29/06/2020 13:12
Đề xuất tước giấy phép lái xe đối với 11 lỗi vi phạm
Mới đây, Bộ Công an vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Trong dự thảo, có đề xuất quy định 11 lỗi vi phạm bị tước giấy phép lái xe (GPLX), điển hình như hành vi trong cơ thể lái xe có chất ma túy, nồng độ cồn, lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lạng lách, đua xe trái phép…
CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, 11 hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe gồm:
- Trong cơ thể có chất ma túy, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
- Mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào đường cao tốc (trừ các xe phục vụ, quản lý bảo trì đường cao tốc);
- Đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
- Lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép;
- Ô tô chạy quá tốc độ trên 35 km/h, môtô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 20 km/h;
- Ô tô chở khách, ôtô chở người (trừ xe buýt) chở quá số người vượt trên 100% số người được phép chở;
- Ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 150%;
- Ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%;
- Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn của xe;
- Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Bộ Công an còn đề xuất trừ điểm đối với 28 lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh minh họa. |
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX, đồng thời, cần tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do 2 lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa.
Theo kinh nghiệm của một số nước có hệ số ATGT cao như Singapore, Nhật Bản, việc đào tạo do cơ quan quản lý về giao thông chịu trách nhiệm, còn sát hạch thuộc về lực lượng cảnh sát vì cảnh sát sẽ nắm bắt được quá trình hoạt động của tài xế như thói quen, các lỗi vi phạm thường gặp, đặc điểm giao thông của các vùng, miền.
Bên cạnh việc đề xuất tước bằng lái đối với 11 lỗi vi phạm nguy cơ cao dẫn đến TNGT, trong Dự thảo, Bộ Công an còn đề xuất trừ điểm đối với 28 lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện, theo báo PLVN.
Theo đó, mỗi bằng lái sẽ có 12 điểm tương ứng với 12 tháng, đây là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này. Những điểm này không ghi trên bằng lái mà lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt.
Trong trường hợp bị trừ hết điểm, bằng lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới thì phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng.
Theo Cục CSGT, việc trừ điểm bằng lái đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Quy định này có tính nhân văn hơn, thuận lợi hơn vì mang tính cảnh báo với tài xế. Cảnh báo 4 lần liên tiếp thì bị tước bằng lái.
Trước đó, năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm bằng biện pháp bấm lỗ. Theo đó, nếu bằng lái bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi bằng lái; nếu bị đánh dấu 3 lần, bằng lái hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.
Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm do không được liên thông với biên bản và quyết định xử phạt.
Advertisement
Advertisement