22/03/2019 11:16
Đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup, SK Group có tiềm lực cỡ nào?
SK Group dự định đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup thông qua SK South East Asia Investment, sớm nhất vào tháng 4/2019.
SK Group hay còn gọi là SK Holdings, được thành lập vào năm 1953 bởi Chey John Hyun. SK là Tập đoàn đa quốc gia lớn thứ 3 tại Hàn Quốc với hơn 80 công ty con hoạt động trong 3 lĩnh vực.
Cụ thể là năng lượng và hóa chất, bán dẫn và công nghệ, marketing và dịch vụ (SK Telecom), sản xuất đĩa nhạc và phim (hiện đang hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM, YG và JYP), điều chế dược phẩm (SK là nhà phân phối thuốc lớn nhất ở Hàn Quốc và thường xuyên cung cấp miễn phí cho người dân ở Triều Tiên hàng năm), khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại (Coex Mall đang được điều hành bởi SK).
Lợi nhuận của tập đoàn đã tăng đáng kể năm 2009 đạt doanh thu 7,8 tỷ USD, so với hiện tại là 11, 6 tỷ USD, cho thấy một sự tiến bộ rất vững chắc. Giá trị thị trường của Tập đoàn vào năm 2012 là 68 tỷ USD, trong đó cổ đông lớn nhất cũng là Chủ tịch của Tập đoàn khi nắm giữ 30% cổ phần với giá trị lên đến 20,4 tỷ USD.
SK không được biết đến nhiều trên thế giới như Samsung, Hyundai và LG. Tại Hàn Quốc, công ty này nổi tiếng với các trạm xăng và công ty viễn thông lớn nhất nước, SK Telecom.
Công ty con SK Hynix là hãng sản xuất chíp lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics. Năm 2014, doanh thu của SK đạt 156,6 tỷ USD, nhiều hơn General Electric Co. và gần bằng một nửa Exxon Mobil Corp.
Hiện nay, Chủ tịch SK là Chey Tae-won, cháu trai nhà sáng lập Chey John Hyun. Chey Tae Won hiện là người giàu thứ 6 tại Hàn Quốc với tài sản 3,7 tỷ USD, theo Forbes.
Ông từng bị kết án 4 năm tù vì tội tham ô trước khi được Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye ân xá.
Tại Việt Nam, SK Group đã đầu tư 470 triệu USD để sở hữu gần 110 triệu cổ phần Masan Group (MSN), tương ứng 9,5% cổ phần. Giá giao dịch thỏa thuận là 100.000 đồng/cổ phần. Hiện tại, SK Group đang là nhà đầu tư chi 1 tỷ USD để mua cổ phần của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Trước đó, Vingroup đã thông báo nội dung phương án huy động vốn, trình lấy ý kiến cổ đông theo danh sách đã chốt quyền ngày 6/3.
Cụ thể, Vingroup dự kiến sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 tổ chức nước ngoài. Giá chào bán mỗi cổ phần là trên 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng mức cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định. Nếu chào bán thành công, số tiền Vingroup thu về không dưới 25.000 tỷ đồng.
Để trở thành tổ chức nước ngoài tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần đáp ứng 5 yêu cầu mà Vingroup đưa ra. Cụ thể, tổ chức cần có hoạt động tương đồng trong các lĩnh vực kinh doanh của Vingroup hoặc có khả năng hỗ trợ, bổ trợ cho Vingroup.
Ngoài ra, đây phải là tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập hợp pháp, có năng lực tài chính mạnh và quy mô lớn và không được là công ty con của Vingroup, không được là công ty mà có chung công ty mẹ với Vingroup.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp