28/07/2020 07:50
Đề phòng dịch, hãy duy trì thói quen lau chùi bề mặt vật dụng
Việc duy trì thói quen lau chùi bề mặt vật dụng thường xuyên là một trong những cách để bảo vệ sức khỏe trong và sau mùa dịch này.
Nên khử khuẩn bề mặt vật dụng bao lâu một lần?
Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình trong mùa dịch bệnh, bạn nên khử khuẩn tại các vị trí như sàn nhà, tường, cửa, bàn ghế… ít nhất 1 lần/ngày. Đặc biệt tại những nơi như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, công tắc đèn, vệ sinh laptop, điều khiển tivi…, bạn nên thực hiện khử khuẩn ít nhất là 2 lần/ngày. Lưu ý là phải tắt hết các thiết bị điện tử hoặc cầu dao điện trước khi khử khuẩn.
Điểm danh 7 bề mặt cần được khử khuẩn để phòng dịch COVID-19 hiệu quả:
Các bề mặt xốp, mềm
Đối với các bề mặt mềm như thảm sàn nhà hoặc rèm cửa sổ phòng ngủ, bề mặt ghế sofa, cách lau chùi vật dụng sẽ có đôi chút khác biệt.
- Trước tiên, bạn cần làm sạch bề mặt bằng xà phòng và nước, hoặc dùng chất tẩy rửa chuyên dụng trên các bề mặt này.
- Sau đó giặt những vật dụng này (nếu có thể) theo chỉ dẫn của nhà sản xuất với nhiệt độ thích hợp, cuối cùng là sấy khô hoàn toàn.
- Ngoài ra bạn cũng có thể khử trùng bằng chất khử gia dụng đã đăng ký EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ). Những chất khử trùng này đáp ứng các tiêu chí an toàn để sử dụng phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đối với thảm sàn nhà, đây là nơi rất dễ bẩn và khó vệ sinh. Sau khi khử trùng, bạn nên sử dụng một miếng giẻ ướt để lau sơ qua, tiếp theo rắc muối ăn để hút chất bẩn. Cuối cùng sử dụng máy hút bụi để hút sạch lớp muối này.
Quần áo, vải vóc
Đối với quần áo, khăn tắm hoặc drap trải giường, bạn nên giặt giũ theo hướng dẫn của nhà sản xuất bằng nhiệt độ thích hợp, sau đó tiến hành sấy khô hoàn toàn. Ngoài ra, đối với giỏ đựng quần áo, bạn cũng nên làm sạch và khử trùng bề mặt theo những hướng dẫn trên.
Đồ gỗ
Trong mỗi gia đình sẽ không khó bắt gặp những vật dụng chất liệu gỗ như: tủ đựng chén bát bằng gỗ, sàn nhà gỗ, kệ gỗ, bàn gỗ,... Sau khi khử trùng bề mặt, có một mẹo khá hay giúp bạn lau chùi đồ gỗ sáng bóng. Bạn nhúng miếng giẻ chấm một ít sữa tươi và lau trên bề mặt gỗ, sau đó lau sạch lại bằng nước.
Ấm chén
Bạn có thể làm sạch ấm chén bằng cách cho thêm giấm hoặc vài lát chanh vào trong nước rửa chén. Công dụng của chanh và giấm đều có tính axit cao nên sẽ mang lại khả năng tẩy rửa những vết bẩn trên ấm chén hiệu quả hơn.
Các thiết bị điện tử
Đây là những vật dụng có hàm lượng linh kiện điện tử cao nên trước khi tiến hành vệ sinh bàn phím laptop, vệ sinh điện thoại,… bạn nên đậy kín hoặc che chắn tất cả các cổng kết nối, tránh để dung dịch tẩy rửa lọt vào gây hỏng hóc cho thiết bị. Sau đó, thực hiện làm sạch và khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong trường hợp không có hướng dẫn thì cách lau chùi vật dụng phổ biến nhất là sử dụng khăn lau tẩm cồn 70 độ hoặc dung dịch dễ bay hơi tương tự và vệ sinh mọi ngóc ngách của thiết bị. Cuối cùng là làm khô hoàn toàn bề mặt.
Đồ chơi trẻ em
Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì việc vệ sinh các món đồ chơi là cực kỳ cần thiết. Các bậc phụ huynh nên chú ý làm sạch để mang lại đồ chơi an toàn cho bé. Định kỳ mỗi tháng một lần, bạn ngâm đồ chơi trong xà phòng và nước ấm rồi xả lại với nước sạch. Hoặc cẩn thận hơn, bạn hãy ngâm đồ chơi của trẻ bằng hỗn hợp thuốc tẩy pha trong 1 lít nước, sau đó để khô tự nhiên.
Bề mặt vật dụng inox
Cách lau chùi vật dụng inox hiệu quả nhất là sử dụng các loại nước lau kính. Chỉ cần xịt một ít nước lau kính lên trên bề mặt vật dụng, các dấu vân tay sẽ dễ dàng được xóa đi, giúp vật dụng trở nên sáng bóng, trông sạch sẽ và sang trọng. Không những vậy, nước lau kính có chất tẩy đặc biệt, bên cạnh công dụng đánh bóng và xóa dấu vân tay, nó còn giúp bảo vệ bề mặt inox khỏi những mảng bám từ bụi bẩn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp