20/12/2017 07:11
Đề xuất tuyển sinh lớp 6 trong... khuôn khổ
Việc cấm thi cũng làm phát sinh vấn đề, một số trường lấy tiêu chí phụ là tiêu chí xét tuyển dẫn đến có quá nhiều cuộc thi “bên lề”.
Thay bằng chủ trương “cứng” cấm thi tuyển đầu cấp, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (đang lấy ý kiến), Bộ GDĐT đề xuất cho các trường “hot” có thể tuyển sinh trong... khuôn khổ.
Chỉ trường đặc thù mới được thi tuyển
Thay vì chỉ quy định “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển” như thông tư hiện hành thì dự thảo bổ sung thêm: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện phương pháp tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Dự thảo cũng yêu cầu, việc tuyển sinh THCS phải đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Kèm theo đó, quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên cũng được bổ sung bắt buộc: Học sinh được tuyển thẳng phải đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải chỉ đạt giải cấp tỉnh cũng được tuyển thẳng như hiện nay.
Bộ GDĐT đề xuất cho các trường “hot” có thể tuyển sinh lớp 6 với đề án thi phù hợp. |
Giải thích về những đề xuất thay đổi này, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT ban hành năm 2014 có quy định về việc cấm tuyển sinh đầu cấp đã tạo điều kiện cho các sở và cơ sở tự chủ tuyển sinh rất nhiều. Ưu điểm nổi bật nhất là các trường có số tuyển bằng chỉ tiêu thì không cần tổ chức thi tốn kém, học sinh cũng không phải trải qua một kỳ thi không cần thiết.
“Tuy nhiên, ở cấp THCS, quy định này đã nảy sinh một số vấn đề. Một số trường tạm gọi là có dịch vụ chất lượng cao có số học sinh đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu họ sẽ tuyển. Vậy những trường đó sẽ phải tuyển sinh thế nào nếu không được phép tổ chức thi?” - ông Chuẩn lý giải.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Bộ GDĐT đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nút thắt này, tuy nhiên nhiều trường vẫn cho biết, nếu không cho thi thì không tuyển sinh được. Việc cấm thi cũng làm phát sinh vấn đề, một số trường lấy tiêu chí phụ là tiêu chí xét tuyển dẫn đến có quá nhiều cuộc thi “bên lề” được tổ chức.
Ông Chuẩn cho biết thêm, việc đề xuất vẫn trên nguyên tắc cơ bản là phổ cập cấp THCS không thi tuyển đầu vào để đảm bảo quyền lợi cho học sinh được học ngay trên địa bàn cho tất cả học sinh trúng tuyển. Những trường hợp “cá biệt” trong diện phải thi sẽ phải xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được làm.
Dạy thêm, học thêm có tái diễn?
Trong đề án của mình, Bộ khuyến khích các đơn vị có tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận với các kiến thức tổng hợp”.Ông Vũ Đình Chuẩn |
Đề xuất của Bộ GDĐT đã khiến lãnh đạo nhiều trường “top”... thở phào vì nút thắt trong xét tuyển hàng năm đã có giải pháp tháo gỡ.
Những năm gần đây, cứ đến mùa tuyển sinh là các trường "hot" trên địa bàn Hà Nội như: chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Marie Curie... lại “rối như canh hẹ”. Lý do là số lượng hồ sơ quá nhiều lại không thể thi tuyển, các trường không biết làm cách nào để lọc hồ sơ.
Cá biệt như trường Lương Thế Vinh, mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, mỗi năm trường nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả 2 môn toán và tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Các trường khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Chính vì vậy, sau khi Bộ GDĐT đề xuất cho trường "top" thi tuyển, lãnh đạo các trường này đã hết sức vui mừng. Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, cho biết: “Nếu quy định cứng này được xóa bỏ thì thực sự đã gỡ khó cho các trường”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục, các phụ huynh lại lo ngại, con em họ sẽ lại bước vào một cuộc đua mới mang tên... dạy thêm, học thêm.
Chị Hoàng Thị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, 2 năm trước, khi con trai lớn vào cấp 2, vì sức học của con khá tốt nên chị gửi hồ sơ xét tuyển cho con vào trường Lương Thế Vinh: “Học bạ của con rất... “đẹp”, hầu như toàn điểm 10, tuy nhiên, con không có thành tích tham gia các cuộc thi cấp quận, huyện nên trượt tiêu chí phụ, bị loại khỏi danh sách. Cả nhà buồn lắm, con cũng rất buồn. Nếu như trường thi tuyển, mình tin chắc chắn con sẽ trúng" - chị Liên cho biết.
Nếu không còn thi tuyển, chị Liên cho rằng, các học sinh sẽ phải nỗ lực học nhiều hơn, ôn luyện nhiều hơn nhưng kết quả sẽ công bằng hơn.
“Trước năm 2014, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra phổ biến. Giáo viên ở các trường điểm, trường "top" mở lớp dạy thêm, ôn luyện tại nhà, học sinh tiểu học rời khỏi trường là đến nhà cô ôn luyện, rất áp lực. Chính vì điều đó mà Bộ GDĐT đã có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Nếu bỏ quy định này, e rằng tình trạng trên lại tái diễn" - một chuyên gia cho biết.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn thông tin, các trường "top" sẽ phải có đề án thi phù hợp, được duyệt mới triển khai. "Trong đề án của mình, Bộ khuyến khích các đơn vị có tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận với các kiến thức tổng hợp, thì những trường hợp về dạy thêm, học thêm sẽ không “có cửa” - ông Chuẩn nói.
Advertisement
Advertisement