Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dấu hỏi lớn khi Công ty HVA chuyển từ nông nghiệp qua đầu tư tài chính

Chứng khoán

28/12/2017 13:24

Muốn triển khai hình thức thức cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain, HVA phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cú bẻ lái

Công ty Cổ phần Đầu tư HVA đang gây xôn xao thị trường tài chính khi quyết định bỏ làm nông nghiệp để chuyển qua đầu tư tài chính bằng hình thức cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain.

HVA là doanh nghiệp được thành lập ngày 1/6/2010. Trụ sở đặt tại tầng 14 Tòa nhà Hàn Việt, số 203 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Khánh Toàn. Mã số doanh nghiệp là 0104659943.

Ngành nghề kinh doanh của HVA rất đa dạng, từ trồng cây ăn quả, chế biến các sản phẩm từ thịt, sản xuất sắt thép gang, sửa chữa máy móc thiết bị đến tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, giáo dục mầm non, đại lý du lịch…

Kế hoạch kinh doanh của HVA khi cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain.
Kế hoạch kinh doanh của HVA khi cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain.

Đến ngày 25/12, HVA có văn bản số 12/2017/HVA-CV công bố sẽ chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cũ từ chăn nuôi, trồng trọt qua đầu tư và tư vấn tài chính. Cụ thể, HVA hướng tới hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư ở các lĩnh vực như sản xuất nước giải khát, công nghệ thông tin, hạ tầng bán lẻ, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, sản xuất thiết bị tự động.

HVA còn soạn đề án dài 17 trang về hướng cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain. HVA kỳ vọng huy động được tổng cộng 1.000 tỉ đồng cho dự án này.

Tuy nhiên, đội ngũ phát triển dự án chỉ có 3 người. Leader của dự án là ông Trần Xuân Thủy. Ông Thủy đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Tập đoàn Alibaba. Ông Thủy tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Nam California, Hoa Kỳ.

Cố vấn IT của dự án là ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Hùng đang là Giám đốc dự án Công nghệ Thông tin của Công ty TNHH Hệ sinh thái Phần mềm và Trung tâm Phát triển Y tế Công Cộng. Ông Hùng có bằng Thạc sĩ Công nghệ Thông tin của trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Còn nghiên cứu và phát triển dự án là bà Dương Thùy Dương. Bà đang là chuyên viên đầu tư của Công ty Cổ phần Đầu tư HVA. Bà Dương tốt nghiệp khoa Tài chính Doanh nghiệp của trường Đại học Thăng Long.

Cho vay như thế nào?

Nói một cách khách quan, hình thức cho vay ngang hàng (peer to peer lending) đã xuất hiện từ trước khi ngân hàng ra đời. Trong quá khứ, do yếu tố thông tin còn hạn chế nên không phải lúc nào người đi vay và người cho vay cũng có thể kết nối trực tiếp được với nhau. Sự xuất hiện của ngân hàng với vai trò là trung gian nhận tiền gửi và sử dụng tiền đó để cho vay đã giải được bài toán về nhu cầu đi vay và cho vay.

Tuy nhiên, chi phí để duy trì hoạt động của bộ máy ngân hàng rất lớn, dẫn đến lãi suất cho vay của ngân hàng thường cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi để bù đắp chi phí hoạt động. Quy trình xét duyệt tín dụng của ngân hàng cũng khắt khe, tốn thời gian khiến nhiều người có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận khoản vay.

Sơ đồ cho vay ngang hàng ứng dụng công nghệ Blockchain của HVA.
Sơ đồ cho vay ngang hàng ứng dụng công nghệ Blockchain của HVA.

Sự ra đời của một nền tảng cho vay ngang hàng sẽ giúp người đi vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau. Với nền tảng này, người đi vay sẽ chịu lãi suất thấp hơn và người cho vay sẽ nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn so với lãi suất ngân hàng.

Còn Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Hiểu đơn giản, Blockchain là một cuốn sổ cái ghi chép lại tất cả giao dịch, hợp đồng mà thông tin của nó được chia sẻ và lưu trữ ở rất nhiều máy tính trong hệ thống.

Nền tảng cho vay ngang hàng ứng dụng công nghệ Blockchain của HVA giúp người có nhu cầu vay tiền thực hiện tất cả các thao tác online chỉ với một chiếc smartphone. Nền tảng cho vay ngang hàng đem đến những lợi ích như quy trình phê duyệt khoản vay nhanh chóng nhờ ứng dụng cơ sở dữ liệu và thuật toán thông minh. Người đi vay chịu lãi suất thấp hơn so với lãi suất ngân hàng. Người cho vay nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Để cho vay tiền và được vay tiền, người đi vay và cho vay phải mở tài khoản trên hệ thống. Các thông tin yêu cầu khai báo là họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng dùng để giao dịch trên hệ thống…

Tài khoản sau khi mở sẽ có thể được sử dụng cho hai mục đích là đi vay và cho vay. Tùy theo nhu cầu cụ thể, khách hàng sẽ đặt lệnh đi vay và cho vay. Ngoài ra, người dùng sẽ phải cung cấp thêm các tài liệu hệ thống yêu cầu.

Nền tảng cho vay ngang hàng của HVA hướng tới hai nhóm khách hàng lớn là cá nhân ở giai đoạn một. Giai đoạn hai, HVA hướng tới khách hàng vay là doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

Sau khi có tài khoản, có nhu cầu vay tiền thì các cá nhân sẽ thực hiện đặt lệnh vay tương tự như khi đặt lệnh mua trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi sẽ tiến hành đặt lệnh cho vay trên hệ thống, gồm số tiền muốn cho vay, mức lãi suất kỳ vọng, thời gian cho vay, mức độ rủi ro ưa thích…

Các thông tin này sau đó sẽ được đưa vào thuật toán Matching giúp kết nối nhu cầu của người đi vay và cho vay. HVA sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ qua hai phương thức là nhân viên trực tiếp xét duyệt và thuật toán xét duyệt. Dựa trên kết quả xét duyệt của nhân viên và thuật toán, hệ thống sẽ đưa ra kết quả cuối cùng về khoản vay của khách hàng sau đó công khai khoản vay lên toàn bộ hệ thống.

Cuối cùng, hai bên xác lập giao dịch trên Smart Contract bằng cách xác lập hợp đồng vay giữa người đi vay và người cho vay. Tích hợp với cổng thanh toán điện tử để nhận dòng tiền giải ngân từ người cho vay, nhận dòng tiền thanh toán định kỳ từ người đi vay. Liên kết trực tiếp đến tài khoản rút tiền của người đi vay và người cho vay.

Dự kiến, đến tháng 2/2019 HVA mới đưa hệ thống vào vận hành.

Tham vọng quốc tế

Tổng số vốn để thực hiện dự án này là 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, HVA không bỏ tiền mà huy động từ các nhà đầu tư. Giai đoạn 1 (Pre-sale 1) sẽ huy động 10 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (Pre-sale 2) sẽ huy động 50 tỉ đồng và cuối cùng là ICO sẽ huy động 940 tỉ đồng.

Để huy động tiền, HVA sẽ phát hành Token, tương tự như mệnh giá một cổ phiếu. Mệnh giá ước tính của 1 Token là 10.000 đồng. Trong giai đoạn Pre-sale 1 và 2, nhà đầu tư sẽ được mua token với mức giá lần lượt là 50% và 20% so với mệnh giá.

Thời gian phân bổ Token dự kiến.
Thời gian phân bổ Token dự kiến.

Tổng số tiền huy động được sẽ được dùng để nghiên cứu phát triển hệ thống, trang bị cơ sở hạ tầng hệ thống, trang trải chi phí thuê tư vấn nghiệp vụ, pháp lý, chi phí marketing và dành một phần để trực tiếp tham gia thị trường với vai trò người cho vay.

Trước thời điểm ICO chính thức, nhà đầu tư có thể tự do giao dịch mua bán, chuyển nhượng chứng nhận góp vốn với điều kiện phải thông báo với HVA. Trước thời điểm ICO ba ngày làm việc, HVA sẽ chốt danh sách góp vốn để tiến hành thủ tục phát hành Token.

Sau khi dự án vận hành, HVA sẽ ICO trên thị trường quốc tế. Tổng số lượng Token tối đa dự kiến cung cấp ra công chúng tính đến năm 2024 là 179.169.238 Token. Trong đó, HVA sẽ chính thức phát hành 111.250.000 Token đợt đầu tiên trên nền tảng Ethereum vào năm 2019.

