17/03/2021 06:53
Đến 2030, đường sắt đảm nhiệm 4,4% thị phần vận chuyển hành khách
Đây là mục tiêu đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải khẳng định sự cần thiết phải đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Cần thiết khẳng định đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chiều nay (16/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến, đánh giá về kết quả nghiên cứu lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá về công tác thực hiện quy hoạch thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, lĩnh vực đường sắt hầu như không có gì thay đổi so với quy hoạch, trong khi các lĩnh vực khác như đường bộ, hàng không phát triển rất nhanh. Vì vậy, trong quy hoạch lần này, cần đưa ra các phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân cốt lõi, để rút kinh nghiệm trong thực hiện quy hoạch tới.
“Về mạng lưới đường sắt, quy hoạch lần này gần như không thay đổi so với các quy hoạch trước vì các tuyến định hướng phát triển trước đây đã đưa hết vào rồi. Nhưng thực hiện không đạt yêu cầu. Do đó, tại quy hoạch tới cần tập trung giải quyết những nút thắt, những nội dung để làm sao khai thác tốt, hiệu quả”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng lưu ý quy hoạch lần này phải khẳng định sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó phải phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên các hành lang, cự ly vận chuyển. Từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn.
Cùng đó, nghiên cứu, hoạnh định các ga đường sắt có thể kết nối với cảng biển lớn để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, có thể bằng đường sắt hoặc bằng đường bộ.
Đối với hơn 290 nhà ga đường sắt quốc gia hiện hữu, Bộ trưởng nhấn mạnh, sẽ rất khó khăn để được cấp vốn đầu tư cải tạo cho khang trang, hiện đại. Do đó, cần đưa vào Quy hoạch đề xuất dự án hoặc cơ chế thu hút đầu tư ngoài đầu tư công để hiện đại hóa nhà ga. “Khi đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư, đảm bảo nhà ga đảm bảo tiện nghi, thiết bị theo đúng yêu cầu của đường sắt, còn họ sẽ được kinh doanh, khai thác những phần khác. Ví dụ họ đầu tư một nhà ga đồng bộ cho đường sắt, đường sắt khai thác toàn bộ công năng, còn họ chỉ khai thác phần thương mại như trung tâm thương mại…”, Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong quy hoạch cần xác định rõ vị trí, vai trò của đường sắt ở đâu trong phát triển 5 lĩnh vực GTVT, có phát triển đột phá hay không. Từ đó xác định hướng ưu tiên trong thời kỳ 2021-2030 như ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt hiện có, tập trung đầu tư đường sắt kết nối, đường sắt các khu đầu mối Hà Nội, TP. HCM đi các tỉnh, đường sắt kết nối quốc tế…
Về cơ chế thực hiện, cần đẩy mạnh giải pháp về cơ chế đầu tư, khai thác hạ tầng đường sắt ngoài Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, để quản lý hiệu quả.
“Chúng ta đang ở khoảng những năm 70 thế kỉ 20 của đường sắt các nước khác. Do đó, phải nghiên cứu kĩ cơ chế đầu tư, mô hình trong lĩnh vực đường sắt”, Thứ trưởng Đông nói.
Tư vấn lập quy hoạch đưa ra mục tiêu đến 2030 vận tải đường sắt đạt 4,4% thị phần về khách. Ảnh: minh họa
Mục tiêu đến 2030 vận tải đường sắt đạt 4,4% thị phần về khách
Trước đó, Liên danh tư vấn lập quy hoạch Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT đã báo cáo đánh giá các nội dung chính của Quy hoạch.
Đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước, Tư vấn cho rằng, các mục tiêu đặt ra không đạt được theo quy hoạch. Cụ thể, về vận tải, quy hoạch đặt ra đến năm 2019 đạt 1-2% về khách và 1-3% về hàng; tuy nhiên chỉ thực hiện được 0,17% về khách và 0,24% về hàng.
Về kết cấu hạ tầng, vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt không đảm bảo yêu cầu. Giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 1,8% toàn ngành, trong đó đường sắt quốc gia được trung bình 527 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2016-2020, con số này đã tăng lên, với tỷ lệ 6,8% vốn toàn ngành, trong đó đường sắt quốc gia trung bình 3.730 tỷ đồng/năm, nhưng vẫn thấp.
Về đường sắt hiện có, mới cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn được 2/7 tuyến là Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - TP. HCM. Đối với đường sắt xây dựng mới, chưa hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; chưa xây dựng 3 tuyến vành đai theo quy hoạch và nghiên cứu được 4/6 tuyến.
Mặt khác, trong quản lý quy hoạch, chưa thực hiện cắm mốc chỉ giới đất dành cho đường sắt nên khó khăn cho công tác quản lý; trong khi đó các địa phương quản lý đất danhg cho đường sắt lại chưa theo quy định.
Trong dự thảo quy hoạch đang xây dựng, Tư vấn đưa ra các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2030 như: khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, thị phần khoảng 0,3%; hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,4%.
Cùng đó, về hạ tầng, đầu tư nâng cấp, từng bước đưa vào cấp kĩ thuật các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM. Xây dựng các tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế chính; triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có nhu cầu vận tải lớn…
Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt trong khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp