07/10/2019 12:20
Đề xuất ngân hàng hỗ trợ nhà đầu tư quốc lộ 91
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất 5 phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí T2 trên quốc lộ (QL) 91 đoạn Km14+000-Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT. Trong đó ưu tiên phương án làm việc với các ngân hàng cho nhà đầu tư điều chỉnh lại cơ cấu trả nợ gốc và giữ nguyên nhóm nợ.
Cụ thể, phương án 1 mà đơn vị này đưa ra là không thu phí trạm T2 đến khi tuyến tránh thành phố Long Xuyên đi vào hoạt động sẽ tổ chức thu phí trở lại.
Ưu điểm của phương án này sẽ giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải An Giang và các chủ phương tiện lưu thông theo hướng đi từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại. Tuy nhiên, nhược điểm là trong thời gian không tổ chức thu phí tại trạm thu phí T2, đợi tuyến tránh thành phố Long Xuyên hoàn thành mới tổ chức thu phí lại, sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng tài trợ vốn của dự án, phương án tài chính bị phá vỡ, dự án không khả thi.
Phương án 2 là giữ nguyên trạm thu phí T2 và tiếp tục thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Với phương án này là sẽ tổ chức thu phí lại được ngay, số thu phí cơ bản đảm bảo so với phương án tài chính, thời gian thu phí không bị kéo dài.
Phương án này có nhược điểm là chưa xử lý triệt để bất cập đối với trạm thu phí T2. Chủ các phương tiện đi theo hướng từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại, nhất là đối với các phương tiện không nằm trong diện được miễn giảm, sử dụng khoảng 1,2km đường BOT nhưng phải trả tiền dịch vụ cho cả dự án có thể không đồng tình, dẫn đến phản đối, gây rối tại trạm thu phí T2. Từ đó, việc giữ ổn định trong tổ chức thu phí gặp nhiều khó khăn.
Phương án 3 được đề xuất là di dời trạm thu phí T2 về phía TP. Cần Thơ qua ngã ba Lộ Tẻ (giao QL80 với QL91) tại vị trí khoảng Km49 100 QL91. Phương án này là sẽ giải quyết căn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải An Giang và các chủ phương tiện lưu thông theo hướng đi từ QL80 (hướng từ tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp qua cầu Vàm Cống) qua trạm thu phí T2 về tỉnh An Giang và ngược lại (đi quãng đường ngắn) do không qua trạm thu phí (tại vị trí mới) và không phải trả tiền.
Trong trường hợp phải di dời trạm thu phí T2, phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, việc phải di dời trạm thu phí T2 sẽ phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng trạm tại vị trí mới khoảng 38 tỷ đồng làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và kéo dài thời gian hoàn vốn. Thời gian xây trạm phí mới cũng mất gần 1 năm.
Phương án 4 là giữ nguyên trạm thu phí T2 và bổ sung cổng kiểm soát tại vị trí Km49 100. Phương án này khiến thời gian thu phí hoàn vốn của dự án bị kéo dài do bổ sung chi phí đầu tư tại cổng kiểm soát vị trí km49 100. Doanh thu thu phí thấp làm ảnh hưởng đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, nhà đầu tư có nguy cơ bị chuyển thành nhóm nợ xấu. Phương án tài chính bị phá vỡ, dự án không khả thi.
Phương án 5 là không thu phí trạm thu phí T2 và Nhà nước hỗ trợ khoảng 850 tỷ đồng. Điểm khó nhất của phương án này chính là việc Nhà nước phải bố trí ngân sách để hỗ trợ cho dự án. Hiện nay, chưa có dự án nào được thực hiện theo hình thức này (nếu được thực hiện có thể sẽ gây hiệu ứng đối với các dự án khác).
Qua phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án đề xuất để lựa chọn phương án tối ưu giải quyết bất cập của dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam cho nhà đầu tư điều chỉnh lại cơ cấu trả nợ gốc và giữ nguyên nhóm nợ cho nhà đầu tư.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp