21/03/2021 09:57
'Đặt cược' vào cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ dồn một lượng lớn ngân sách địa phương trong vòng 5 năm tới để góp vào Dự án PPP đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Một đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Ảnh: A.M |
Đột phá khẩu
Quyết tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc sớm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trước năm 2025 là điều có thể nhận thấy trong Tờ trình số 1154/TTr-UBND vừa được địa phương này gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức PPP.
Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I đầu tư theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h là phân đoạn giữa của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (dài khoảng 190 km). Hai đoạn còn lại là Dầu Giây - Tân Phú dài 60 km nằm trọn trên địa phận tỉnh Đồng Nai và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dù tuyến nằm trên cả địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Tờ trình số 1154 là việc UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị cơ cấu nguồn vốn thực hiện Dự án khá đặc biệt.
Cụ thể, trong cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I vào khoảng 16.408 tỷ đồng, ngân sách địa phương sẽ góp 4.500 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.
Nếu xét riêng phần vốn nhà nước tham gia Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc giai đoạn I, vốn ngân sách của Lâm Đồng chiếm tới 69%. Đây là tỷ lệ góp vốn cao nhất mà một địa phương từng tham gia vào một dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức PPP, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc chính quyền địa phương cam kết dành khoảng 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị địa phương, bởi nhu cầu sớm cụ thể hóa tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là rất lớn để sớm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch Lâm Đồng. Trong đó, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được chọn là điểm đột phá khẩu, kích hoạt 2 phân đoạn còn lại sớm khởi động theo.
Đa dạng hóa nguồn vốn
Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc diễn ra khá suôn sẻ. Trên cơ sở đề xuất Dự án của liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào đầu tháng 3/2021.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
“Chúng tôi hy vọng chậm nhất là đầu tháng 4/2021, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư. Mục tiêu của tỉnh là hoàn thành Dự án vào cuối năm 2024”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.
Ngoài phần vốn nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Ngân hàng Nam Á đã chuẩn bị tất cả các điều kiện để phát hành trái phiếu dự án khoảng chừng 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã lên kế hoạch đấu giá quyền khai thác quỹ đất được hình thành dọc tuyến cao tốc.
Một điểm khá đặc biệt nữa tại Dự án là cơ chế giải ngân dòng vốn, Cụ thể, tại dự án này, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền trước để triển khai, sau đó mới sử dụng phần tiền của địa phương và ngân sách quốc gia.
“Đây là cơ chế mới, chưa có tiền lệ, nhưng chúng tôi đánh giá là cần thiết để các nhà đầu tư phải có trách nhiệm trong việc thể hiện năng lực bản thân”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Cũng tại Tờ trình số 1154, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng cho phép nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn với mức thu đảm bảo không vượt khung giá quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Giá vé cho năm cơ sở là 2.000 đồng/km/phương tiện quy đổi, tăng giá vé 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15%, trong thời gian khoảng 20 năm.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, Dự án dự kiến áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu theo quy định tại khoản 1, Điều 82, Luật Đầu tư PPP năm 2020.
Một điểm thuận lợi đáng kể nữa đối với nhà đầu tư tại Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là đoạn Dầu Giây - Tân Phú cũng được đầu tư theo hình thức PPP và đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để có thể hoàn thành vào năm 2025.
“Việc hoàn thành 2 đoạn tuyến năm 2025 sẽ giúp tăng đáng kể lưu lượng phương tiện, qua đó vừa hỗ trợ cho nhà đầu tư Tân Phú - Bảo Lộc, vừa tạo đà để triển khai đoạn từ Bảo Lộc tới Liên Khương trong thời gian sớm nhất”, ông Trần Văn Hiệp nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp