11/07/2020 18:55
Đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kẹo kéo, có đúng luật?
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hát karaoke làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h đến 6h sáng hôm sau sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 9/7, một trong những vấn đề "nóng" được đư ra bàn luận là sự ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động karaoke loa kẹo kéo, ca nhạc, trong các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân, theo VTV.vn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho hay đã tiếp nhận nhiều ý kiến bức xúc của cử tri về vấn đề này. Tuy nhiên, UBND các phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn nên nhiều hộ dân đã bị tra tấn.
TP.HCM đề nghị chấm dứt hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Ảnh minh họa |
Bà Châu cho rằng hiện karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân.
Do đó, Ủy ban MTTQ TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các cấp thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để vấn nạn hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Đồng thời đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để từ đó tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Sau cuộc họp của HĐND TP.HCM, đề nghị chấm dứt hát Karaoke bằng loa kéo đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Bài đăng trên Facebook Trung tâm tin tức VTV24, trực thuộc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), nhận được hơn 20.000 lượt quan tâm, gần 3000 bình luận, 1000 chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đề xuất này căn cứ vào quy định xử phạt hành chính về việc hát karaoke làm ồn khu dân cư được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, theo Zing.
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định này, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-600.000 đồng).
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo. Ảnh minh họa |
Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2-40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40-200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.
Về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, luật sư Hùng cho rằng điều này hợp lý vì giúp bảo đảm môi trường âm thanh trong lành như đã quy định trong Luật Môi trường. Thời gian qua, văn hoá sử dụng âm thanh karaoke ở Việt Nam còn hạn chế, bất kỳ ai cũng có thể hát, hát ở mọi nơi và cũng đã có nhiều vụ án mạng do hát karaoke. Dưới góc nhìn cá nhân, ông Hùng cho rằng đề xuất cấm là khả thi.
Hát karaoke làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h đến 6h sáng hôm sau sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ảnh minh họa |
Còn luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết quy định ngăn chặn việc hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư, nơi công cộng đã có từ lâu nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa quyết liệt triển khai.
Để xử lý vấn nạn này, chuyên gia pháp lý cho rằng cần phải nâng cao ý thức giáo dục cho người dân. Trước hết, các cấp chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố vì sự bình yên chung.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hóa - Thông tin, công an, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát xử lý vi phạm đối với các cá nhân tổ chức như nhà hàng, quán karaoke, những người mua bán sử dụng loa gây tiếng ồn nếu vi phạm.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Quynh cho biết theo Điều 17 nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, người vi phạm có thể chịu mức phạt từ 1 triệu cho đến 160 triệu đồng.
Advertisement
Advertisement