29/08/2017 11:45
Đấu thầu thuốc: Lỗ hổng của thị trường dược
Những bất cập và méo mó trong thị trường dược và thiết bị y tế, đặc biệt là các gói thuốc chữa bệnh trong các bệnh viện, là chuyện không mới và gây bức xúc từ nhiều năm nay với những người trong nghề.
Nhưng phải đến khivụ việc VNPharma, với những câu chuyện và tình tiết cụ thể tại Tòa án được làm rõ, thì tất cả những vấn đề nhức nhối của lĩnh vực này: thuốc giả - thuốc kém chất lượng; kê khống giá nhập thuốc; ‘hoa hồng’ cho bác sỹ – mà gọi đúng bản chất là hối lộ… một cách chính thức, mới được hé lộ phần nào.
Nhưng VN Pharma chắc chắn chưa phải là ví dụ duy nhất. Và xử lý, cho dù là hình sự với một vài các nhân, mà không tiến hành những thay đổi về chính sách và cách thức quản lý nhà nước với thị trường thuốc chữa bệnh, thì những vấn đề nêu trên sẽ không thể khắc phục.
Tìm hiểu về thực trạng thị trường và đánh giá vai trò của các bên liên quan, gồm Nhà nước, ở đây là Bộ Y tế và Bộ Tài chính; Bệnh viện và các công ty dược, và người tiêu dùng, tôi thấy nổi lên 3 vấn đề trực tiếp đáng quan tâm.
Vấn đề thứ nhất, vấn đề chất lượng và giá cả các gói thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện. Thuốc và vật tư y tế, trong trường hợp này là một hàng hóa công – bởi vì cho dù người bệnh trên thực tế có chi trả một phần nhất định chi phí thuốc, nhưng chi phí tài trợ cho việc mua sắm phần lớn đến từ ngân sách và quỹ bảo hiểm y tế. Vì thế, Nhà nước phải là phía đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc mua sắm là đúng.
Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý đấu thầu mua sắm đang được giao phó toàn bộ cho ngành Y tế. Việc ‘khoán trắng’ này dẫn đến 3 điểm hạn chế cơ bản.
Điểm thứ nhất, phải đảm nhận đồng thời chức năng kiểm soát chất lượng thuốc; kết hợp với yêu cầu quản lý được hiệu quả kinh tế - tức giá thuốc, trong một cơ quan vốn thuần túy mang tính kỹ thuật (chuyên môn về dược – tức chuyên môn kỹ thuật) thì tự nó khiến cho cơ quan này khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao.
Điểm thứ hai, trong khi thuốc được quy định là mặt hàng cần có sự kiểm soát về giá của Nhà nước, nhưng phía bộ Tài chính – cụ thể là Cục Quản lý Giá, lại không có vai trò gì.
Điểm thứ ba, xuất phát từ việc thiếu sự tham gia của Bộ Tài chính, tạo ra vị thế ‘độc quyền’ trong quyết định các gói thầu cho Cục Quản lý Dược, khiến cho cơ quan này dễ rơi vào vị thế ‘xung đột lợi ích’, chú trọng khía cạnh ‘kinh tế’ vốn có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Cục này, hơn là quản lý chất lượng thuốc.
Trường hợp Công ty VN Pharma, với những nghi vấn có tác động từ cơ quan quản lý về đấu thầu thuốc để dễ dàng dành được các gói thầu, thể hiện rất rõ vấn đề nêu trên.
Vì vậy, theo tôi, từ phía thiết kế hệ thống quản lý nhà nước với thị trường dược, cần tách bạch và làm rõ chức năng Quản lý chất lượng thuốc và Quản lý giá cả mặt hàng thuốc của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Theo đó, về mặt chất lượng, Cục Quản lý Dược là cơ quan duy nhất chịu hoàn toàn trách nhiệm kỹ thuật về vấn đề chất lượng và an toàn của mọi loại thuốc là hàng hóa lưu hành trên thị trường.
Cụ thể, việc đăng ký, kiểm nghiệm và cho phép lưu thông các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước; đăng ký nhập khẩu và kiểm tra chất lượng với hàng hóa nhập khẩu là chức năng trọng tâm của cục này. Trong khi đó, vấn đề giá cả thuốc, đặc biệt là thuốc thuộc về gói thầu mua sắm trong bệnh viện cần có sự tham gia đồng thời, và đóng vai trò quan trọng hơn của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Ngoài một hội đồng chuyên môn xem xét về khía cạnh kỹ thuật như hiện nay, còn cần thêm hội đồng quyết định về giá, trong đó có đại diện của Cục Quản lý giá.
Vấn đề quan tâm thứ hai là minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc. Như đã nói ở trên, thuốc – mặc dù được mua sắm bởi bệnh viện, và người chi trả là 3 bên: người bệnh, quỹ bảo hiểm y tế, và một phần trợ cấp từ Nhà nước – nhưng cần được xem là một loại hàng hóa công.
Tuy nhiên hiện nay, việc công khai thông tin và giám sát trong quá trình đấu thầu là rất hạn chế. Người bệnh – những người sử dụng thuốc, có quyền lợi trực tiếp sát sườn hầu như không có vai trò gì trong quy trình này.
Do đó, theo tôi , để tránh việc ‘ưu ái’ và ‘khuất tất’ trong đấu thầu, tất cả các gói thầu cần được tổ chức đấu thầu công khai và có sự giám sát của một bên độc lập.
Trong trường hợp này, bên giám sát có thể là đại diện từ hiệp hội các nhà sản xuất thuốc, hoặc đại diện của Hiệp hội Y tế. Thông tin về các gói thầu, chấm thầu và bên thắng thầu cần công khai để báo chí có thể tiếp cận và giám sát.
Vấn đề thứ ba, vấn đề giám sát bác sỹ kê đơn và quản lý đơn thuốc. Từ vụ việc VNPharma, những lời khai trực tiếp về việc công ty dược chi ‘hoa hồng’ cho bác sỹ, - một hình thức hối lộ để bác sỹ kê đơn có lợi cho công ty dược chứng thực vấn đề lâu nay ai cũng thấy nhưng không được thừa nhận chính thức.
Điều này cho thấy cần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nghiệp vụ của bác sỹ. Theo đó có thể yêu cầu áp dụng công nghệ vào quản lý đơn thuốc: tất cả các đơn thuốc từ một bác sỹ kê đơn được lưu trữ vào hệ thống thông tin; lưu trữ và tổng hợp.
Từ dữ liệu này, những hành vi bất thường – kê đơn thiên lệch cho một nhãn hàng thuốc nào đó – có thể được dễ dàng phát hiện, truy xuất thông tin và quy trách nhiệm.
Với điều kiện công nghệ như hiện nay, giải pháp kỹ thuật – vốn được nhiều nước áp dụng như thế này, hoàn toàn không khó và không tốn kém nhiều về chi phí, thực hiện nhanh đồng thời có thể phát huy được hiệu quả tức thì so với các giải pháp điều chỉnh pháp lý hay hệ thống quản lý nêu trên.
Không thể chỉ đơn giản đổ lỗi cho đạo đức của đội ngũ y bác sỹ, hay sự tham lam của các công ty Dược cho tình trạng méo mó, thiếu minh bạch trong thị trường dược hiện nay. Trước hết, từ phía Nhà nước, cần bịt những lỗ hổng pháp lý và tổ chức lại hệ thống quản lý để quản lý hiệu quả hơn thị trường dược.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ mới là những giải pháp trước mắt, mang tính ngắn hạn để ‘chấn chỉnh’ lại thị trường. Cải tổ toàn diện hệ thống y tế, bao gồm - tách bạch y tế công – tư; minh bạch hóa tài trợ từ nhà nước và vai trò của bảo hiểm y tế; phát triển vai trò của các hội nghề nghiệp trong ngành y, tách bạch chức năng và vai trò đảm bảo dịch vụ công ích y tế và chức năng điều tiết thị trường khám chữa bệnh, thị trường dược, mới là những bước đi dài hạn, giúp giải quyết những bất cập kéo dài của hệ thống y tế Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Đồng,chuyên gia chính sách công.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp