14/05/2024 11:24
Đề xuất mở rộng nhập khẩu, hạ nhiệt giá vàng
Theo các chuyên gia, việc quản lý thị trường vàng đang thiếu chuyên nghiệp và lộn xộn khi để nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Cần sớm tổ chức sàn giao dịch vàng và nhập khẩu vàng để hạ nhiệt giá.
Trong phiên sáng 13/5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá đến 5 lần. Đến khoảng 11h, doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 88 - 90,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Trước đó, mở cửa phiên dịch, giá vàng giảm mạnh còn 85,5 - 88,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Vàng Phú Quý 6 lần điều chỉnh giá vàng. Thậm chí cuối phiên giao dịch buổi sáng còn điều chỉnh tăng lên mức 87,5 - 89 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với mức đỉnh lập vào ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã giảm gần 2 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn chỉ giảm nhẹ còn quanh mốc 76 triệu đồng/lượng.
Sáng qua, dòng người vẫn đến các cửa hàng để xếp hàng mua bán vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhưng các cửa hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 lượng. Đến 10h30, hai cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông thông báo ngừng nhận khách mua. Nhân viên thông báo chỉ nhận khách giao dịch đã xếp hàng trong cửa hàng, những ai đang đợi ngoài cửa hàng phải quay về.
Cùng với giá vàng tăng vọt, các cửa hàng thường xuyên hạn chế số lượng vàng mua của người dân. Có những ngày cao điểm, các cửa hàng giới hạn chỉ bán tối đa 5 chỉ vàng/người. Với khách muốn mua nhiều hơn, phải chấp nhận giấy hẹn sau 7 - 15 ngày mới được giao vàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Ngọc Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mất tiền mua vàng nhưng phải hồi hộp chờ đợi không biết bao giờ cửa hàng mở lại. Rồi khi mở lại, khách phải mất cả tiếng đồng hồ xếp hàng, chưa kể bị giới hạn số lượng mua. Kiểu bán vàng của các cửa hàng như thế này tạo cảm giác cho người dân về sự khan hiếm, khó mua”, anh Trung nói.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, trước phiên đấu thầu ngày 14/5, các doanh nghiệp đua nhau bán ra kéo theo giá vàng trong phiên giao dịch buổi sáng 13/5 liên tục điều chỉnh tăng - giảm bất thường. Với giá cọc 88 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp bán ra 89 - 90 triệu đồng/lượng vẫn có lãi, theo TPO.
Ông Phương khẳng định, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt nhằm tăng cung ra thị trường. Hiện mới có 2 phiên đấu thầu thành công nhưng lượng cung vàng ra thị trường chưa đủ hạ nhiệt. Thậm chí, sau đấu thầu, giá có xu hướng tăng mạnh. Sau nhiều lần chỉ đạo, phiên đấu thầu ngày 14/5 được kỳ vọng sẽ làm hạ nhiệt giá vàng. Mặc dù giá cọc lên tới 88 triệu đồng/lượng nhưng ông Phương đánh giá, các đơn vị tham gia đấu thầu chỉ đấu giá bằng đúng giá này. Với giá thế giới tiếp tục ổn định ở mốc 2.350 USD/ounce, giá vàng miếng trong tuần này sau đấu giá 1- 2 phiên sẽ hạ nhiệt còn 85 triệu đồng/lượng.
“Mức giá này vẫn còn cao, khi lượng cung vàng càng nhiều qua đấu thầu có thể khiến giá tối đa về mốc 80 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới khoảng 7 - 8 triệu đồng/lượng”, ông Phương nói.
Về lâu dài, ông Phương cho rằng, nên sửa Nghị định 24 và xóa bỏ độc quyền. Theo đó, cho phép các doanh nghiệp được tự do sản xuất vàng miếng và người dân có nhiều lựa chọn hơn. “Hiện nay, việc quản lý thị trường vàng thiếu chuyên nghiệp và lộn xộn. Đợi đến khi giá biến động mạnh, cơ quan quản lý mới vào cuộc. Thực tế, thị trường vàng có nhiều lần biến động và xảy ra rất nhiều lần trong năm nay chứ không phải mới đây”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, giải pháp bình ổn trước mắt là đi thanh tra các tiệm vàng dẫn đến sau khi thanh tra, các tiệm vàng tạm đóng cửa hoặc bán ít hơn so với ngày thường, khiến nhu cầu trong nước vốn cao lại càng gặp khó về nguồn cung.
Theo ông Đức, khi thị trường có biến động lớn, cơ quan quản lý nên ngồi cùng với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin và cùng nhau đưa ra giải pháp. Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt thì chỉ là “lấy dầu chữa cháy”. Về giải pháp cho thị trường vàng thời điểm này, ông Đức cho rằng, nên mở rộng nhập khẩu vàng.
TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nguyên Phó Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, giải pháp tổ chức sàn giao dịch vàng cũng cần phải sớm thực hiện. Ở các nước khi mua bán, họ chỉ nhận chứng chỉ vàng chứ không cần phải nhận vàng thật, từ đó cũng không cần phải nhập khẩu vàng nhiều. Thứ nữa, người mua cũng được lợi vì không phải bảo quản; lại rất thuận lợi trong việc mua bán. Nếu sàn này liên thông với thế giới sẽ giảm ngay sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế.
Đồng thời, sàn giao dịch sẽ giúp thị trường vàng minh bạch hơn, không còn xin - cho, độc quyền, không còn tiêu cực nữa. Đó là một trong những giải pháp cần phải làm ngay từ bây giờ. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, để khắc phục tình trạng găm giữ, tạo ra những cơn sốt nóng để hưởng lợi.
Cũng có người đặt vấn đề, có nên cho nhập khẩu vàng không, có nên đưa vàng ra thị trường không? Vì lo sợ đưa ra lúc này dẫn đến nguy cơ vàng hóa nền kinh tế nên cứ lấn cấn, thậm chí đề nghị chưa sửa Nghị định 24. Tôi cho điều đó cũng cần phải xem lại và phải tổng kết để đảm bảo được các mục tiêu đề ra.
Để chống vàng hóa, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, vận hành lành mạnh. Lúc đó có cho nhập khẩu vàng, mở cửa không giới hạn, dân cũng không mua, và các nhà kinh doanh sẽ không nhập khẩu. Do vậy, cái gốc của chống vàng hóa là ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với tuyên truyền, tạo ra cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác tốt hơn vàng. Vì vậy, không lo vàng hóa, cũng không nên hành chính hóa bằng cách bóp nghẹt quá mức thị trường trong xuất nhập khẩu vàng.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement