thời điểm từ năm 2023 đến nay thì mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2025 cả nước có 9 triệu tài khoản chứng khoán sớm có thể đạt được.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp