18/08/2017 07:27
Đầu tư vào Techcombank, HSBC lỗ khoảng 1.430 tỷ đồng?
Vốn ban đầu HSBC đầu tư vào Techcombank ước khoảng 4.470 tỷ đồng và sau 12 năm, số tiền thu được sau khi thoái vốn ước tính khoảng 4.040 tỷ đồng.
Như vậy, HSBC đã bị lỗ khoảng 430 tỷ đồng. Còn nếu tính cả mất giá của VND, HSCB lỗ khoảng 1.430 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Techcombank.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố đã mua 172,353,345 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá bình quân 23.445 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 4.040 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II.2017 của Techcombank, lợi nhuận chưa phân phối của Techcombank là 7.673 tỷ đồng. Nếu Techcombank lấy tiền từ nguồn này mua lại cổ phần của HSBC thì khoản này còn khoảng 3.633 tỷ đồng.
Trước đó, Techcombank đã thông qua đề xuất mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu với số lượng dự kiến 221,951,968 cổ phần, tương đương 25% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Ngoài ra, Techcombank cũng đã xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% cổ phần Techcombank của Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC). Số cổ phần này tương đương 172,353,345 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Techcombank vào ngày 16.8, Ngân hàng chỉ mua được 172,353,345 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ và không mua hết số lượng đã đăng ký do chỉ có khối lượng 172,353,345 cổ phiếu đăng ký bán.
Khối lượng này đúng bằng toàn bộ lượng cổ phiếu mà HSBC nắm giữ trước đó tại Techcombank, tương đương 19.41% vốn.
Tháng 12.2005, HSBC bắt đầu đầu tư vào Techcombank bằng cách mua 10% vốn cổ phần của ngân hàng này. Đến tháng 7.2007, HSBC tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank lên 15% và đến năm 2008 nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,4%.
Theo thông tin của CTCK TP.HCM (HSC), giá mua cổ phiếu Techcombank ban đầu của HSBC là 60.891đông/cổ phiếu (theo thông cáo báo chí của HSBC).
Sau đó, Techcombank đã có một số lần thực hiện chia lợi nhuận thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả cổ tức từ 2008-2010 khiến cho giá mua điều chỉnh xuống còn khoảng 26.000đồng/cổ phiếu. Do đó, chi phí đầu tư hiện tại cho HSBC là khoảng 30.000 – 32.000 đồng/cổ phiếu.
Và từ năm 2010 trở đi, Techcombank đã lựa chọn chiến lược không chia cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng cũng như cổ tức tiền mặt để tăng cường quy mô vốn chủ sở hữu.
"HSBC mong muốn thoái vốn ở mức giá cao hơn một chút so với giá mua ban đầu, do đó tổng giá trị thoái vốn ít nhất là 5.170 tỷ đồng căn cứ theo giá trị trường OTC hiện giờ", HSC giả định.
Tuy nhiên, với kết quả thực tế, với giá bán 23.445 đồng/cổ phiếu, sau 12 năm ròng rã đầu tư vào Techcombank, HSBC đã chịu lỗ khoảng 430 tỷ đồng.
Đó là chưa kể từ năm 2010 trở đi, Techcombank lựa chọn chiến lược không chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng như cổ tức tiền mặt, để tăng cường quy mô vốn chủ sở hữu. Đến năm 2016, Techcombank thu về gần 3.150 tỷ đồng lãi ròng, lãi lũy kế lên tới 5.489 tỷ đồng, nhưng các cổ đông vẫn không được chia cổ tức. Như vậy khoản đầu tư khổng lồ của nhà băng ngoại này gần như không sinh lời.
Nếu tính cả chênh lệch tỷ giá thì khoản lỗ của HSBC còn trầm trọng hơn. Năm 2005, khi HSBC đầu tư vào Techcombank, tỷ giá khi đó là 15.935 đồng/USD và ngày 17.8.2017, tỷ giá là 22.450 đồng/USD. Sau 12 năm, VND đã mất giá 41,69%.
Như vậy, với khoản đầu tư bằng USD tương đương khoảng 4.470 tỷ đồng, nếu tính cả việc mất giá VND thì HSBC lỗ khoảng 1.430 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Techcombank sau 12 năm làm cổ đông chiến lược.
Với vốn chủ sở hữu là 8.878 tỷ đồng và Techcombank phải chi hơn 4.000 tỷ đồng để mua lại cổ phần của HSBC cho thấy kế hoạch tăng vốn vốn lên 14.000 tỷ đồng trong năm nay của Techcombank gần như không khả thi.
6 tháng đầu năm, Techcombank đạt 2.734 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 2.378 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank có ghi nhận khoản lãi ròng trên 355 tỷ đồng từ việc bán 25.560.000 cổ phần tại Vietnam Airlines theo hình thức khớp lệnh trên sàn Upcom.
Theo báo cáo tài chính quý II.2017, các khoản phải thu của Techcombank là 12.681 tỷ đồng, tăng 1.860 tỷ đồng so với đầu năm.
6 tháng đầu năm, tổng nợ xấu là 2.714 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng khoảng 200 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu là 2,05%, tăng so với cuối năm 2016 là 1,57%.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận Techcombank bán nợ xấu cho VAMC là 1.998 tỷ đồng, luỹ kế Techcombank đang giữ 7.636 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp