Các đồng tiền mã hóa, dẫn đầu là Bitcoin, đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư do biến động giá không ngừng trong những năm gần đây.
Ngày 29/1, khi Musk thay đổi mô tả cá nhân trên Twitter sang #bitcoin, giá Bitcoin tăng 20% lên là 38000 USD. Ngày 8/2, khi Tesla tuyên bố sẽ chi 1,5 tỉ USD để mua Bitcoin, Bitcoin đã tăng vọt lên 42.500 USD. Ngày 24/3, Tesla đã công bố hỗ trợ thanh toán bằng Bitcoin, trực tiếp đẩy giá Bitcoin lên mức cao lịch sử 54.500 USD.
Ngày 24/4, Tesla thông báo bán 10% Bitcoin, và Bitcoin giảm xuống còn 51.100 USD. Ngày 13/5, Musk nói rằng Bitcoin tiêu thụ quá nhiều năng lượng hóa thạch và Tesla sẽ ngừng sử dụng Bitcoin như một đơn vị thanh toán cho sản phẩm của hãng, vì vậy Bitcoin tiếp tục giảm xuống dưới 50.000 USD.
Sau đó, Bitcoin lao vào một hành trình dài giảm giá liên tục… Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đều không tin rằng nó sẽ vỡ bong bóng, ngược lại họ còn háo hức cố gắng bắt đáy.
Một số người cho rằng tiền mã hóa là một sự đổi mới đột phá và là một cơ hội đầu tư không nên bỏ lỡ, nhưng cũng có người cho rằng đây chỉ là một bong bóng sắp vỡ.
Ảnh: Cointelegraph |
Bitcoin là gì? Chúng ta phải bắt đầu từ đợt sóng thần tài chính cuối cùng ...
Vào tháng 9/2008, bắt đầu từ sự sụp đổ của Lehman Brothers, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới. Để đối phó với khủng hoảng, các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp như nới lỏng định lượng, và chính phủ đã sử dụng một lượng tiền thuế khổng lồ để giải cứu các tổ chức tài chính lớn đang rơi vào khủng hoảng.
Cùng lúc đó, sự không hài lòng của công chúng đối với các tổ chức tài chính và các nhà điều hành ngành tài chính đã lên đến đỉnh điểm. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đánh dấu mối nguy cơ tiềm tàng của các hệ thống ngân hàng truyền thống và dẫn đến sự ra đời của đồng tiền mã hóa đầu tiên - Bitcoin.
Năm 2009, một người Nhật Bản tự xưng là "Satoshi Nakamoto" đã đề xuất khái niệm "Bitcoin", đồng thời thiết kế và phát hành phần mềm mã nguồn mở và xây dựng mạng ngang hàng P2P (Peer to Peer) trên đó.
Các loại tiền tệ pháp định như USD hoặc Euro, lưu trữ tất cả giao dịch qua thẻ hay chuyển khoản trên sổ cái tập trung, được giữ bởi một tổ chức duy nhất. Trong khi đó, Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác sử dụng công nghệ blockchain. Đây là sổ cái phân tán trên toàn cầu, có thể được duy trì và sao chép bởi bất kỳ ai mà vẫn đảm bảo tính bất biến cũng như minh bạch.
Ngoài tính bất biến, Bitcoin còn đặc trưng bởi tính bảo mật cao. Nhờ vào "hàm băm" (hash function), các chìa khóa cá nhân (private key) được tạo ra trong mỗi lần giao dịch có độ bảo mật cực kỳ cao.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác là tổng số lượng của Bitcoin có tính khan hiếm mạnh: Bitcoin bị giới hạn ở khoảng 21 triệu đơn vị.
Ngày 9/1/2009, Nakamoto phát hành phần mềm Bitcoin phiên bản 0.1 trên SourceForge và khởi chạy mạng lưới bằng cách đào khối gốc Bitcoin (khối số 0). Phần thưởng cho cha đẻ đồng tiền là 50 Bitcoin. Như vậy, một loại tiền mã hóa không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương hay bất kỳ tổ chức tài chính nào đã chính thức ra đời.
Dần dần, nhiều nền tảng giao dịch tiền mã hóa khác nhau ra đời và có hàng nghìn loại tiền mã hóa tương tự trên thị trường.
Xu hướng của các loại tiền mã hóa này đã trải qua vài năm thăng trầm và bước vào giai đoạn cao trào tăng giá vào đầu năm nay khi các nhà đầu tư lo lắng lạm phát gia tăng.
Sự khởi đầu của Bitcoin là những người đặt niềm tin vào công nghệ và triển vọng của blockchain và thất vọng trước sự kém cỏi của hệ thống tiền tệ tập trung.
Tuy nhiên, khi tiền mã hóa trở thành sản phẩm đầu tư, do bản tính tham lam, người tham gia dễ dàng quên mất ý định ban đầu. Sau khi giá nhiều loại tiền mã hóa tăng mạnh, chúng dần trở thành "báu vật" có thể thay đổi vận mệnh chỉ trong một sớm một chiều, và cuối cùng trở thành "con át chủ bài" để người tham gia đánh cược tương lai.
Ảnh: Cointelegraph |
Bitcoin có đáng để mọi người đầu tư vào không?
Chúng ta nên xem xét các khía cạnh sau:
Thứ nhất, bản thân Bitcoin không phải là một công nghệ có thể tạo ra giá trị mới. Công nghệ huyền thoại được gọi là "blockchain" có thể thay đổi cách sống của con người hiện mới chỉ ở giai đoạn khám phá.
Sử dụng cốt lõi của công nghệ blockchain, Bitcoin được thiết kế nhờ giải pháp công nghệ cơ sở dữ liệu Internet phân tán phi tập trung, Bitcoin thực chất chỉ là một ví dụ về việc ứng dụng công nghệ blockchain. Bitcoin vẫn chưa tạo ra giá trị làm thay đổi cuộc sống của con người.
Thứ hai, sự ra đời và lớn mạnh của hệ thống tiền mã hóa do Bitcoin dẫn đầu được kỳ vọng là "một cuộc cách mạng tiền tệ" và cuối cùng sẽ thay thế hệ thống tiền tệ hiện tại. Tuy nhiên, ý tưởng này quả thực quá ngây thơ.
Để trở thành một loại tiền tệ có thể được chấp nhận trong dài hạn theo đúng nghĩa, điều kiện cần và đủ là phải có sự hỗ trợ của tín dụng quốc gia và các ngân hàng trung ương. Việc chứng thực vai trò của Bitcoin như một loại tiền tệ đối với các ngân hành trung ương không khác gì "bảo hổ lột da". Về cơ bản là không thể.
Bên cạnh đó, Bitcoin chưa có giá trị ổn định như tiền tệ. Hôm qua nó là món bít tết thì ngay hôm sau có thể là thức ăn cho chó và hôm sau nữa lại là trứng cá muối – giá trị lên xuống khá thất thường.
Thứ ba, "nguồn cung cấp cố định" là chỗ đứng vững chắc của Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, được giới đầu tư lạc quan vô cùng. Vì mọi người luôn cho rằng Bitcoin là "đồ quý", thực ra đây chỉ là sự tự tưởng tượng và tự hão huyền.
Bitcoin đúng là có giới hạn trên dựa trên thuật toán riêng của nó; tuy nhiên, các loại tiền mã hóa khác nhau đã mọc lên như nấm sau mưa và tổng số lượng các loại tiền mã hóa có thể ra là vô hạn.
Thứ tư, bản thân hoạt động khai thác Bitcoin đòi hỏi rất nhiều điện và gây ra thiệt hại lớn hơn cho môi trường. Điều này không phù hợp với xu hướng chung về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và bảo vệ môi trường mà chính phủ các nước đang ủng hộ.
Hơn nữa, với sự gia tăng dần độ khó của việc khai thác tiền mã hóa, mức tiêu thụ điện cũng tăng theo.
Năm 2015: Trung bình 2000 kilowatt điện dùng để khai thác 1 Bitcoin;
Năm 2018: Cần hơn 30.000 kilowatt giờ điện để khai thác 1 Bitcoin;
Năm 2020: Cần ít nhất 400.000 kilowatt giờ điện để khai thác 1 Bitcoin, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Trung Quốc là quốc gia có nguồn điện dồi dào và nguồn cung điện khổng lồ trên thế giới không ai sánh bằng, nhưng gần đây, chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã triệt để ngăn cấm hoạt động khai thác Bitcoin.
Cuối cùng, do đặc điểm ẩn danh và tính thanh khoản xuyên quốc gia, nhiều đối tượng sử dụng tiền mã hóa để vượt rào kiểm soát ngoại hối của một số quốc gia, thậm chí còn biến tiền mã hóa trở thành công cụ cho hoạt động rửa tiền và chuyển tài sản bất hợp pháp.
Điều này khiến các cơ quan quản lý của nhiều quốc gia khó có thể nhắm mắt làm ngơ trước sự phát triển nhanh chóng của các loại tiền mã hóa.
Ảnh: Cointelegraph |
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bitcoin là một sản phẩm đầu tư thiếu "mỏ neo" định giá, có thể trị giá một trăm triệu hoặc một đô la, việc định giá do cảm xúc của nhà đầu tư nên khó nói rõ giá trị thực.
Do đặc điểm "không biên giới, không kiểm soát, không hạn chế giao dịch" nên các đồng tiền mã hóa có đủ sức hút với người sở hữu. Nó giống như một thế giới rừng xanh không có hoàng đế, rất nhiều anh hùng đang rất khao khát làm chủ rừng xanh, tuy nhiên, kết cục cuối cùng của đại đa số các anh hùng rừng xanh là gì? Những anh hùng gia nhập đội quân nổi dậy từ mọi tầng lớp xã hội hầu hết đều bị đè bẹp.
Tất nhiên, cũng có những câu chuyện đầy cảm hứng của các quan chức nhỏ và những người tị nạn như Lưu Bang, Chu Nguyên Chương và những người khác cuối cùng đã khoác lên hoàng bào thống trị giang sơn.
Và trong đời thực cũng vậy, mạng xã hội thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài nhân vật trở thành tỉ phú trong sau một đêm nhờ tiền mã hóa và những câu chuyện như vậy liên tục truyền cảm hứng cho hàng nghìn người đặt cược cuộc sống của họ vào canh bạc đỏ đen. Tuy nhiên, trở thành người chiến thắng là một sự kiện có xác suất rất nhỏ.
Cách đầu tư và quản lý tài chính "đuổi theo xác suất thành công nhỏ", chẳng hạn như tham gia vào canh bạc đỏ đen, rõ ràng là trái với cách đầu tư và quản lý tài chính đúng đắn.
Nhiều người hỏi, nhìn giá Bitcoin vọt như tên lửa trong giai đoạn đầu, bạn có cảm thấy hối tiếc không?
Tham gia vào một khoản đầu cơ thu được lợi nhuận lớn nhưng khả năng thành công thấp tương tự như đánh bạc, đây không phải là điều mà một nhà đầu tư lý trí nên làm.
Một số người phản bác rằng "Iron Man phiên bản đời thực" Elon Musk cũng đã mua nó, vậy tại sao chúng ta không mua. Tuy nhiên, lý trí mà nói, Elon mua không có nghĩa là mọi người cũng phải mua. Hơn nữa, có nhiều người nổi tiếng hơn trong cộng đồng đầu tư toàn cầu chọn không tham gia vào canh bạc tiền mã hóa.
Mọi người chắc chắn sẽ nói rằng nếu bạn không tham gia vào thời điểm này, bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội lịch sử! Nhưng thực ra, chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều "cơ hội tốt" hầu như mỗi ngày, do đó, việc bỏ qua Bitcoin thực sự không có gì to tát.