30/06/2021 13:37
'Đất vàng' Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình bị xẻ thịt cho thuê thế nào?
Được tạm giao quản lý hơn 23ha đang chờ thực hiện dự án, lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình ngang nhiên “xẻ thịt” cho 42 doanh nghiệp thuê mặt bằng.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia.
Nội dung thanh tra chủ yếu về việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai và công tác quản lý, sử dụng tài sản công, thời kỳ thanh tra từ 1/1/2009 đến 31/12/2018.
Đáng chú ý, trong kết luận nêu rõ, việc cho thuê mặt bằng các khu đất đền bù giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án (giai đoạn 2009-2018) trong Khu Liên hợp Thể thao quốc gia là sai phạm nghiêm trọng. Chính vì vậy, TTCP đề nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại nội dung này.
Cụ thể, trong kết luận, TTCP chỉ ra, khu đất đã đền bù giải phóng mặt bằng chờ thực hiện dự án có diện tích khoảng 23,41ha, nằm trong diện tích 247ha được Thủ tướng tạm giao cho Khu Liên hợp Thể thao quốc gia quản lý.
Giai đoạn 2009 đến 2018, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia ký tổng số 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng các khu đất với khoảng 42 doanh nghiệp. Tất cả các hợp đồng cho thuê mặt bằng Khu Liên hợp Thể thao quốc gia ký với các doanh nghiệp trong năm 2018 được thanh lý vào ngày 30/4/2018.
Theo kết luận của TTCP, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia được tạm giao quản lý các khu đất đã đền bù giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chính thức giao đất hay cho thuê đất.
Tuy nhiên, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia sử dụng đất để cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn.
Quá trình sử dụng đất (là tài sản nhà nước, tài sản công) để cho thuê mặt bằng có rất nhiều sai phạm, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, quản lý thuế.
Cụ thể, lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao quốc gia sử dụng đất cho cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh là không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất, vi phạm Điều 11, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003, Điều 6, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, trái quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (giai đoạn năm 2009-2011).
Khu Liên hợp Thể thao quốc gia chưa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định cho thuê tài sản nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 52 của Chính phủ (giai đoạn năm 2012-2017).
Khu Liên hợp Thể thao quốc gia không lập đề án sử dụng tài sản công theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 151 của Chính phủ, không được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép, phê duyệt đề án cho thuê quy định tại Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, vi phạm quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2018).
Lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao quốc gia không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định (giai đoạn 2009-2018); vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định số 105 ngày 11/11/2009, Điều 13 Nghị định số 102 ngày 10/11/2014 của Chính phủ.
Từ trước ngày 6/7/2014, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia không thực hiện xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 245 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, từ 7/7/2014 đến nay, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia ban hành 3 Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở vật chất nhưng chỉ quy định về đơn giá cho thuê mặt bằng (12.000 đồng/mở/tháng - 20.000 đồng/mở/tháng) mà không quy định về nộp tiền thuê đất; không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013.
Advertisement
Advertisement