27/11/2022 15:45
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thức ăn và cách sơ cứu
Theo Bộ Y tế, trẻ em bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc thực phẩm nhẹ thường có biểu hiện: buồn nôn, đau bụng, nôn nhiều lần, tiêu chảy kèm theo sốt, khô môi, khát nước, thở nhanh, mệt lả…. gia đình phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Trong thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các trường học. Vậy dấu hiệu nhận biết ngộ độc thức ăn thư thế nào để cấp cứu và điều trị kịp thời?
Có nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh tiêu hóa ở trẻ như độc tố có tụ cầu vàng, e.coli, phẩy khuẩn tả, salmonela, rotavirus… Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố trong đồ ăn là nguyên nhân chính gây bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn: Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó.
Người bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC.
Các triệu của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên.
Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa.
Hết sức chú ý những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Bổ sung oresol cho trẻ: Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng cần nhớ nguyên tắc, pha oresol theo đúng hướng dẫn, uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Nhiều trường hợp thấy con đi ngoài quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha cốc oresol 200ml bắt con uống bằng hết khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp nổi tình trạng thiếu nước.
Cũng có những trẻ kiên quyết mím chặt miệng không chịu uống oresol mà bằng các loại nước khác như cô ca, nước có gas… cha mẹ tuyệt đối không được thỏa hiệp với trẻ. Bởi uống những loại nước này vào tình trạng đi ngoài sẽ càng trầm trọng hơn. Ngay cả nước lọc cũng không phải là lựa chọn tốt bởi chỉ giúp bé cảm thấy đỡ khát nhưng không có tác dụng bù điện giải.
Cũng cần nhớ, nếu uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng mỗi lần uống bé vẫn bị nôn, rồi tình trạng đi ngoài quá nhiều thì hãy nhanh chóng đưa con tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.
Ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt (hoặc khoai tây, bí đỏ và một ít chuối xanh). Đây là những loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp em bé đi ngoài phân đặc hơn, tình trạng mất nước đỡ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bé quá mệt, không muốn ăn thì cha mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Thậm chí cả ngày không ăn nhưng được bù đủ nước, bù điện giải, bé cũng không quá mệt. Nói như vậy để nhấn mạnh, khi trẻ bị đi ngoài vì ngộ độc thực phẩm, việc bù nước, bù điện giải là quan trọng nhất còn ăn uống chỉ là thứ yếu.
Không dùng thuốc cầm tiêu chảy: Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn này được tống hết ra ngoài là bệnh sẽ khỏi. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu.
Mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định bác sĩ bởi có thể làm cho bệnh nặng thêm
Đối với trẻ nhỏ cha mẹ không nên sốt ruột ép bé ăn, mà cho bé ăn từng chút một thức ăn lỏng như nước cháo, súp. Trẻ lớn hơn có thể cho ăn cháo, súp hay cơm nhão để giúp mau hồi phục các men tiêu hóa.
Nếu đã chăm sóc người bệnh như những hướng dẫn kể trên mà tình trạng không cải thiện, bị nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ bị sốt cao, đi cầu phân có máu, khát nước, đau bụng, hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì cần cho bé nhập viện để điều trị.
Các biện pháp phòng tránh ngộ độc cho trẻ: Cha mẹ cần lưu ý chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đặc biệt trong vấn đề ăn uống, giữ gìn vệ sinh thực phẩm.
Chọn thức ăn đã được nấu chín, bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ tránh vi khuẩn xâm nhập vào nhiều. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.
Trong bảo quản thức ăn cần chú ý hạn sử dụng của thức ăn không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín.
Khi chế biến thức ăn, đối với rau củ quả cần rửa sach và ngâm nước muối. Không cho trẻ ăn thức ăn hay uống những chất lạ, tránh những trường hợp ngộ độc xảy ra.
Giữ vệ sinh trong ăn uống bằng cách ăn chín, uống sôi. Không dùng thức ăn đông lạnh, thực phẩm ôi thiu
Tạo thói quan cho trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh. Môi trường sống của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi cho trẻ.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp