23/02/2017 07:27
Để người dân thích đi bộ, cần làm gì?
Ý kiến kêu gọi cán bộ công chức, người dân đi bộ để tăng cường sức khỏe, giảm kẹt xe của phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng và đóng góp, xây dựng.
Những ý kiến này đều bày tỏ mong muốn làm sao để mỗi người dân tự thích thú và thoải mái, an toàn với việc đi bộ, thay vì chỉ hưởng ứng phong trào trong một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy.
Thay đổi thói quen “một bước lên xe”
Từ thực tế các chuyến đi, ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia du lịch, chủ tịch HĐQT Lửa Việt tour nhận thấy người Việt Nam nói chung khá lười đi bộ và luôn có thói quen “một bước lên xe”.
“Khi tham gia các tour sinh thái, tôi chứng kiến nhiều người nước ngoài vác ba lô đi bộ 5-7km và rất thư thái, trong khi khách Việt chỉ cần bắt họ đi vài trăm mét là đã thấy phàn nàn. Không có thói quen đi bộ nên người Việt đi du lịch nước ngoài cũng gặp khó khăn.
Chuyện một bước lên xe gắn máy, một bước lên xe hơi, theo tôi là không phù hợp với xu thế hiện tại. Ngay cả khi không kẹt xe thì vẫn nên đi bộ vì đó là văn hóa của các nước công nghiệp phát triển và là cách tập thể dục hiệu quả, tăng cường sức khỏe, sức bền”, ông Mỹ đánh giá.
Đồng tình, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười nhận định có những điểm di chuyển rất gần, chỉ vài trăm mét nhưng người dẫn vẫn lựa chọn chạy xe máy, thay vì để đôi chân vận động.
Phương tiện cá nhân có thể đem đến sự tiện lợi cho người dân trong trước mắt nhưng để lại một hậu quả lâu dài về vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm… mà TP.HCM đang phải giải quyết.
Do đó, việc khuyến khích người dân từ bỏ thói quen “một bước lên xe” và hướng đến việc đi bộ nhiều hơn là cần thiết và nên làm ngay.
Làm sao để người dân đi bộ an toàn, thoải mái?
Đánh giá cao lợi ích của việc đi bộ và ủng hộ chủ trương khuyến khích cán bộ công chức, người dân đi bộ, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải có sự thay đổi, đầu tư hơn nữa để việc đi bộ được an toàn, thoải mái, sạch sẽ; thay vì phải tranh phần đường với hàng quán lấn chiếm vỉa hè, xe máy, xe hơi dưới thời tiết thường xuyên nắng nóng như ở TP.HCM.
Theo KTS, chuyên gia đô thị học Trương Nam Thuận, định hướng phát triển việc đi bộ trong đô thị đã được nhiều nơi áp dụng, đặc biệt tại các thành phố có mật độ dân số bằng hoặc cao hơn TP.HCM với mục tiêu góp phần giảm kẹt xe và tăng cường sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, việc đi bộ ở TP.HCM gặp không ít khó khăn phần đường của người đi bộ bị chiếm dụng, khói bụi ô nhiễm, nhiệt độ ngoài trời cao, các trung tâm mua sắm thiếu sự kết nối…
Ở các nước, vỉa hè luôn thông thoáng và ưu tiên tối đa cho người đi bộ. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm, ga tàu… thường có đường thông nhau để người dân di chuyển trong bóng mát. Lượng cây xanh, bóng mát phủ cũng dày đặc hơn.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằngđây là cuộc vận độngnên phải dựa trên nguyên tắc tự nguyệnvà yếu tố quan trọng nhất là sự so sánh giữa lợi và hại của các đối tượng vận động thì mới tạo được sự đồng thuận và động lực tự nguyện thực hiện.
Do đó nên có những cuộc điều tra xã hội học với một số câu hỏi căn bản để xác định tỉlệ: người dân chấp nhận đi bộ khoảng cách bao nhiêu,đi bộ khoảng đó có tăng sức khỏe không,mất thời gian đi bộ so với chi phí đi xe máy cái nào lớn hơn,đi bộ có ảnh hưởng đến khả năng mang theo đồ dùng, hàng hóa…
Trên cơ sở những số liệu đó mới xây dựng được các kịch bản cho cuộc vận động đối với từng nhóm đối tượng cụ thể và tiến hành thí điểm ở những khu vực cụ thể.
Đề cập đến vấn đề dựng barier để ngăn người chạy xe máy trên vỉa hè đang xôn xao dư luận thời gian qua, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng đó là một kinh nghiệm khi tiến hành công việc mà chưa điều tra xã hội họcvà chưa xây dựng các kịch bản cụ thể đối với những nhóm đối tượng cụ thể như người già, trẻ em, người mang vác nặng, người khuyết tật…
KTS Khương Văn Mười đề xuất nên nghiên cứu từng vỉa hè cụ thể để đề ra giải pháp tạo lối đi an toàn cho người dân. Đối với những người buôn gánh bán bưng, bám vào vỉa hè vì mưu sinh, KTS Khương Văn Mười cho rằng nên có quy hoạch cụ thể, hình thành những khu riêng cho họ làm ăn, sinh sống.
Đường trên cao hay hầm cho người đi bộ, được không?
Chuyên gia đô thị học Trương Nam Thuận đề xuất nên xây dựng tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp trên cao khi hạ tầng giao thông hiện tại không có chỗ cho người đi bộ. Theo ông Thuận, đây là giải pháp căn cơ và đã được nhiều thành phố lớn áp dụng hiệu quả.
“Hệ thống đường trên cao sẽ giúp việc di chuyển của người đi bộ, đi xe đạp tách bạch với hệ thống giao đang quá tải hiện hữu. Qua đó sẽ góp phần hạn chế được vấn đề kẹt xe, đảm bảo an toàn vệ sinh cho người đi bộ khi không phải hít khói bụi xe máy, xe hơi”, ông Thuận nói.
Một giải pháp khác có thể nghĩ đến để tạo môi trường an toàn, thoải mái là xây dựng hầm băng qua đường cho người đi bộ, KTS Khương Văn Mười nêu ý kiến.
Ngoài ra, để người dân bỏ thói quen đi xe máy, bên cạnh việc tối ưu hóa hệ thống đường đi bộ, cần xây dựng hệ thống xe buýt, phương tiện công cộng rộng khắp để người dân đi đến mọi nơi đều thuận tiện.
Đi bộ mỗi ngày tốt cho sức khỏe
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp trường ĐH Y dược TP.HCM, đi bộ là một cách tập thể dục rất tốt mà bản thân ông áp dụng mỗi ngày.
Việc đi bộ thường xuyên mang đến nhiều tác dụng tích cực cho hệ hô hấp, bên cạnh đó là điều hòa nhịp tim, huyết áp, giảm cholesterol xấu, đầu óc sảng khoái, giảm hoặc giữ được cân nặng ổn định…
Đặc biệt, với những nhân viên văn phòng thường phải ngồi nhiều, việc đi bộ mỗi ngày 15-30 phút còn giúp các cơ, khớp vận động, thư giãn, giảm bớt nguy cơ suy giãn tĩnh mạch, tránh sức ì…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp