08/07/2021 01:52
Đầu tư gì hậu COVID-19?
Giới chuyên giá đánh giá cao vào sự phục hồi cũng như tiềm năng đầu tư đối với nhóm ngành bán lẻ, hàng không, xuất nhập khẩu, bất động sản công nghiệp…, sau khi vaccine đạt độ bao phủ 70% dân số.
Kinh tế phục hồi nhờ bao phủ vaccine
Theo Công ty CP Chứng khoán Thành Công (TCSC), tính đến cuối tháng 6/2021, sau 6 tháng triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, toàn thế giới đã có hơn 21% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi tiêm vaccine, tương đương với khoảng 2,6 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm.
Khi vaccine đạt độ bao phủ 70% dân số, miễn dịch cộng đồng xuất hiện, COVID-19 sẽ dần được được kiềm chế và đẩy lùi.
Khi các quốc gia bắt đầu gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine trên dân số, số ca nhiễm mới cũng được đẩy lùi, số ca nhiễm đã giảm nhiều ở hầu hết các quốc gia thuộc khu vực như châu Âu, Mỹ và cả châu Á. Kỳ vọng nước Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng xong 70% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021.
Trong khi đó, Việt Nam được kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2022.
Theo TCSC, một số nước châu Âu như: Hy Lạp, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kì, Ba Lan, Tây Ban Nha,… đã mở cửa ngành du lịch sau thời gian dài đóng cửa chống dịch COVID-19.
Trong đó, Hy Lạp đã mở cửa đón du khách từ khoảng 50 nước, bao gồm các quốc gia thành viên EU, Mỹ, Canada, Nga và Trung Quốc. Pháp chào đón nếu du khách đã tiêm phòng một trong 4 loại vaccine gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Tây Ban Nha cũng mở biên giới đón du khách đã tiêm vaccine đầy đủ từ nhiều nước trên thế giới từ hôm 7/6.
Trong khi đó, Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu phục hồi khá tốt. Khoảng 40% dân số của đất nước tỷ dân đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, cùng với những chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc đã giúp nước này đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 18,3% trong quý I/2021, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1992.
Còn tại Việt Nam, theo thông tin từ Tổng Cục Thống Kế, GDP Việt Nam tăng 6,6% so với cùng kỳ trong quý II/2021. Ba trụ cột chính của nền kinh tế đều tăng trưởng với ngành công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong khi khu vực dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 4,3% và 4,1% so với cùng kỳ.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tăng 5,6% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,8%). Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,4% so với cùng kỳ; ngành dịch vụ tăng 4,0% và nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Về tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến ngày 3/7, Việt Nam có 3.648.805 người được tiêm ít nhất 01 mũi vaccine, tương đương với 3,8% dân số và 218.602 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, tương đương với 0,2% dân số (theo dữ liệu từ Bản đồ vaccine COVID-19).
Với độ phủ hiện nay của vaccine, giới chuyên gia tin rằng nền kinh tế thế giới sẽ dần thích ứng với trạng thái bình thường mới và các nền kinh tế lớn sẽ đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại. Ngoài ra, sự trở lại của các chuyến bay thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia.
Đầu tư gì hậu COVID-19?
Với việc tăng tốc triển khai tiêm vaccine COVID-19, điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút corona cũng như tạo tiền đề để ngành dịch vụ phục hồi bền vững hơn.
Giới chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ đầu quý IV/2021 và tạo cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống và ngành hàng không kể từ quý IV/2021.
Các chuyên gia của TCSC đánh giá cao về sự phục hồi của ngành bán lẻ nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam. Trong đó, MWG và PLX là hai doanh nghiệp có mức định giá tương đối hấp dẫn, sẽ phục hồi mạnh sau khi dịch được kiểm soát, tính thanh khoản và tình hình tài chính kinh doanh hấp dẫn để đầu tư.
MWG hiện tại đang có mức P/E forward năm 2021 chỉ khoảng 13.x lần, trong khi đó PLX còn đang được hưởng lợi từ giá dầu tăng trong thời gian vừa qua.
Khi cả thế giới có mức độ tiêm chủng vaccine đủ lớn, TCSC đánh giá ngành hàng không sẽ là ngành có tiềm năng phục hồi lớn nhất. Trong nhóm ngành hàng không và dịch vụ hàng không, các chuyên gia của TCSC đánh giá cao nhất đối với ACV và SCS, một số doanh nghiệp có mức độ nhạy cảm cao như nhóm hàng không HVN và VJC sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi hàng không nước ngoài được mở cửa, AST cũng sẽ tiềm năng nhưng sẽ chậm hơn.
Bên cạnh đó, nhóm các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mạnh sang các quốc gia đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và có độ phủ vaccine lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… là VHC, PTB, VCS sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Ngoài ra, ngành bất động sản Khu công nghiệp cũng là ngành sẽ được hưởng lợi sau khi dịch COVID- 19 được kiểm soát. Các khách hàng từ nước ngoài mong muốn tìm các khu đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến sẽ được nối lại sau khi dịch COVID- 19 được kiểm soát trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Do đó, các chuyên gia của TCSC đánh giá các doanh nghiệp có quỹ đất KCN lớn và sẵn sàng cho thuê như: PHR với lợi thế về quỹ đất cao su, NTC, SIP, VGC và cả IDC.
Nhận định của các chuyên gia TCSC và cập nhật về tiến độ tiêm vaccine để miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu chưa tính đến những diễn biến bất ngờ đang trở thành thuộc tính khó đoán của virus corona.
Diễn biến của sự tái nhiễm trở lại ở khu vực châu Âu, đặc biệt ở Anh do mùa Euro đang đi đến hồi bán kết với nguy cơ lan rộng của chủng Delta, hay việc Israel phải tái lập trở lại các quy định để đảm bảo phòng chống COVID-19 sau thời gian ngắn mở cửa... cho thấy, dù cả thế giới vô cùng mong đợi thời kỳ hậu COVID-19 sớm đến, và những dòng tiền đang đợi một giai đoạn đầu tư vẫn "chờ thời", thì bất kỳ dự đoán cũng còn những xác suất của rủi ro ngoài dự đoán.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp