31/08/2020 11:12
Đề nghị cho thông quan trở lại 18 container hàng hóa của Asanzo bị tạm giữ tại cảng Cát Lái và Hải Phòng
18 container hàng hóa của Công ty Tập đoàn Asanzo bị giữ hành chính tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng được đề nghị cho thông quan trở lại vì sẽ không có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cụng có kết quả điều tra liên quan đến 18 container hàng hóa của Công ty Tập đoàn Asanzo bị giữ hành chính tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng. Cơ quan này đề nghị Cục Hải quan TP.HCM và Hải Phòng thông quan cho số hàng trên vì không có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng theo thông báo, trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, và ra quyết định tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính 18 container hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, của Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phương Nguyên Asanzo, gồm 11 container tại Cát Lái và Công ty TNHH Việt Tài 7 container tại Hải Phòng.
Vụ việc tại Asanzo của ông Phạm Văn Tam kéo dài từ ngày 21/6/2019, nhiều trung tâm điện máy đã rút hết sản phẩm Asanzo khỏi quầy bán. Ảnh: VNE |
Theo TBKTSG, việc tạm giữ hành chính này liên quan Công ty TNHH Thương mại Đông Phương (sở hữu nhãn hiệu Asanno) đã gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Asanzo trước đó.
Đến tháng 9/2019, Công ty TNHH Thương mại Đông Phương đã chuyển nhượng sở hữu nhãn hiệu cho công ty TNHH Pensinich Việt Nam, và cũng đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngày 1/6/2020, công ty TNHH Pensinich Việt Nam có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề nghị rút yêu cầu xử lý vi phạm về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Asanno và cho các công ty nhận lại hàng đã bị tạm giữ. Cho đến nay Pensinich Việt Nam và Tập đoàn Asanzo không còn tranh chấp nào về nhãn hiệu Asanzo.
Mới đây, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cũng đã có công văn, thông báo kết quả điều tra và xác định không có dấu hiệu Asanzo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. C03 và Cục Điều tra chống buôn lậu đã làm việc và có biên bản thống nhất nội dung kết luận.
Theo điều 27 Nghị định 99 năm 2013 về xử lý vụ việc vi phạm khi có tranh chấp, trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đã được thụ lý, nhưng các bên thỏa thuận được với nhau về đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận biện pháp giải quyết đó, dừng thụ lý vụ việc. |
C03 cũng đề nghị Tổng cục Hải quan xử lý theo thẩm quyền với 18 container hàng hóa Asanzo bị tạm giữ tại cảng Hải Phòng và cảng Cát Lái nêu trên.
Do vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị các Cục Hải quan TPHCM và Hải Phòng phối hợp làm thủ tục thông quan cho 18 container hàng hóa này.
Cùng diễn biến vụ việc Asanzo bị cáo buộc lừa dối khách hàng thời gian qua, C03 cũng đã có kết luận cho biết chưa có căn cứ xác định Asanzo lừa dối khách hàng.
Tháng 6/2019, nhiều thông tin cáo buộc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT, có nhiều vi phạm như dấu hiệu “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” khi xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc rồi gia công đơn giản và dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam, để tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu. Ngoài điều tra cáo buộc này, cơ quan điều tra cũng điều tra về việc và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.
Thông báo của C03 cho biết với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam của hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, cơ quan điều tra cho rằng việc gắn mác “sản xuất tại Việt Nam” là phù hợp quy định
Sau hơn 1 năm điều tra, cơ quan chức năng khẳng định chưa có dấu hiệu Asanzo lừa dối khách hàng từ việc bán sản phẩm mang thương hiệu Asanzo. Ảnh: Zing |
"Về hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam của hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam” hoặc “Sản xuất bởi Việt Nam” là phù hợp quy định”, thông báo cho biết.
Trong kết luận gửi Hải quan, cơ quan điều tra cho rằng việc Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo và Công ty Việt Tài nhập khẩu 14 container hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện hàng hóa được phép nhập khẩu, được 2 công ty này kê khai thuế đầy đủ.
Liên quan đến việc có hay không hành vi lừa dối khách hàng khi Asanzo sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” và “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo, cơ quan điều tra kết luận: "Dù Sharp xác định không có việc Công ty Sharp - Roxy ký hợp đồng dịch vụ với Asanzo và không có việc Công ty Sharp - Roxy ký thư xác nhận hợp tác với Asanzo như công ty này công bố trong buổi họp báo tháng 9/2019. Tuy nhiên, Bộ Công an chưa nhận được bất cứ đơn tố cáo hay tố giác Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.
Các công ty là đại lý, nhà phân phối và tiêu thụ các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo đều xác nhận không vì slogan trên sản phẩm của Asanzo mà chọn làm đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm, mà căn cứ vào chất lượng, giá cả sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo để bán hàng".
Cơ quan điều tra cho rằng chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.
Khủng hoảng Asanzo diễn ra thế nào?Ngày 21/6/2019, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam. Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote… Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận, cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV. Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông nói khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật. Vào cuối tháng 8/2019, ông Phạm Văn Tam nhận doanh nghiệp đã tạm dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì, bảo hành sản phẩm đã bán ra, do suốt 2 tháng kể từ ngày xảy ra lùm xùm bị tố nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt Nam, doanh nghiệp không hoạt động sản xuất, hàng hóa không bán được. Nhân sự của công ty nhiều bộ phận phải lo cung cấp tài liệu, giải trình với các cơ quan chức năng mà không làm việc được. Doanh nghiệp thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng từ sự cố này, thị phần trên thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp