20/07/2017 07:25
Đầu tư tiền tỷ, bán tháo giá bèo: Đại gia ăn quả đắng
Hiện tượng các “ông lớn” phải bán tháo doanh nghiệp giá bèo không phải là hiếm. Lên sàn thì hoành tráng và thu hút các nhà đầu tư tham gia, nhưng chỉ một vài năm sau, nhiều đại gia đã tụt dốc không phanh do làm ăn kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, mất vốn.
Thoái vốn giá bèo
Sở Giao dịchChứng khoánHà Nội (HNX) vừa công bố thông tin cho biết, vào ngày 25/7 tới, sở sẽ tổ chức đấu giá 1 triệu cổ phần VCV của CTCP Vận tải Vinaconex (Vinaconex Trans) do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sở hữu.
Đây là một trong số rất nhiều các khoản mà các nhà đầu tư thoái vốn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lần thoái vốn này có thể sẽ lại ghi nhận một thương vụđầu tư tài chínhthua lỗ khủng.
Mức giá khởi điểm được đưa ra chỉ ở mức 2.940 đồng/cổ phần, thấp hơn nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng/cp, nhưng cao hơn so với mức giá trước khi VCV hủy niêm yết.
Lý do khiến Agribank buộc phải bán VCV ở mức giá bèo có lẽ là dễ hiểu. Ngày VCV hủy niêm yết 20/5/2014, cổ phiếu này có giá chỉ 1.200 đồng/cp sau 3 năm thua lỗ liên tục, chưa kể vào quý 1/2014 không có một đồng doanh thu, lỗ khác gần 90 tỷ đồng.
Vinaconex Trans là một trong số hàng chục công ty con của Tổng Vinaconex. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu cho các đơn vị thành viên trong tổng công ty này. Tuy nhiên, VCV liên tục thua lỗ. Sau khi bán tàu Vinaconex Lines công ty đã tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi vẫn phát sinh chi phí và gánh thêm lỗ khác.
Vinaconex Trans có vốn điều lệ đăng ký 200 tỷ đồng, song vốn điều lệ thực góp mới chỉ đạt hơn 110 tỷ đồng. Hiện tại, Vinaconex Trans đã dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 11/2014.
Tới cuối 2016, VCV chứng kiến âm vốn cả trăm tỷ đồng, tài sản còn lại rất ít và không hề có kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trước đó, giới đầu cũng chứng kiến sự thăng trầm của 2 cổ đông lớn VPBank, VietinBank tại CTCP Cảng Sài Gòn (SGP). Cả 2 cổ đông này đã xin thoái vốn sau khi SGP chuyển xuống sàn Upcom với một cú hồi tố lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Hồi đầu tháng 6/2017, SGP đã điều chỉnh chuyển cổ phần của VPBank từ hạn chế sang chuyển nhượng tự do.
Tại ĐHCĐ 2016 CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX) cũng hé lộ hàng ngàn tỷ đồng bị đóng băng tại các khoản đầu tư tài chính, không tạo ra lợi nhuận, chưa kể còn nhiều khoản phải trích lập dự phòng do giá cổ phiếu giảm, thu hồi công nợ không được. Phần lớn các công ty con mà PVX chi phối, tập trung vào mảng hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, kinh doanh bất động sản,... đều thua lỗ.
“Ông lớn” ngậm đắng, thua lỗ ngàn tỷ
Trên thị trường OTC, trong lĩnh vực ngân hàng, giới đầu tư từng chứng kiến nhiều cổ đông trắng tay vì đầu tư tài chính, như trường hợp tại GPBank và OceanBank. Sau khi bị mua 0 đồng, hàng ngàn cổ đông của 2 ngân hàng đã mất trắng khoản tiền đầu tư.
Lớn nhất là cổ đông nhà nước với khoản đầu tư hơn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu Khí đầu tư vào OceanBank vì những sai phạm gây thua lỗ của Hà Văn Thắm. Hàng loạt cổ đông OGC của CTCP phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng dính trái đắng.
Trong vụ GPBank, Agriseco thủng túi vì cầm cố 230 tỷ đồng giá trị sổ sách cổ phiếu GPBank. Toàn bộ hàng trăm cổ đông lớn nhỏ của GP Invest đều mất tư cách, quyền và lợi ích với 3 triệu cổ phần sở hữu tại ngân hàng này.
Công ty mẹ PNJ trong vài năm gần đây cũng đã phải trích lập hàng trăm tỷ đồng dự phòng cổ phiếu Đông Á Bank khiến lợi nhuận giảm sâu. Ngân hàng Đông Á được liệt vào 1 trong 5 ngân hàng yếu kém cần xử lý dứt điểm năm 2017 (gồm 3 NH 0 đồng và STB).
Từ cuối năm ngoái tới nay, một loạt lãnh đạo cao cấp nhất của NH này đã bị bắt và khởi tố do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Vài năm trước, giới đầu tư đã chứng kiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên trước khi hủy niêm yết và cùng với đó là hàng loạt các nhà đầu tư chịu thua lỗ cay đắng. Nhiều cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên không có người mua như PXM, BHC, CLP hay HHL..
Hiện tượng đầu tư tài chính thua lỗ khủng không hiếm trênthị trường chứng khoán(TTCK) Việt Nam, nhất là sau cú sốt lịch sử 2007 cùng với sự ra đời và lên sàn như nấm mọc sau mưa của hàng trăm doanh nghiệp, với không ít những doanh nghiệp “giấy”, cổ phiếu lởm.
Hiện tượng các “ông lớn” phải bán cổ phần doanh nghiệp giá bèo trên TTCK không phải là ít. Rất nhiều doanh nghiệp lên sàn rất hoành tráng và được nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia, nhưng chỉ một vài năm sau đã tụt dốc do làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, mất vốn. Ngoài sàn, những cú thua lỗ còn lớn hơn.
Đó có thể là những quyết định sai lầm ở vào thời điểm TTCK hình thành bong bóng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, là do sự tắc trách của những người đứng đầu tổ chức mang tiền đi đầu tư. Sự yếu kém trong quản trị của các DNNN, các ngân hàng, tổng công ty và sự thiếu minh bạch trên TTCK đã góp phần khiến hàng loạt doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Sau 10 năm, TTCK đang sôi động trở lại. Một con sóng mới đang đến, không ít người lao vào cuộc với nhiều kiến thức hơn. Nhà đầu tư không còn mải mê lao vào những cổ phiếu lởm với giá trị thật rất thấp. Tuy nhiên, rủi ro thua lỗ khủng vẫn còn lớn bởi thị trường sẽ ngày càng phức tạp hơn, các mánh lới trên sàn nhiều hơn và lòng tham là vô đáy.
Advertisement
Advertisement