Tổng số 179.169.238 Token tối đa phát hành ra thị trường sẽ được phân bổ theo tỉ lệ là 1% cho đợt Pre-sale 1, 3% cho đợt Pre-sale 2, 52% cho đợt ICO, 5% cho đội ngũ phát triển hệ thống và 38% sẽ được phát hành trong quá trình vận hành hệ thống.

Số lượng Token còn lại sẽ được phát hành trong quá trình hoạt động dưới dạng Token thưởng để khuyến khích sự tham gia của các thành viên trên hệ thống. Để mua Token, đầu tiên nhà đầu tư cần tạo tài khoản ví điện tử trên hệ thống. Đồng tiền sử dụng để mua Token là VND hoặc tiền điện tử. Tùy theo giá tiền điện tử tại thời điểm ICO, mỗi Token sẽ được quy đổi theo một tỉ lệ tiền điện tử nhất định.

Lợi nhuận của dự án dự kiến sẽ đến từ hai nguồn chính. Thứ nhất là hoạt động trực tiếp cho vay. Với số vốn gọi được từ Pre-sale và ICO, HVA sẽ sử dụng 20% để trực tiếp tham gia với tư cách thành viên cho vay trên hệ thống.

Thứ hai là từ phí dịch vụ sử dụng nền tảng. Với mỗi giao dịch đi vay và cho vay, HVA sẽ thu phí người dùng trên cơ sở phần trăm khoản vay. HVA sẽ tính toán để đảm bảo sau khi cộng thêm phí dịch vụ, mức lãi suất thường niên của khoản vay vẫn cạnh tranh hơn rất nhiều so với khi đi vay và gửi tiết kiệm thông qua ngân hàng.

Khó thực hiện

Tiến sĩ-Luật sư Bùi Quang Tín cho biết, việc Công ty HVA cho vay ngang hàng thì Việt Nam chưa cho phép. Thứ hai, cho vay ngang hàng dựa trên hình thức tiền ảo (Blockchain) thì càng không cho phép nữa.

“Đây là điều bất thường. Bản chất của đầu tư, tư vấn tài chính thì không được cho đi vay. Anh chỉ được tư vấn cho người ta hoạt động trong lĩnh vực tài chính thôi. Nếu HVA đứng ra cho vay thì phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tín nói.

Cơ cấu phân bổ Token.
Cơ cấu phân bổ Token.

Luật sư Bùi Quang Tín cho biết thêm, hiện nay có hai hình thức cho vay. Thứ nhất là cho vay theo hình thức dân sự. Nghĩa là các bên vay mượn lẫn nhau theo hình thức thỏa thuận, không diễn ra thường xuyên, kinh doanh chính. Còn nếu hoạt động cho vay diễn ra liên tục và là hoạt động kinh doanh chính, mang về lợi nhuận cho công ty thì phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc HVA chuyển đổi ngành nghề kinh doanh là hoạt động bình thường. Nó chỉ bất thường ở chỗ, HVA lại chọn hình thức thức cho vay ngang hàng trên nền tảng công nghệ Blockchain.

“Đây là hoạt động kinh doanh khá mới nhưng rủi ro quá lớn. Hệ thống ngân hàng với nhiều phòng ban, pháp lý chặt chẽ mà nợ xấu ngày càng phình to. Vậy, HVA làm gì để thẩm định được hồ sơ người vay, đảm bảo người vay tiền trả lãi và gốc đúng tiến độ, người cho vay tiền sẽ không bị giựt nợ?”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cho biết thêm, việc HVA phát hành Token cũng giống như các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn. Việc niêm yết trên HOSE, HNX hay Upcom được thẩm định chặt chẽ còn HVA phát hành Token ai thẩm định thì còn bỏ ngỏ. Việc mua bán Token sẽ diễn ra ở đâu? Căn cứ nào định giá Token? Còn việc phát hành quốc tế cũng giống như các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài. Tuy nhiên, phải là công ty lớn, uy tín thì mới làm được việc này.

“Tôi thấy khá mơ hồ và khó thực hiện kế hoạch này”, ông Hoàng kết luận.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement