09/06/2020 15:44
Đẩy mạnh đón dòng đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng hậu COVID-19
Giữa dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành, thực hiện nhiều chính sách phù hợp, đẩy mạnh đón dòng đầu tư, lên kịch bản cho mục tiêu tăng trưởng.
Tại phiên họp ở tổ của Quốc hội vào chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Bình) phát biểu cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, thực hiện nhiều chính sách miễn, giãn, giảm thuế; đẩy mạnh cải cách đón dòng đầu tư và lên kịch bản về ngân sách phù hợp với mục tiêu tăng trưởng.
Ảnh minh họa. |
Thực hiện giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 sau khi sự cố dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới toàn cầu và Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để vừa chống dịch, vừa ổn định kinh tế. Chính phủ yêu cầu phải đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch như chống giặc, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đối với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NQ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư giảm một loạt các loại phí, lệ phí; đề xuất giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đang soạn thảo để trình Chính phủ Nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước; ngoài ra đề xuất sửa đổi một số nghị định, nhằm giảm thuế xuất nhập khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ, dệt may, da giày; đề xuất Quốc hội giảm thuế 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhằm tăng nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân, tăng tái đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm tăng thu ngân sách.
Cùng với việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, ngành Tài chính đã đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính đón dòng đầu tư. Trong đợt dịch này, trong khi chiến tranh thương mại giữa các quốc gia lớn, nhiều nhà đầu tư rút ra khỏi khu vực; chúng ta đón dòng đầu tư có chọn lọc, nên việc cải thiện môi trường đầu tư là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ngành Tài chính tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.
Ảnh: Baodauthau. |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tháng 5 vừa qua, tín hiệu đáng mừng là xuất nhập khẩu tăng lên. Tháng 4, nhập siêu thì sang tháng 5 đã xuất siêu. Nếu so với cùng kỳ thì đang thấp hơn, nhưng với các đối tác lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu đang tăng lên.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đưa ra các kịch bản điều hành, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao nhất và cân đối ngân sách tốt nhất. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra là 6,8%, các cân đối lớn, đặc biệt là cân đối về ngân sách đang theo mức tăng trưởng nêu trên.
Bộ trưởng khẳng định: Vì tình hình dịch bệnh nếu phải tính toán lại, cùng với việc tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch, thì mục tiêu căn cơ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Phải đảm bảo mức bội chi của cả giai đoạn là khoảng 3,75% GDP
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đề ra kịch bản mục tiêu cao nhất là 5-5,2%. Kịch bản thứ 2 là tăng trưởng khoảng 4,5% và thấp nữa là 3,6% (trong khi có tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 2,7%).
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xây dựng các kịch bản về ngân sách tương xứng. Dù là kịch bản nào, thì Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu ngân sách, theo Bộ trưởng, đầu tiên là phải tiết kiệm chi, lúc đầu tiết kiệm 50% chi phí hội nghị, hội thảo, nhưng nay phải tiết kiệm 70%; chi thường xuyên cắt giảm 10%, tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa. Chính phủ cũng trình tạm thời chưa tăng lương cho cán bộ công chức. Ngoài ra, cần tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, gói hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn giải ngân trong năm 2020 là lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Nếu giải ngân được thì đây sẽ là gói kích cầu rất lớn. Nhưng vấn đề đặt ra là giải pháp như thế nào, nếu không cụ thể, không xử lý nghiêm thì không thể giải ngân hết được. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp