Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu 100.000 tấn ở ĐBSCL

Chính sách - Hạ tầng

13/03/2021 10:49

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn để phát triển khu vực ĐBSCL.

Sáng 13/3, tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 120 trên lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định giao thông được mệnh danh là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế.

Do đó, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển giao thông vận tải (GTVT) của khu vực ĐBSCL.

Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất, điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và  đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.

Đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu 100 nghìn tấn ở ĐBSCL - 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo. Ảnh: VGP/Qiuang Hiếu

Trong ba năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai hai nhiệm vụ này.

Về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.

“Một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vùng ĐBSCL cần phải 1 cảng nước sâu, là một cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng thông qua 1 cảng của khu vực.

Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn. Chúng tôi sẽ xã hội hoá cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cho rằng khi có cảng hàng không Cần Thơ và cảng biển này thì khu vực ĐBSCL sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.

Bộ GTVT đã trực tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng. Ba năm qua chúng ta đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm DBSCL (nối Cao Lãnh – Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ  được hoàn thành trong năm 2022.

Đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu 100 nghìn tấn ở ĐBSCL - 2

Cầu Vàm Cống.

Ngoài ra, Bộ GTVT có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau - Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng.

"Kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sẽ đầu tư khoảng 57 nghìn tỷ, so với nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29 nghìn tỷ. Mong rằng các tỉnh cùng với Bộ sẽ cố gắng thực hiện tốt kế hoạch để đến 2025, GTVT của vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững", ông Thể nói.

Chuyển hướng thuận thiên đúng hướng, hiệu quả

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Bộ đã phối hợp với 13 tỉnh thành ĐBSCL xây dựng xong các đề án, chương trình cho các lĩnh vực này, được Thủ tướng phê chuẩn, đang tập trung thực hiện.

Ngoài các nội dung trong Báo cáo, Bộ trưởng phân tích thêm một số các yếu tố thực tế mà ĐBSCL phải đối mặt. Từ đó, Nghị quyết 120 nêu rõ tinh thần thuận thiên để tổ chức đời sống và sản xuất; biến nguy thành cơ cho phát triển, tập trung các nguồn lực từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Bộ trưởng khẳng định, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực, nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì vừa qua để thích ứng với biến đổi khí hậu chúng ta phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo".

Trước Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860 nghìn ha thủy sản, 385 nghìn ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết, diện tích trồng trái cây tăng lên 450 nghìn ha, thủy sản đã lên trên 900 nghìn ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích lúa 3 vụ cũng giảm.

Bộ trưởng nhắc tới con số, năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ, cấp doanh nghiệp chuyển động, 13 tỉnh thành chỉ đạo rất quyết liệt.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về nguồn lực nhưng Chính phủ đã tập trung cao độ, như bố trí 10 nghìn tỷ đồng để xử lý 119km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.

Về thủy lợi, đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản trên cơ sở hệ thống thủy lợi được chăm lo. Với 28 nghìn tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương.

“Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cực kỳ quyết liệt, chưa có bao giờ bước vào mùa khô mà Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý như nhiệm kỳ này. Đặc biệt, 13 tỉnh, bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia hiệu quả vào  Nghị quyết”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, thách thức tới đây sẽ còn gian nan hơn. Bộ trưởng kiến nghị sắp tới, cần cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ cho đồng bằng. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 một cách hiệu quả.  

Tô Tiến
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement