22/10/2019 09:09
Đế chế Aqua One của bà chủ nhà máy nước Sông Đuống
Chẳng biết từ bao giờ tên tuổi của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (hay còn được biết đến với biệt danh “Shark” Liên) được gắn liền với chức danh Chủ tịch của Tập đoàn Aqua One.
Dù rằng công ty mang thương hiệu “Aqua One” nhất là CTCP Nước Aqua One cũng mới do “Shark” Liên làm người đại diện pháp luật trên cương vị Tổng Giám đốc theo đăng ký kinh doanh thay đổi vào đầu tháng 10/2019.
Chân dung nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên ("Shark" Liên) - Ảnh: Internet |
Xuất hiện trong chương trình truyền hình “Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ” mùa 3, những dòng đầu miêu tả tiểu sử của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (hay “Shark” Liên, sinh năm 1968) cho biết bà “xuất thân là một giáo viên dạy văn tại Hà Nội” và quyết định vào Tp. HCM lập nghiệp sau 3 năm đứng trên bục giảng.
“Năm 2005, bà thành lập Công ty Bảo hiểm AAA (CTCP Bảo hiểm AAA - PV) – Đơn vị bảo hiểm Tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2013, bà chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại Bảo hiểm AAA cho Tập đoàn IAG (Australia)”.
Phần tóm tắt tiểu sử nêu trên có lẽ vẫn chưa làm nổi bật hết tinh thần khởi nghiệp của “Shark” Liên.
Một số phương tiện truyền thông miêu tả nữ doanh nhân này đã lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, từng làm nhân viên thuyết minh tại Bảo tàng Vũng Tàu, còn cơ duyên với lĩnh vực bảo hiểm đến khi bà làm việc cho Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ năm 1996. Sau 8 năm gắn bó, “Shark” Liên mới rời bỏ Bảo Minh và bắt đầu khởi nghiệp với công ty Bảo hiểm AAA.
Ngoài Bảo hiểm AAA, “Shark” Liên còn ghi dấu tại nhiều lĩnh vực khác nhau, một trong số đó là CTCP Nước Aqua One (Aqua One), được thành lập vào cuối tháng 12/2014.
Tính đến tháng 3/2016, quy mô vốn của Aqua One đã được nâng lên mức 450 tỷ đồng. Trong đó, “Shark” Liên sở hữu 50% tổng số cổ phần và đăng ký địa chỉ thường trú tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, Tp. HCM - đây cũng là địa chỉ được nhiều công ty có liên quan đến nữ doanh nhân này từng đăng ký trụ sở chính.
Giai đoạn từ giữa năm 2016 tới năm 2018, Aqua One liên tục tăng vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng, vai trò điều hành của “Shark” Liên tại Aqua One thể hiện trên đăng ký kinh doanh khá mờ nhạt. Trong khoảng thời gian này, bà Đỗ Thị Minh Đức (sinh năm 1974) - em gái “Shark” Liên - thường xuyên nắm giữ vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Aqua One.
Phải tới đầu tháng 10/2019, cụ thể là theo giấy thay đổi đăng ký kinh doanh cấp ngày 4/10, bà Đỗ Thị Kim Liên mới thay thế em gái trở thành người đại diện theo pháp luật.
Trên trang chủ, Aqua One cho biết đang là chủ đầu tư của 3 dự án nước sạch lớn là: Nhà máy nước mặt Sông Hậu (công suất năm 2016 là 100.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng); Nhà máy nước mặt Sông Đuống (công suất 900.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng) và Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư: Nhà máy và hệ thống cấp nước là 3.040 tỷ đồng, Tuyến ống truyền tải nước sạch là 1.255 tỷ đồng).
Nước sạch được coi là cuộc phiêu lưu mới của “Shark” Liên nhưng ít ai biết rằng, bà còn là người đại diện của của Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus, hiệu trưởng Trường đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM) hay thậm chí là còn chút liên hệ với Bảo hiểm AAA khi làm người đại diện pháp luật của Chi nhánh CTCP Bảo hiểm AAA Đồng Nai.
“Hệ sinh thái” những doanh nghiệp liên quan tới “Shark” Liên vẫn còn đó không ít bất ngờ…
Nhà máy nước mặt sông Đuống có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (Ảnh: Aqua One) |
Những nốt trầm trên thương trường
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, bà Đỗ Thị Minh Đức còn là người đại diện pháp luật của CTCP Dịch vụ truyền thông cơ hội vàng và CTCP Đầu tư một trăm (từng hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - TNHH MTV).
Công ty TNHH MTV Một trăm (thành lập vào năm 2013, có quy mô vốn điều lệ tính tới tháng 3/2019 là 1.000 tỷ đồng) là cổ đông chiến lược khá kín tiếng của CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vũng Tàu Shipyard - viết tắt: VTSC) - một doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi thành mô hình cổ phần từ năm 2007.
VTSC được biết tới nhiều hơn với vai trò là chủ đầu tư của Dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ, có quy mô 86,6 ha, tổng mức đầu tư lên tới hơn 10.235 tỷ đồng và dự kiến chia làm 2 giai đoạn để triển khai thực hiện trong vòng 6 năm (từ năm 2010 đến 2015).
Theo tìm hiểu của VietTimes, việc triển khai dự án có phần chậm trễ đến mức chính quyền địa phương phải ra quyết định thu hồi.
Đầu tháng 12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận thanh tra số 5115 về việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án này. Theo đó, VTSC được xác định chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, không đưa đất vào sử dụng sau hơn 5 năm kể từ ngày được giao đất thực địa.
Riêng về nghĩa vụ tài chính, tổng số tiền sử dụng đất mà VTSC phải nộp ngân sách là hơn 88,29 tỷ đồng. Số tiền này được công ty Aqua One “nộp thay” cho VTSC thông qua các lệnh chuyển tiền ngày 26/8/2016 và 29/8/2016.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho biết Aqua One không phải là tổ chức được giao đất trong khi VTSC chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Do đó, trường hợp này có dấu hiệu góp vốn quyền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Số tiền mà Aqua One “nộp thay” cho VTSC sau đó cũng được Chi cụ thuế huyện Tân Thành hoàn trả.
Tới ngày 13/10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ (Cái Mép Hạ) do VTSC làm chủ đầu tư.
Trong nỗ lực “níu giữ” lại dự án, VTSC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để khiếu nại về quyết định số 49 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý, theo tài liệu công ty đăng tải, văn bản khiếu nại có đề ngày 30/9/2017, trước cả khi quyết định số 49 nêu trên được ban hành.
Công văn phản hồi của Văn phòng Chính phủ về khiếu nại của VTSC. |
Và nỗ lực này dường như mang lại kết quả khi việc ủy quyền cho HĐQT lựa chọn đối tác đầu tư để triển khai dự án Cái Mép Hạ vẫn là một trong những nội dung được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của VTSC.
Song, nội dung này không nhận được sự ủng hộ của cổ đông Nhà nước và nhận được số phiếu không tán thành chiếm tới 51,03% số cổ phần có quyền biểu quyết tại cuộc họp.
Người đại diện vốn Nhà nước là ông Phạm Quốc Thanh còn cho biết việc VTSC chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH cảng Tổng hợp Cái Mép chưa được UBND tỉnh thông qua và hoạt động kinh doanh của VTSC năm 2018 vẫn đang lỗ.
Trong khi đó, nội dung ủy quyền cho HĐQT VTSC chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng có năng lực và nhu cầu phù hợp để thực hiện hoặc chuyển đổi công năng Dự án Sàn nâng mở rộng và dự án xây dựng cao ốc văn phòng - căn hộ tại 186 Xô Viết Nghệ Tĩnh lập báo cáo trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua lại nhận được 100% số phiếu tán thành.
Sự hiện diện của Tập đoàn Aqua One tại VTSC vẫn được duy trì khi vị trí Chủ tịch HĐQT do bà Trương Ngô Sen (sinh năm 1959) - một nhân sự chủ chốt xuất hiện tại nhiều công ty trong “hệ sinh thái” của “Shark Liên” - đảm nhiệm. Bà Sen từng là Giám đốc pháp chế của Bảo hiểm AAA và giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách giám sát tại CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (viết tắt: VASS) - một công ty khác có nhiều mối liên hệ với “Shark” Liên.
Ngoài ra, “Shark” Liên còn được biết tới với các khoản đầu tư vào dự án BOT Quốc lộ 14 (Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 đoạn km 1793 600 - km 1824) và dự án BOT Quốc lộ 22 và 22B, có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Trong đó, “Shark” Liên từng là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 (sau chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần) - một trong 2 nhà đầu tư tham gia liên danh (góp 85% vốn) tại dự án BOT Quốc lộ 14. Kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót đối với dự án này.
Phương án tài chính ban đầu của dự án này là 21 năm, tuy nhiên, sau khi tính toán lại, cơ quan kiểm toán đã giảm thời gian thu phí chỉ còn 9 năm (giảm 12 năm so với phương án ban đầu).
Số phận của dự án BOT Quốc lộ 22 và 22B khó xác định hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, hồi cuối năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã bác kế hoạch xây dựng trạm thu phí BOT trên quốc lộ 22B.
Tái xuất trong lĩnh vực bảo hiểm
Sau một thời gian dài vắng bóng trên lĩnh vực bảo hiểm, cuối tháng 10/2018, “Shark” Liên đã chính thức tái xuất thị trường bảo hiệm phi nhân thọ trong vai trò là nhà sáng lập một ứng dụng bảo hiểm có tên là “LIAN”. Ứng dụng này được giới thiệu ứng dụng một loạt công nghệ như: Big Data, bảo mật bằng Blockchain, chăm sóc khách hàng bằng AI,…
"Shark" Liên trong buổi họp báo công bố ứng dụng bảo hiểm LIAN (Ảnh: Internet) |
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, việc truyền thông trong nước gọi “Shark” Liên là “nhà sáng lập” ứng dụng bảo hiểm kể trên phần nào là có cơ sở. Bởi nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên - cùng 2 công ty có nhiều mối liên hệ khác là VASS và Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus - là cổ đông sáng lập, tham gia góp 8 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ tại CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian IAS).
Công ty Lian IAS được thành lập vào ngày 9/5/2019, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, Tp. HCM. Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký của công ty là cổng thông tin (Chi tiết: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội). Bên cạnh đó, công ty còn đăng ký hoạt động đại lý và môi giới bảo hiểm.
Người đại diện theo pháp luật của Lian IAS từng do bà Trương Ngô Sen đảm nhiệm nhưng đã được đổi sang cho ông Vũ Ngọc Quyết (sinh năm 1980) từ tháng 8/2019.
Trong số các công ty thuộc “hệ sinh thái” của “Shark” Liên mà VietTimes để cập ở trên, VASS là một trong những mảnh ghép không thể thiếu, thậm chí ở một vài khía cạnh, còn có vai trò quan trọng hơn cả CTCP Nước Aqua One. Được biết, VASS là công ty mẹ của CTCP Chứng khoán Viễn Đông và hiện đang nắm giữ 90% vốn tại Lian IAS.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp